Một buổi tiệc dã chiến tại Mũi Nai (Hà Tiên). |
Với định hướng du lịch là một chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế của Kiên Giang, hai huyện đảo Kiên Hải và Phú Quốc đã và đang tập trung khai thác thế mạnh về tiềm năng du lịch của mình. Riêng huyện Kiên Hải có tới 23 đảo lớn nhỏ tạo nên một cảnh quan hùng vĩ với nhiều bãi biển, nhiều danh thắng đẹp đến mê hồn. Tuy còn mang dáng vẻ hoang sơ, nhưng nhờ bàn tay và trí óc con người mà vùng biển đảo kỳ thú đầy huyền thoại này đã trở thành những hải đảo vừa sung túc vừa quyến rũ.
Đến với vùng biển đảo Kiên Giang, du khách không những để tham quan, nghỉ dưỡng, cắm trại, chèo thuyền, câu cá, tắm biển mà còn có dịp hiểu thêm về phong cách phóng khoáng và nét văn hóa đặc trưng của người dân xứ biển hiền hòa, giản dị và đầy thân thiện, đặc biệt là được tận hưởng những món ngon vật lạ từ biển khơi, tuy không cầu kỳ hoa mỹ, nhưng chính những thứ đó đã để lại cho du khách nhiều ấn tượng khó phai.
Tại Hòn Nghệ, Hòn Tre, Hòn Lại Sơn, quần đảo Nam Du... tuy không có sơn hào hải vị và những món “nổi đám nổi đình” như ở các nhà hàng có “sao”, nhưng vùng biển đảo Kiên Giang từ bao đời nay vẫn là tài sản vô giá mang lại nguồn sống cho cư dân với biết bao món ngon vật lạ. Chính biển đã giúp cho cuộc sống con người trở nên phong phú và thi vị, đặc biệt là văn hóa ẩm thực. Chính nhờ sự trải nghiệm lâu đời của người dân xứ biển mà nhiều món ăn đã làm nên danh phận, ai đã từng thưởng thức rồi thì không thể không quay lại. Mỗi món ăn, mỗi quán ăn ở xứ biển đều có bí quyết chế biến khác nhau, nhưng nét văn hóa ẩm thực chủ đạo vẫn là hương biển và tâm hồn phóng khoáng.
Mỗi món ăn còn tồn tại đến hôm nay hình như đã hun đúc trong đó nhiều tinh hoa, bởi vì nghệ thuật nấu nướng là một quá trình mò mẫm, trải nghiệm của ông cha ta từ bao đời nay, cộng thêm sự sáng tạo đầy trí tuệ của người đầu bếp. Có những món ăn lúc đầu chỉ là hương đồng cỏ nội, vậy mà khi qua tay người chế biến nó đã nghiễm nhiên trở thành đặc sản mang đậm phong cách của vùng miền, điển hình như món nhộng ve chiên giòn độc đáo ở Hòn Tre. Hàng năm, theo chu kỳ sinh học, những con nhộng ve từ dưới đất lại ồ ạt chui lên lột xác để biến thành con ve sầu râm ran suốt mùa hè. Nhiều người sành điệu ăn uống đã không bỏ lỡ cơ hội “ngàn vàng” đó, bởi vì nhộng ve chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong năm, nên họ rủ nhau đốt đuốc vô rừng soi bắt mang về chế biến thành những món ăn hấp dẫn mà ai có thưởng thức mới cảm nhận hết cái ngon của nó. Chúng ta chỉ cần đưa con ve vàng rộm vào miệng cắn nhẹ một cái cũng nghe nó vỡ ra, hương vị toát lên vừa ngọt, vừa thơm, vừa giòn làm cho khẩu vị lâng lâng sảng khoái. Nó ngon và bổ hơn cả món dế và bò cạp chiên vì trong bụng nhộng ve có sẵn một bầu sữa căng tròn.
