Canh cua đồng là một món ăn độc đáo của nông dân miền trung. Chỉ cần bắt chục con cua đồng, một ít bẹ môn với vài trái khế, chuối chát là đã có một nồi canh ngon ngọt. Tuy nhiên, đặc sắc nhất vẫn là món "mắm cua". Cua đồng bắt về thả trong chậu, ngâm nước sạch cho nhả đất và chất bẩn, rồi bỏ nguyên con vào cối giã nhuyễn vắt lấy nước. Bã cua thì làm thức ăn cho heo hoặc gà, vịt. Nước cua sau khi lọc có mầu vàng đục, ướp muối cho vừa ăn, đổ vào chai thủy tinh, nút lá chuối lại rồi đem phơi nắng. Khoảng ba bữa là chín tới, mắm cua sẽ ngả sang mầu tím nhạt. Nếu phải khi trời mưa, người ta đặt chai mắm cua cạnh bếp lửa. Sau một tuần đem ra dùng là được. Nhưng muốn mắm thơm ngon thì phải đem phơi nắng. Có nơi người ta giã nhuyễn cua rồi vắt lấy nước, cho vào nồi ít lá gừng. Nước cua có mầu vàng, khi ăn có vị béo ngậy, ngọt thơm hòa quyện với mùi lá gừng tạo thành một hương vị tuyệt vời hiếm thấy. Cơm nóng ăn với món nước cua kèm rau sống khi bụng đang đói cồn, chắc chắn sẽ là một món ăn nhớ mãi. Người miền trung thường kho nước cua với củ đậu xắt mỏng, thêm ít lá gừng ăn càng nóng càng ngon.
Mắm cua là món đặc sản đồng quê của người dân miền trung. Nét đặc sắc của hương vị mắm cua là mùi thơm đặc trưng không giống với bất kỳ loại mắm nào. Lúc dùng chỉ cần thêm ít tỏi ớt, có thể ăn với bún tươi hoặc cơm nóng, người miền trung thường ăn kèm mắm cua với rau chua hoặc cải con, xà lách xoong. Mỗi loại rau có một hương vị riêng, cùng với hương vị đặc biệt của mắm cua là vị nồng the của lá cải, xà lách và vị thơm lạ của các loài rau hái trong vườn nhà. Người thành phố vui mừng khi bà con dưới quê lâu ngày lên thăm và mang theo chai mắm cua làm quà.
Con cua đồng đã trở thành tặng vật quý giá của thiên nhiên, là món ăn dân dã của người dân duyên hải miền trung.