Giấm bia
Một đặc sản từ miền nam nước Đức có vị bia. Loại giấm màu vàng nhạt hoặc màu nâu sậm này “rất bắt” với nước thịt từ heo rô ti. Nó còn dùng để nêm các món đậu lăng, và tạo cho củ cải hoặc món dưa cải sauerkraut của Đức một hương vị khó tả.
Giấm gạo
Giấm gạo là đặc sản của châu Á nơi dùng cơm thay vì bánh mì. Giấm gạo của Nhật trong và có vị rất dịu. Giấm gạo không thể thiếu trong món cơm sushi. Giấm gạo Thái cũng trong và dịu. Người Thái dùng giấm trộn với rau, thịt gia cầm, và cá. Giấm gạo của Trung Quốc và của người Hoa tại Việt Nam màu nâu sẫm và có vị mạnh như xốt đậu nành và mạch nha. Giấm thường dùng ướp vịt và dùng trong các loại nước thịt có màu sẫm cũng như dùng làm nước ngâm món ăn. Giấm gạo Việt Nam không có nhãn hiệu nào tiếng tăm, thường dùng ướp rau, làm dưa, tái, bóp thấu một số món thịt.
Giấm dừa
Giấm ở Philippines có màu trắng đục, có vị ngọt ngọt chua chua. Hương vị tinh tế của dừa hài hoà với các món rau có vị nồng và với hải sản.
Giấm mạch nha
Loại giấm cổ điển này nguồn gốc bên Anh quốc là thứ không thể thiếu trong món “fish & chips” (cá và khoai chiên ngập dầu) đặc sản của Anh. Ngoài ra loại giấm màu nâu có vị chua ngọt và hương không lẫn vào đâu được của mạch nha này hạp với tương ớt, và các loại nước thịt màu sẫm từ các món rô ti chảy ra.
Giấm đường mía
Giấm có màu từ nâu nhạt sang đỏ nhạt, vị chua đậm và thơm mùi đường mía. Nó đi với các loại trái cây ngọt xứ nhiệt đới, chẳng hạn như đu đủ.
( Theo Ngữ Yên // Báo Sài Gòn Tiếp thị )