Khi mùa xuân về, cánh đồng tỏi Lý Sơn (từng được mệnh danh là vương quốc tỏi) từ mầu xanh mượt mà duyên dáng dần dần ngả sang vàng mơ báo hiệu mùa thu hoạch. Lác đác lẫn trong cái vàng ươm ấy là những cây tỏi to khỏe và thấp hơn, có mầu xanh đậm tràn đầy sức sống nhưng không tạo củ (gọi là tỏi đực).
Chọn nhổ những cây tỏi ấy về cắt bỏ hết rễ và bỏ bớt phần lá. Thân cây cắt làm hai hoặc ba phần rồi chẻ nhỏ. Ðem rửa thật sạch. Bỏ vào nồi hấp hơi, hấp vừa chín tới. Phi thơm hành và ít dầu hào trộn vào. Lấy đậu phộng rang giã nhỏ thêm chút đường, bột ngọt, nước mắm... tất cả cho vào âu trộn đều. Nhưng muốn gỏi tỏi trở thành món độc chiêu của ẩm thực Lý Sơn, phải có thêm chén nước sốt và xúc với bánh tráng.
Nước sốt làm từ nước cốt dừa nấu sôi với chuối và cà chua. Hòa bột đao cho nước sánh nhuyễn, thêm chút đậu phộng rang giã nhỏ và gia vị cho vừa ăn.
Gỏi tỏi được chấm với nước sốt, xúc cùng miếng bánh tráng dày chưa đưa lên miệng đã nghe hương vị thơm nồng của tỏi (đặc biệt tỏi Lý Sơn có vị thơm và cay hơn tất cả tỏi nơi đâu). Ðưa vào miệng nhai nghe giòn giòn của bánh tráng, sần sật của gỏi tỏi, quyện theo hương vị ngòn ngọt, béo béo của nước sốt, bùi thơm của đậu phộng.
Gặp tiết trời se lạnh của tháng giêng thì món gỏi tỏi càng thêm giá trị. Nếu bị cảm cúm hay đau đầu nhẹ ăn vài lần gỏi tỏi là có thể hết ngay.
Món gỏi tỏi chấm nước sốt và xúc với bánh tráng chỉ ăn một lần sẽ nhớ mãi không quên. Người dân Lý Sơn coi đây là hương vị quê nhà. Nếu mùa xuân đi xa không được về quê để thưởng thức món gỏi tỏi thì càng nhớ da diết biết bao!