Chiều nay trời se lạnh, chợt thấy nhớ hương vị ngọt ngào, thơm ngát của chén chè trôi nước mẹ nấu nơi quê nhà. Chè trôi nước, món quà quê ngọt ngào, rất thân quen và gần gũi với tôi từ những ngày thơ bé. Nhớ những ngày đông lạnh lẽo, những chiều xuân se lạnh hay lúc nông nhàn rảnh rỗi, mẹ tôi lại nấu chè trôi nước đãi cả nhà.
Để nấu món chè trôi nước ngọt ngào, thoảng hương thơm ngan ngát của gừng già, béo ngậy của nước cốt dừa, không đòi hỏi nhiều công đoạn vất vả, nhọc nhằn, nhưng lại cần sự khéo léo và tinh tế của người nội trợ.
Chè trôi nước.
Nguyên liệu để nấu chè trôi nước có thể là bột sắn hay bột gạo nhưng ngon nhất vẫn là bột nếp. Mẹ luôn chọn loại nếp thơm, ngon và dẻo nhất, xay thành bột mịn để sẵn trong nhà, khi cần thì nấu chè hay chế biến những món ngon khác. Bột nếp được mẹ nhồi với nước ấm với lượng vừa đủ cho đến khi bột thấm nước đều, dẻo và mềm là được. Thỉnh thoảng, mẹ nhuộm màu xanh cho những viên chè bằng nước cốt lá dứa. Những hôm ấy, chén chè trôi nước dường như ngon hơn và quyến rũ hơn rất nhiều.
Mỗi lần mẹ nấu chè trôi nước, tôi thường loanh quanh bên mẹ, vừa học cách nấu chè, vừa giúp mẹ nhóm bếp, bắc nồi luộc đậu xanh làm nhân. Đậu xanh sau khi ngâm mềm được mẹ cẩn thận bóc sạch lớp vỏ bên ngoài rồi luộc chín. Mẹ luôn dặn tôi rằng muốn đậu không bị nhão thì khi luộc đậu phải đổ lượng nước vừa đủ, sao cho khi đậu chín mềm cũng là lúc nước luộc đậu cạn hết. Đậu được cho vào một chiếc cối nhỏ, giã nhuyễn. Để nhân chè được thơm ngon, đậm đà, mẹ không quên xào đậu xanh với dầu, thêm một tí muối, ít nước cốt dừa, tiêu bột và đường kính trắng. Khi hỗn hợp nhân này hòa quyện vào nhau, khô ráo và tỏa hương thơm quyến rũ là khâu xào đậu đã hoàn thành.
Bên bếp lửa hồng ấm áp, cả nhà tụm quanh thau bột, mỗi người một tay, góp phần tạo nên những viên chè trôi nước tròn tròn, xinh xắn. Lấy một lượng nếp vừa đủ đặt trong lòng bàn tay rồi dàn mỏng ra, bỏ nhân đậu vào giữa, gói tròn lại và vo trong lòng bàn tay sao cho thật tròn trịa. Những khối tròn tròn đủ mọi kích thước “ra đời”. Viên chè của mẹ thì tròn trịa, vừa vặn, viên chè của chị nhỏ hơn một chút, còn viên chè của tôi thì lúc nào cũng có kích thước bé nhất. Tất cả đứng cạnh nhau như một gia đình chè gồm bố mẹ, anh, chị, em thật đáng yêu.
Nhớ những ngày thơ bé nấu chè trôi nước. Khi thau bột nếp hết thì thế nào cũng dư ra một ít nhân thơm ngát. Chị hai lúc nào cũng nhường tôi miếng ngon ấy. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in cái vị bùi bùi của đậu xanh, béo của nước dừa, cay nhẹ của tiêu bột, thật quyến rũ và ngon đến nao lòng.
Mẹ luôn nấu nấu chè trôi nước với đường phèn. Khi nồi nước đường trên bếp sôi lên cũng là lúc mẹ bỏ từng viên bột vào nấu chín. Thêm một ít gừng già giã nhỏ và ít muối cho món chè ngọt thanh, ngát hương thơm và ấm nóng. Nấu chừng hai mươi phút là những viên chè chín, nổi lên trên mặt nước và đượm vị ngọt của đường. Mẹ cẩn thận múc từng chén chè ra đĩa, thêm vài hạt mè rang và rưới nước cốt dừa lên trên vào.
Trong cái lành lạnh của tiết trời xuân, cả nhà tôi quây quần bên nhau, thưởng thức những chén chè trôi nước thơm phức. Cắn một miếng bột, sau vị dẻo thơm của nếp là vị bùi bùi, mằn mặn, cay nhẹ của nhân đậu thật lạ. Húp một muỗng nước, cảm nhận vị ngọt ngào của đường, ấm nóng của gừng và thơm lừng của những hạt mè bé nhỏ lan trên đầu lưỡi, ấm nóng, ngọt, ngon đến lịm cả người.
(Theo Thời báo kinh tế SG)