Ðêm mùa hè, khi cả thành phố chìm trong giấc ngủ sau một ngày vật lộn với cái nóng oi nồng như thiêu như đốt, cũng như đêm đông gió bấc rít ào ào qua khe cửa cùng những giọt mưa xiên chéo làm con người ta phải vùi mình kín mít trong lớp chăn dày, hoặc co ro đi trong phố vắng, cũng vẫn nghe thấy tiếng rao quà vang vọng khắp hang cùng ngõ hẻm.
Khi nói tới Hà Nội là mọi người nghĩ ngay đến khu vực Hà Nội cổ xưa, "Hà Nội 36 phố phường", với mái ngói lô nhô một, hai tầng, ba tầng đầy rêu phong, khu vực này hồi đó đâu mới chừng vài ba chục vạn người, tức là chỉ bằng dân số của mấy phố, mấy phường gần Hồ Hoàn Kiếm hiện nay, đất kinh kỳ đã nhan nhản hàng quà.
Có thứ quà sang trọng chỉ dành cho những ai có mức sống trung lưu, lại có những thứ quà rất bình dân chỉ cốt cho ấm bụng, cho có sức mà tiếp tục kiếm sống một cách nhọc nhằn suốt cả ngày.
... Mới chừng bốn giờ sáng, tiếng leng keng của xe điện bắt đầu lăn bánh từ Sở Xe điện ở Thụy Khuê về các hướng chợ Ðồng Xuân, chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Bưởi, Bạch Mai, Cầu Giấy, Yên Phụ, Hà Ðông. Tiếng rao lảnh lót cất lên bắt đầu một ngày mới "Bánh tây, bánh tây nóng giòn". Ðó là thứ quà rẻ tiền, đầu những năm 50 của thế kỷ trước, hào một chiếc, vỏ bánh vàng ươm, bóp nhẹ đã nghe thấy tiếng giòn tan, đựng trong những chiếc thúng có những lớp bao tải gai sạch sẽ ủ kín. Ðó là thứ quà sớm đầu tiên trong ngày cho các bà, các cô gánh rau từ ngoại thành vào nội đô, giành cho những người thợ đi làm sớm. Chừng hơn năm giờ, sáu giờ thì hàng phố đã sáng trưng, đủ thứ quà ngồi ở góc phố quen hoặc đi rao trên phố. Mang cái bát ăn cơm ra hàng xôi quen mua hào xôi lúa (xôi ngô) hay xôi xéo. Rồi xôi lạc, xôi đậu xanh, đậu đen. Xôi vừng thì thoang thoảng mùi nước cốt dừa và vương dăm bảy sợi dừa. Mua mang về nhà ăn trước khi đi học, đi làm, chứ không ngồi xổm ăn ngay nơi bán sợ bị mắng là "dân vô gia cư", là "con ma đói".
Ra hàng bánh mì đầu phố mua ổ bánh hai hào đầy ắp pa-tê, xúc xích hay cá hộp sardine ướp dầu. No chán, rẻ chán, yên tâm đi học, đi làm tới tận trưa mới về nhà ăn cơm.
Các bà nội trợ, những ai sáng đó không phải đi làm, đi học đã có bún riêu, bún bung, bún ốc bốc khói nghi ngút. Rau sống ăn kèm với mỗi thứ quà lại có cái riêng của nó, nhưng nhìn chung là rau diếp thái nhỏ, thân chuối, rau thơm, húng Láng. Phải là thứ rau diếp bánh tẻ, lá dài mới ngon. Bà hàng bún ốc có thứ công cụ lao động đặc trưng : một đầu như chiếc búa nhỏ, một đầu mài nhọn, chỉ một, hai cái gõ nhẹ, đít ốc vỡ ra, nguyên cả con ốc đã được khêu vào bát. Trông đã thấy ngon, thấy thích. Không vội vàng, xô bồ theo cách nhể ốc sẵn từ ở nhà ...
Cho tới đầu những năm 50 của thế kỷ trước, mấy hiệu cơm tám giò chả ngon đều nằm ở phố Hàng Buồm, phố Huế thì phải.
