Đĩa đọt choại xào tép. Ảnh: Hữu Tưởng |
Choại (còn gọi là chại, hay chạy) là loại dây leo, thường mọc hoang nơi bưng biền, nhiều nhất ở Cà Mau, Hậu Giang, Rạch Giá… Thân cây choại rất dài (có thể tới 20 mét), có nhiều rễ bám chặt vào thân cây khác để sống, nhất là cây tràm. Lá kép hình lông chim có chiều dài gần cả mét. Lá non màu nâu pha lẫn xanh dợt, và trên đầu lá non uốn cong, mới nhìn giống như hình con cuốn chiếu cuộn mình. Choại là một loại rau sạch, vị ngọt, giòn, nhơn nhớt và có mùi thơm đặc trưng.
Tôi nhớ, mỗi khi làm lụng ngoài đồng về nhà trễ không làm kịp thức ăn. Má vội vàng bắc nồi cơm lên bếp, rồi tất tả ra sau vườn hái một bó đọt choại về. Thế là, trong chốc lát bữa cơm được dọn lên với món đọt choại xào mỡ chấm với nước mắm chanh, tỏi ớt rất hấp dẫn. Ngoài ra, những lúc nông nhàn, ba tôi thường xuống sông xúc tép, bắt cá… để má chế biến thức ăn cho các con đỡ ngán. Khi thì má nấu canh chua đọt choại cá rô đồng, khi thì cá lóc kho chấm đọt choại luộc… Nhưng món gây ấn tượng đối với tuổi thơ tôi vẫn là đọt choại xào tép.
Bó rau đọt choại. Ảnh: Hữu Tưởng |
Trước hết, đọt choại hái về, lặt lấy phần non rửa sạch, để ráo. Cho một ít muối bọt vào nồi cùng với nước lã nấu sôi, rồi thả đọt choại vào trụng nhanh. Lấy đọt choại ra cho vào thau nước lạnh (có pha nước đá) để tăng độ giòn, vớt ra, để ráo. Tiếp đến, bắc chảo lên bếp, phi mỡ tỏi thơm rồi cho tép (đã làm sạch) cùng với gia vị (bột nêm) vào xào chín. Cuối cùng, cho đọt choại (đã trụng sơ) vào. Dùng xạng đảo qua, đảo lại nhiều lần khi thấy đọt choại chín, nhắc xuống, múc ra dĩa. Nhớ thêm một ít hành lá xắt nhuyễn và một ít tiêu xay, và làm thêm một chén nước mắm chanh, tỏi ớt là xong!...
Thật thú vị khi ngồi trên căn nhà sàn bốn bề rì rào sóng vỗ vào lúc hoàng hôn buông xuống trên cánh đồng mùa lũ. Mâm cơm đạm bạc được dọn lên dưới ánh đèn dầu tù mù, duy nhất trên sàn nhà chỉ có dĩa đọt choại xào tép cùng một chén nước mắm tỏi ớt. Dùng đũa gắp một miếng đọt choại cặp cùng con tép chấm vào chén nước mắm tỏi ớt đưa lên miệng nhai một cách từ tốn. Vị ngọt, thơm, béo của tép hòa quyện vị dai, giòn, nhơn nhớt và mùi “thơm thoảng đặc trưng” của đọt choại thấm vào vị giác. Và, một miếng cơm nóng vào nữa… khiến tôi cảm thấy gắn bó và yêu mến quê hương miền Tây da diết!
(Theo Thời báo kinh tế SG)