Cây lá giang, bọn trẻ thường ngắt lá vò hơi nát rồi chấm muối ớt ăn cũng thú vị lắm. Người già bảo lá giang chỉ ngon nhất vào khoảng tháng tư đến tháng mười âm lịch.
Lá giang được coi như một loại rau dùng cho nhiều món. Kho cá, nấu canh, luộc, chiên xào… Có người bảo lá giang còn là vị thuốc. Hỏi thuốc gì họ chỉ cười rồi nói “Mấy cụ rùa sống lâu là nhờ ăn toàn lá giang đó!”.
Mẹ tôi nấu canh lá giang với thịt ếch, đủ cả hương vị ngọt bùi, chua cay ăn mãi mà không chán. Thi thoảng mẹ làm món bún ếch lá giang đãi khách, ai cũng gật gù khen ngon. Món canh gà lá giang đã được đưa vào thực đơn nhiều nhà hàng, quán ăn. Dân quê nấu canh gà lá giang mỗi khi có giỗ chạp. Dùng sẵn nước luộc gà đun thật sôi rồi vò lá giang bỏ vào cùng với thịt đầu, cổ, cánh, chân và phao câu, khuấy đều đến khi thấy lá giang ngả màu vàng thì tắt lửa. Lúc này bộ lòng mề gà đã xào xong, đổ cả vào nồi nghe một tiếng xèo, toả ra mùi thơm béo ngậy là ăn được. Sau này ra phố ăn lẩu gà lá giang lại nhớ “đặc sản” của mẹ tôi.
Nhưng ngon nhất phải kể đến món lươn hấp lá giang! Con lươn “nghệ” vàng lựng đã khứa xeo xéo từng khoanh tròn ướp muối, chấy mỡ heo, sau đó đặt lươn vừa ướp lên rắc thêm lá giang xắt nhỏ rồi hấp chín. Ăn lươn hấp với nước mắm sả mới đúng cách.
Không có ếch, có lươn thì dùng tạm món bò xào lá giang cũng bắt. Vài lạng thịt bò tươi thái mỏng ướp gia vị và lá giang xắt thành sợi nhuyễn độ vài nắm tay rồi xào sơ qua. Múc ra dĩa, rắc thêm đậu phộng rang tán nhỏ lên mặt, ăn ngay khi còn nóng hổi mới khoái khẩu.
Ngư dân vùng biển mỗi lần ra khơi đánh cá xa bờ dài ngày, đều phơi khô lá giang rừng, đem theo ăn dần. Các nhà hàng, tiệm ăn cũng thu mua lá giang với số lượng lớn rồi ướp lạnh. Ngày xưa, lá giang rẻ như bèo, rẻ hơn cả rau muống, vậy mà… bây giờ bán đắt như tôm tươi.
(Theo Vũ Hào/SGTT)