Còn như muốn thưởng thức những món ăn điền dã, chúng ta có thể tìm đến Mũi Nai (Hà Tiên), Bãi Dương (Kiên Lương) hoăc Bãi Chén (Hòn Nghệ) để thưởng thức các món cá biển, tôm tích hoặc cua, nghêu, sò, ốc... được chế biến từ nướng, hấp, chiên, xào cho tới lẩu; thực đơn nào cũng có “đẳng cấp” nhưng đa số dân “bụi” đều thích món hàu nướng tại chỗ. Một anh bạn nói: “Ở phố thị mình đã từng vào nhà hàng máy lạnh, bây giờ ra đảo mình phải tìm cho được một cảm giác mới lạ, một không gian khoáng đãng với những món ăn dân dã, đậm đà và thuần Việt, như thế mới thú vị”.
Tại Bãi Chén (Hòn Nghệ), nơi có mỏ hàu lớn nhất đảo, đến đó chúng ta có thể tự đi cạy hàu hoặc mua đem lên bờ chọn một bãi đá lý tưởng cặp bìa rừng rồi đốt lửa nướng ăn với muối tiêu chanh kèm thêm ít rau rừng, một món ăn giản dị mà thấm đậm làm sao! Dân nhậu có thể lai rai với vài ly rượu đế cho nóng máy rồi hãy nướng tiếp, nướng tới đâu tận hưởng tới đó. Còn gì thú vị bằng!
Còn nếu như không thích hàu thì ăn ốc, tôm, cua, mực, trứng cá ngát... Ai thích ăn “bụi”, cứ mua vài ba ký ghẹ, mực hoặc hàu cạy sẵn kèm thêm mớ rau xanh, vài trái dưa leo, xoài sống, nước chấm rồi ra bãi biển lót vài ba tờ báo, mỗi người ngồi bệt xuống tảng đá, quây quần bên nhau, nướng đến đâu ăn đến đó. Nếu muốn cầu kỳ hơn, chúng ta nên ướp chao vào những con ốc biển trước khi nướng, nước từ từ tươm ra thơm phức, khượi một con ốc nóng hổi cho vào miệng, hình như các thứ hương vị từ biển cả đều đọng lại trong đó. Chúng ta vừa thưởng thức vừa thả hồn theo những áng mây chiều bãng lãng, thật không có gì tuyệt bằng.
Ngoài những món ngon nhớ đời trên đây, vùng biển đảo Kiên Giang còn biết bao đặc sản như gỏi cá trích trộn cơm dừa, cá nhám nhúng giấm, mực tươi nướng muối ớt, tôm tích cuốn bánh tráng... món nào cũng có thể đứng đầu bảng trong nhà hàng. Cái chất dân gian từ trong các món ăn thức uống ở mỗi miền đều có nét tương đồng nhưng mỗi nơi còn lưu lại những nét riêng độc đáo, nhất là đối với các miền biển đảo: Mỗi món ăn hình như có hồn dân tộc và lâu ngày nó đã hóa thân thành những giá trị tinh thần. Nhiều chuyên gia đã khẳng định: Đối với các món ăn từ hải sản, nghệ thuật chế biến mới là quan trọng, là linh hồn của ẩm thực dân gian. Đúng vậy, để thưởng thức tận cùng cái tuyệt diệu của món hàu hay sò nướng chỉ có thể chấm với muối tiêu chanh; nghêu thì hấp gừng, kho sả, luộc sả; cháo hàu hay cháo mực nhất thiết phải ăn với nước mắm nhĩ chánh hiệu thì hết chỗ chê; canh chua cá ngát xứ hòn phải nấu với xoài sống, thêm mớ rau rừng và vài trái ớt cay xè thì mới ngon “tới bến”. Chính cái hương vị mặn ngọt, chua cay, thơm ngon, dai giòn của thức ăn cùng với mùi vị đặc trưng của rau - củ - trái sẽ hòa quyện lại thành một bản “hòa âm” tuyệt tác. Đó mới chính là nghệ thuật, một loại hình văn hóa ẩm thực khiến cho nhiều du khách sau chuyến đi xa trở về vẫn còn vương mãi cái dư vị ngọt ngào của mỗi món ăn.
(Theo Thành Hiệp/Hậu Giang)