Trong những ngày lưu lại Sóc Trăng, tôi được một người bạn dẫn đi ăn nhiều món ăn ngon và lạ miệng. Có lần anh bạn đưa tôi đến một quán nằm ở ngoại vi thị xã Sóc Trăng, khá xa nhưng rất đông khách. Hôm đó, lần đầu tiên tôi biết đến món lươn hấp bầu rất độc đáo.
Tới quán, anh bạn tôi đi thẳng vô quầy của bà chủ quán để gọi món. Đợi chẳng bao lâu, quán dọn món ra, đặt trên bàn là một trái bầu to, khói bốc lên nghi ngút, thơm lừng. Tôi hơi thất vọng vì chẳng thấy thịt cá đâu. Nhưng khi uống vào vài ly bia, anh bạn tôi dùng đũa tách trái bầu ra thì tôi thấy con lươn nằm gọn lỏn trong trái bầu.
Món lươn hấp bầu. Ảnh: TKQ |
Lúc này, anh bạn tôi mới bật mí, đây gọi là món lươn hấp bầu. Tôi gắp thử một miếng cho vào miệng thì thôi... ngon không chịu được. Miếng thịt lươn vừa có mùi thơm, vừa có vị ngọt, lại không quá bở, hơi dai dai cộng thêm sự khéo léo trong cách ướp gia vị của chủ quán đã làm cho món ăn trở nên ngon miệng. Nước chấm dùng để ăn với món này phải là nước mắm nguyên chất, loại thơm ngon, thêm vào những lát ớt xắt mỏng trông thật đẹp mắt và gợi cảm giác thèm thuồng. Vị ngọt của lươn cộng với vị ngọt của bầu, vị thơm của hành, cùng các gia vị đã hòa quyện cùng nhau làm cho món ăn ngon không chê vào đâu được. Quả là một cách chế biến món ăn tuyệt vời, gợi cảm giác vừa tò mò vừa thích thú cho thực khách. Nếu đã đến Sóc Trăng mà bạn không thưởng thức được món này thì âu cũng là điều đáng tiếc.
Theo Đông y, lươn giúp bổ khí huyết, thích hợp với chứng lao lực, ho hen, phong thấp. Y học hiện đại chứng minh rằng lươn vàng còn có thể trị được bệnh tiểu đường và tăng cường trí nhớ.
Lươn còn gọi là thiên ngư, trường ngư - một trong “bốn món tươi ngon dưới sông” (tứ đại hà tiên), là “sâm động vật dưới nước”. Lươn tính ôn, vị ngọt, có công hiệu bổ khí dưỡng huyết, làm mạnh gân cốt; thích hợp với các chứng lao lực, ho hen, tiêu khát, kiết lỵ, phong thấp đau nhức, gân cốt rã rời, viêm tai giữa, thận hư đau lưng, liệt thần kinh mặt.
(Theo Thời báo kinh tế SG)