Tôi vẫn nhớ như in thời còn nhỏ ở một làng quê đồng bằng sông Cửu Long, nơi gắn chặt trong tâm khảm tôi nhiều kỷ niệm nhất. Trong vô vàn kỷ niệm dân dã ấy có một thứ đến giờ nhắc tới vẫn còn thèm. Đó là cơm cháy. Nào có cao sang gì đâu, cơm cháy là thứ “hèn mọn” nhất vì không có tên gọi trong nhiều món ăn bình thường của bất cứ gia đình nào ở vùng sông nước này. Đó chỉ là món ăn chơi của bọn trẻ con trong lúc chờ bữa cơm ngày thường.
Dĩa cơm cháy bên cạnh dĩa cá rô biển chiên sả ớt. Ảnh: Cát Lộc |
Thuở ấy, những năm 1950, khi nồi “xi kên” (nồi nhôm) mới bắt đầu phát triển thì những chiếc nồi đất vẫn còn được người dân nơi đây trọng dụng trong việc nấu nướng. Nồi đất nấu canh đã ngon, ngon hơn là kho cá kho thịt nếu được đun bằng củi hoặc than đước. Chiếc nồi đất nấu cơm sẽ cho ta một bữa ăn ngon “thấu trời”, cũng trên bếp lửa than hoặc lửa củi cháy phừng phừng. Vì, khi cơm chín nó sẽ cho ta những giề cơm cháy vàng ruộm, cắn miếng nào đã đời răng cỏ miếng nấy.
Tiếng hột cơm nổ giòn trong răng đã sướng cái lỗ tai bao nhiêu thì những miếng cơm cháy “sang” hơn khi được phết mỡ hành sẽ khiến cái miệng ta thơm béo không sao kể xiết. Miếng cơm cháy càng ngon khi ta đang bụng đói lưng lửng. Cho nên không luyến nhớ miếng cơm cháy quê nghèo mới là chuyện lạ.
Ngày nay nhà nào cũng có một cái nồi cơm điện, kể cả ở thôn quê. Mà nồi cơm điện khó cho ta những miếng cơm cháy vàng ruộm, chỉ nhìn thôi cũng đã thấy… nao lòng. Muốn có cơm cháy bằng nồi cơm điện, người ta phải nhấn nút nấu thêm lần nữa. Nhưng nó chỉ cho ta những miếng cơm cháy ăn… đỡ ghiền mà thôi. Chính vì vậy, muốn ăn cơm cháy “thứ thiệt”, người ta chỉ có nước vô… nhà hàng. Mà hình như chỉ có một số nhà hàng hoặc quán ăn lớn ở Cần Thơ mới có món ăn “kỳ cục” này.
Để có miếng cơm cháy vàng ruộm, hấp dẫn mắt nhìn, nhà hàng đã “công phu” chế biến một cách khéo léo. Tiếng cơm cháy nhưng thật ra đó là cơm nóng bình thường được đựng trong một tấm nylon, cán thành miếng dẹp và tròn như bánh tráng. Giề cơm đó được đem áp chảo để có một mặt cháy vàng, rồi dùng tiểu liễu gấp lại như nửa vầng trăng phồng đẹp mắt.
Món phụ trợ ăn với cơm cháy cũng khá phong phú. Người thì thích ăn với nước mắm kho quẹt. Nước mắm ngon cho chút đường cát trắng, chút mỡ nước và mỡ xắt hột lựu cùng một ít gia vị như bột ngọt, bột nêm, tiêu bột…, đặt cái ơ lên bếp lửa. Trong chốc lát ơ nước mắm sôi, tỏa mùi thơm quyến rũ. Khi hỗn hợp này kẹo lại có màu vàng sậm thì nhắc xuống, dọn ra bàn cùng dĩa cơm cháy. Nếu muốn ngon hơn thì ăn với cá cơm kho tiêu. Ơ đất bắc lên bếp lửa, cho cá cơm cùng nước mắm ngon, đường, bột ngọt, bột nêm, mỡ nước, tiêu xay vào. Nước sôi sền sệt thì tắt lửa, nhắc xuống, dọn ra bàn là đã có món ngon.
Nếu bạn không thích ăn cơm cháy với các món kho quẹt thì nhà hàng đã có mấy món cá chiên giòn đáp ứng nhu cầu ẩm thực của bạn. Đó là cá kết chiên sả ớt, cá kết ướp sơ muối chiên giòn. Cá kết hoặc cá trèn (cùng họ cá kết) chiên giòn đều là những món ăn ngon với cơm cháy. Nhưng “siêu” hơn có lẽ là cá rô biển chiên sả ớt. Cá rô biển là đặc sản cao cấp, là của hiếm của sông nước đồng bằng miền Tây, nên thành món ăn có hương vị độc đáo hơn nhiều món ăn khác được làm bằng cá đồng.
Gắp một con cá kết (cá trèn hoặc cá rô biển chiên sả ớt) cắn một miếng, nhai, sẽ nghe tiếng cơm cháy nổ rôm rốp trong răng hòa với tiếng thịt và xương cá bể êm trong từng miếng nhai. Khi đó tinh bột của cơm cháy sẽ cùng vị mặn ngọt của thịt cá cùng gia vị lan thấm sâu chân răng, theo xuống tận dạ dày. Ngon ơi là ngon. Chính vì cái sự ngon này mà món cơm cháy ở Cần Thơ đã hút hồn biết bao khách phương xa, nhất là khách Sài Gòn.
(Theo Thời báo kinh tế SG)