Để phục vụ cho nhu cầu ăn chay ngày càng tăng, một số hàng quán chuyên bán đồ chay năm nay đã có những món mới thích hợp cho buổi sáng. Ngoài những món quen thuộc như hủ tiếu, mì, phở, bún bò nay có thêm bánh mì chay, xôi gà chay và cả dimsum.
Dimsum chay cũng đa dạng chẳng thua gì dimsum mặn. Tuy cũng là dáng dấp quen thuộc của há cảo, bánh xếp, xíu mại, bánh bao… phần nhân của các món dimsum thay vì là tôm, thịt thì bây giờ là rau, nấm, đậu hủ,… Chế biến dimsum chay khó hơn chế biến dimsum mặn. Bởi rau, củ, tàu hủ là những thứ dễ bị nhũn, nát khi hấp quá lửa, tiết ra nhiều nước khi quá chín… Do vậy khi hấp phải canh làm sao để khi ăn bột bánh phải mềm nhưng dai, nhân bánh không quá rục.
Nếu dimsum mặn được người ăn quen với mùi tôm, thịt thì dimsum chay hoàn toàn khác hẳn. Nếm thử cái há cảo chay, ban đầu hương vị của lớp bột há cảo vẫn không có gì thay đổi. Nhưng đến phần nhân thì vị giác của người ăn bắt gặp mùi cà rốt, củ năng lẫn trong vị béo của đậu hủ, mì căn, chút dai giòn của nấm hương, mộc nhỉ. Trong mùi vị quen thuộc có cái lạ lẫm của rau củ nhẹ nhàng, thanh đạm, nên lâu ngán.
Những món dimsum chay ngọt, như bánh bao ca dé làm bằng bí đỏ, nhân bánh cũng thơm béo, đậm đà không hề thua kém bánh bao ca dé trứng gà mà không có hậu ngậy béo của ca dé làm bằng trứng.
Đôi lúc đổi khẩu vị, thử dimsum chay, xem ra ngon miệng, nhẹ bụng hơn dimsum mặn đã quen thuộc vị thịt tôm nhiều chất đạm, đó là nhận xét của một số khách thường xuyên đi ăn dimsum. Dimsum của nhà hàng Cát Tường giá trung bình: 25.000đ/phần/xửng. Dimsum ở tiệm Phật Hữu Duyên giá trung bình 7.000đ/dĩa, bánh bao ca dé: 4.000đ/cái.
(Theo bài và ảnh Quang Tâm/SGTT)