Bồn bồn non mới nhổ. Ảnh: Thiên Phúc |
Cá lóc là loài cá đồng, thịt ngon, hiền và giàu dinh dưỡng nên thường được chế biến thành nhiều món ăn như cá lóc nướng trui, cá lóc kho, nấu canh chua, nấu cháo, nhúng giấm. Gần đây, một số đầu bếp của các nhà hàng, quán ăn ở miệt U Minh, Cà Mau và Kiên Giang lại làm thêm món “cá lóc hấp bồn bồn” như món đặc sản, chưa phổ biến ở nơi khác.
Bồn bồn là một loài cây hoang dã, trước kia mọc rất nhiều ở Cà Mau, Bạc Liêu, nhưng hiện nay nhiều nơi phải trồng để lấy ngó và thân non dùng nấu canh, xào hoặc làm dưa chua. Bồn bồn là loại rau sạch, ngon và bổ dưỡng nhờ mọc tự nhiên, chưa bị tác hại bởi phân thuốc và hóa chất nên thị trường tiêu thụ mạnh.
Muốn làm món nầy, các đầu bếp thường chọn những con cá lóc to (khoảng nửa ký), làm sạch, cắt khúc rồi ướp với nước mắm ngon, tỏi, hành, bột nêm khoảng 30 phút cho thấm đều (cũng có thể ướp với tương hột).
Dùng khoảng nửa ký bồn bồn tươi, non tơ, cắt dài độ 10cm đem sắp dưới đáy nồi hoặc tô, sau đó xếp cá lên trên, thêm bún tàu, nấm, ớt, tiêu, hành củ và cho nước vào xăm xắp, đậy nắp kín, giữ lửa liu riu chừng 20 phút là chín. Trong quá trình hấp chúng ta có thể dùng xửng hấp cách thủy hoặc hấp trực tiếp qua nồi.
Món nầy phải ăn lúc còn nóng, vị ngọt của cá bốc lên thơm lừng hòa lẫn với mùi đặc trưng của gia vị và bồn bồn, chỉ mới ngửi thôi cũng đã thấy ngon rồi.
Cá lóc hấp bồn bồn. Ảnh: Thiên Phúc |
Cá lóc hấp bồn bồn thường dùng chung với các bữa cơm hằng ngày hoặc tiệc tùng, vừa ngon vừa bổ nhờ món bồn bồn thơm ngon, bùi và giòn giòn rất lạ miệng.
Người ta cũng dùng bánh tráng cuốn cá lóc, thêm chút bún và rau rừng, chấm với nước mấm chua cay sẽ tạo nên một hương vị đậm đà khó quên. Nếu là buổi tiệc liên hoan cũng cần có thêm thứ nước “cay cay” để giúp cho bữa ăn thêm nồng ấm và đậm đà thi vị.
Tuy là món ăn dân dã chẳng có gì cao sang nhưng nhờ kết hợp với nhiều loại gia vị, người ăn sẽ từ từ cảm nhận được cái ý nhị của đặc sản bồn bồn, vừa ngon vừa độc đáo, khác hẳn với mùi ngó sen, càng ăn càng thích thú, không chê vào đâu được. Có thể nói đây là món ăn nhớ đời, khách ra về mà lòng vẫn còn lưu luyến những món “hương đồng cỏ nội”.
(Theo Thời báo kinh tế SG)