Bún giấm nuốt. |
Vào mùa hạ, thời tiết ở Huế luôn oi bức. Có lẽ vì thế nên thiên nhiên ban cho Huế một món ăn mát lòng, mát dạ: Đó là con nuốt được sinh sản ở các vùng đầm phá nước lợ.
Con nuốt mềm mại, màu trắng phơn phớt xanh bắt mắt. Nuốt có hai loại, nuốt tai và nuốt chân. Nuốt tai giòn mềm, nuốt chân vừa giòn, nhai sựt sựt rất hấp dẫn.
Vào mùa nuốt, từ những vùng nước lợ như Lăng Cô, Phú Vang, chị em chuyên chở nuốt lên thành phố bán.
Nuốt được làm thành nhiều món ăn từ đơn giản đến cầu kỳ. Món ăn dân dã là nuốt kẹp rau sống, dưa gang, vả, chấm với ruốc pha chanh, tỏi, ớt... ăn vào vừa cay vừa mặn nhưng lại rất ngon và mát miệng.
Ngon nhất là món giấm nuốt. Để có món giấm nuốt mà chỉ một lần ăn là nhớ đời, đòi hỏi phải nấu nướng công phu, bày biện tỉ mỉ. Trước hết, mua nuốt tai hay chân còn tươi về ngâm với lá ổi để cho nuốt được giòn. Ngâm thời gian ngắn vớt nuốt ra để thật ráo nước. Tôm tươi lột vỏ cùng với thịt ba chỉ xắt hạt lựu ướp tiêu, hành, mắm, muối... Tôm um kho đánh nhỏ lửa để có nồi tôm vàng ươm.
Nồi nước súp gồm có ruốc, khóm, cà chua tốt nhất là cà chua bi. Để món ăn đậm đà người ta cho thêm gạch cua vào.
Gọi là ăn giấm nuốt, nhưng ở đây không dùng giấm mà là vị chua của cà chua bi. Món giấm nuốt chủ lực là nước tôm kho đánh, nước súp riêng. Rau sống, rau thơm, ngò làm tăng thêm hương vị, đặc biệt là không thể thiếu món dưa quả xắt mỏng, ngoài ra có thêm phụ gia bánh tráng, đậu phộng rang đãi sạch vỏ.
Ăn giấm nuốt cũng kiểu cách, trước hết gắp bún vào tô, cho con nuốt, tôm kho đánh, đậu phộng rang, bánh tráng bóp vụn, dưa quả, rau thơm, chan nước lèo, tí tương ớt... trộn đều, lùa vào miệng nhai ta bắt gặp đầy đủ hương vị vừa mằn mặn, cay nồng, chua chua lại giòn mát đến tận chân răng của nuốt. Món ăn này thường dùng vào buổi trưa hay buổi chiều.
( Theo báo Cần Thơ online)