Tôi cũng chỉ nghe cụ thân sinh nói cho biết chứ bản thân chẳng dám vào các cửa hàng này, một thứ quà vừa thanh cao, giản dị nhưng vẫn không kém phần lịch lãm. Vào đây thế nào chả làm cút rượu nhỏ để nhâm nhi với giò lụa, với chả quế, với củ kiệu trước khi dùng cơm, mà trước đây, chỉ tầm tuổi trung niên trở lên mới đụng đến rượu chứ đâu có chuyện chỗ nào cũng bán rượu, ai cũng uống rượu "trăm phần trăm", "cạn ly".
Bánh cốm thì dứt khoát phải là bánh cốm Hàng Than, đặc biệt là của hiệu Nguyên Ninh. Bánh cốm, bánh su sê của phố này là hai thứ không thể thiếu trong các đám cưới hỏi hoặc mua về quê làm quà cho các cụ, các ông, các bà bề trên. Nói tới cốm tức là nhắc tới mùa thu bởi thứ lúa còn non của mùa này mới làm cốm được. Vả lại, cốm thường đi đôi với chuối chín trứng cuốc, hồng đỏ vào dịp Trung thu. Ăn cốm, mà là cốm làng Vòng, chả ai bỏ vào bát rồi dùng thìa xúc cả, mà phải nhón từng nhúm nhỏ, bỏ vào miệng, vừa thong thả nhai, vừa cảm thấy vị ngọt của lúa, thấy cả hương thơm của cánh đồng lúa chín vàng và hương thơm của lá sen bọc cốm.
Phố sá Hà Nội tấp nập người bán đủ thứ quà, nhưng gánh hàng cốm thì không lẫn vào đâu được là bởi chiếc đòn gánh hai đầu cong vút lên như những đầu đao mái đình làng.
Từ cốm, người Hà Nội còn làm ra chè cốm, cốm xào và chả cốm. Buổi trưa, buổi chiều, đường phố Hà Nội còn có thứ quà, hình như của người Tàu, nay đã mất hẳn, là thứ cháo hoa được người bán vừa đẩy nồi cháo nóng vừa rao "bạc chúc".
Cũng nấu bằng gạo ngon như cháo hoa nhưng có thêm vị thơm mát của ý dĩ và bùi nhùi của thảo quả. Một bát "bạc chúc" và chiếc "dâu chặc quây" béo ngậy, giòn tan chả tốn tiền mà sao vẫn ngon lạ (sau này dân ta Việt hóa gọi là dầu cháo quẩy cho dễ đọc).
Những buổi chiều mưa thu rả rích, hoặc những đêm đông rét mướt bỗng thấy tiếng rao "mạo cán chê, sủi" ấy là chiếc xe bán những tấm mía ngọt đã róc vỏ được hâm nóng bằng thứ nước có bỏ vào một vài vị thảo dược. Những vị gì, chả ai biết, bởi người Hoa giữ bí mật nghề nghiệp lắm.
Ðấy là những thứ quà ngon không phải ai cũng làm được, còn Hà Nội khối thứ bình dân nhưng cũng ngon lắm như củ từ luộc ăn với kẹo bột, ngô nướng, khoai nướng.
Ðêm đông, đang nằm trong chăn ấm đọc sách bỗng thấy tiếng rao "ai ngô rang, lạc rang, hạt dẻ đê" là vội tung chăn chạy vội ra cửa gọi chị bán hàng mua một bát ngô rang, một bát hạt dẻ hoặc một, hai chén nhỏ lạc rang. Ngô, lạc hay hạt dẻ đều còn nóng cả. Ăn vừa thơm, vừa bùi lại hợp với túi tiền của mọi lứa tuổi, mọi lớp người, từ ông đốc, ông tham, tới anh phu xe hoặc thằng nhỏ, chị sen giúp việc trong nhà.
Rồi sấu dầm, sấu chín, đủ loại ô mai (ô mai mơ, ô mai trám, ô mai ngũ vị đủ cả chua, cay, mặn, ngọt). Càng ngày Hà Nội càng nhiều thứ quà, nhiều thứ ngon nhưng cũng có lắm thứ quà tôi đồ chừng là "du nhập" từ nơi khác đến nhưng do không biết được đầy đủ "bí mật nghề nghiệp" , hoặc đã cải lương pha tạp thêm vào, nên ăn thì vẫn ăn nhưng chả để lại dư vị gì mỗi khi đi xa hoặc khi thứ quà đó không thấy bán nữa.
Hà Nội lắm quà ngon đến lạ.