Dạo quanh những khu phố Hà Nội, tình cờ được thưởng thức thứ bánh mang vị dẻo thơm của gạo nếp, hương vị nồng nồng và vị ngọt dịu của mật mía. Hỏi ra mới biết, đó là bánh tro từ xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Bánh tro được ăn kèm với mật mía. Ảnh: Thoa Nguyễn |
Trước thứ bánh có độ trong, mang màu cánh dán, hầu hết ai ăn cũng tò mò vì sự lạ mắt, lạ miệng kèm theo cái tên gọi lạ tai. Bánh có tên gọi bánh tro vì nước để ngâm gạo làm bánh và nấu bánh đều được lấy phần nước trong, lắng từ nước tro (gio) rơm nếp hoặc của nhiều loại cây khác nhau.
Nguyên liệu làm bánh tro rất đơn giản, chỉ gồm gạo nếp, nước tro của những sợi rơm nếp sạch, chút vôi, lá chuối hoặc lá dong và mật mía. Theo những người bán bánh tro dạo, chỉ với chừng 3-5kg gạo nếp, người làm bánh có thể có được từ 120 đến 200 chiếc bánh, đủ cho một gánh hàng bán dạo trong ngày.
Mặc dù nguyên liệu quen thuộc, đơn giản, nhưng để có được chiếc bánh có độ trong, vị dẻo thơm của gạo nếp và hương vị nồng nồng từ nước tro của rơm nếp người làm bánh phải tỉ mỉ, kỹ càng từ khâu chọn nếp, cách gạn nước tro, khâu gói và luộc bánh.
Gạo nếp được vo sạch. Rơm nếp sạch đốt lấy tro, rồi đổ tro vào chậu, hòa thêm chút vôi để nước tro lắng lại, chắt lấy phần nước trong, bỏ cặn. Sau đó cho gạo đã vo sạch vào ngâm trong nước tro khoảng 3-4 tiếng đồng hồ và vớt ra để ráo nước, đợi được gói.
Lá chuối hoặc lá dong cũng được rửa sạch, hấp cách thủy cho mềm và đảm bảo vệ sinh rồi mới lau khô đem gói bánh. Gạo nếp được cho vào lòng chiếc lá sao cho gọn; dây chuối buộc bánh cũng không được quá chặt để khi đem luộc, hạt gạo nếp có thể nở và chín đều.
Sau khi được bóc, chiếc bánh có độ trong, dẻo, mang màu cánh dán. Bánh được cắt nhỏ từng miếng, dùng dĩa xiên bánh và chấm vào bát mật (thoang thoảng vị cay của gừng) hoặc cắt vào bát và rưới mật lên trên để dùng. Độ dẻo của gạo nếp, vị thanh thanh nồng nồng của nước tro hòa với vị ngọt dịu của mật mía khiến dư vị miếng bánh ngân mãi trong cổ họng.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)