Bà Nguyễn Thị Tâm (56 tuổi), “chuyên nghề” bắt mối đất ở thôn Hoà Hải, xã Hoà Phú (Hoà Vang – TP Đà Nẵng) cho biết: “Mùa bắt mối diễn ra từ tháng ba đến tháng mười (âm lịch) hằng năm. Khi mối xuất hiện, bà con ở đây tranh thủ bắt mối cánh để rang ăn chơi, rang xong dầm nước mắm hoặc giã với muối ăn với cơm, xôi hay xào với măng, giá… đều thơm ngon. Ở nhà tôi, có đêm mối ra nhiều, bắt được trên ba ký mối. Ăn liền hoặc dự trữ trong tủ lạnh đều được”.
Bà Tâm chia sẻ cách bắt mối: “Khi mối bay ra, nếu không có đèn điện, chúng tôi thắp một cây đèn dầu, hoặc đèn cầy, cắm giữa cái thau lớn đặt ở nơi thuận tiện ngoài sân, trong thau đổ nước ngập 1/4 cây đèn. Mối thấy ánh sáng cùng nhau bay đến, sà xuống gặp nước, ướt cánh không bay lên được, nên nằm lại trong thau. Thỉnh thoảng, mình lấy tay khuấy nước trong thau để mối ướt cánh không bay lên được”.
Công đoạn bắt mối chỉ diễn ra khoảng nửa giờ là kết thúc. Sau khi kết thúc cuộc bắt mối, người ta dùng nước sạch rửa mối nhẹ nhàng nhiều lần cho sạch và vớt ra một cái rá nhựa để cho ráo nước… Mối đang bắt còn nguyên cánh mỏng, thân dài khoảng 1cm, bụng lớn bằng sợi bún tươi, có viền đen quanh thân màu vàng nâu, ngực và đầu nhỏ hơn. Muốn ăn, đặt chảo lên bếp, chờ nóng đều, bỏ vài bát mối vào và dùng đũa khuấy đều, mối bốc hơi và khô dần… cho đến khi từ chảo bay ra một mùi thơm ngào ngạt, mang hương thơm mùi châu chấu nướng và những tiếng nổ lẹt đẹt nho nhỏ, báo hiệu mối đã chín rồi. Lúc này, đổ ra mẹt, lấy tay đảo nhẹ và sảy, hay bật máy quạt cho cánh mối bay đi, chỉ còn lại thân mối vàng ươm.
(Theo SGTT)