Sương sâm. Ảnh: Hữu Tưởng |
Có lẽ phải hơn hai chục năm, hôm nào cũng vậy, cứ đến khoảng 11 giờ trưa thì tiếng rao lảnh lót: “Ai ăn sương sâm hô…n…” của bà Ba lại vang lên trong con hẻm nhà tôi. Thế rồi, bẵng đi một thời gian dài, tôi không còn nghe tiếng rao quen thuộc ấy nữa. Hỏi ra mới biết, vì cuộc sống gia đình khó khăn, bà phải bán nhà đi nơi khác.
Vào những ngày nắng nóng như thiêu, tôi lại nhớ đến hình ảnh và giọng rao món sương sâm của bà Ba trong ngõ hẹp ngày nào, và trong ký ức, tuổi thơ quay về những hình ảnh đẹp...
Một hôm, về quê ngoại nhìn thấy những dây sương sâm do ngoại trồng bò lút hàng rào. Tôi mừng rỡ như bắt gặp lại người thân bấy lâu xa vắng. Tôi hỏi xin ngoại, rồi xuống nhà sau lấy rổ ra trước sân hái những lá sương sâm đem vào nhà để nhờ ngoại vò ăn.
Sương sâm là loại dây leo hoang dại có sức sống mãnh liệt, mọc quanh năm nơi các bờ vườn ở miền Tây. Theo y học dân gian, lá sương sâm có tính mát, nhuận tràng, hạ nhiệt, giải độc; rễ làm thuốc chống sốt; thân, lá phối hợp với các vị thuốc khác trị bệnh lỵ… Và, theo ngoại tôi, mùa hè, ăn (uống) sương sâm thanh nhiệt, rất tốt cho sức khỏe… Tôi chăm chú lắng nghe ngoại nói, cùng những lời ân cần chỉ dẫn của ngoại về cách chế biến món ăn nầy.
Theo bà, ai cũng nghĩ chế biến món nầy rất đơn giản. Chỉ cần rửa sạch lá, cho vào cối xay sinh tố với một ít nước, dùng vợt lược lấy nước, bỏ xác là xong. Nhưng, thực tế không phải vậy, làm như thế là hỏng, nước sương sâm sẽ lỏng bỏng không đông. Sương sâm là thức ăn quê dân dã, cho nên mọi khâu chế biến phải sử dụng thủ công mới được.
Muốn có miếng sương sâm ngon, có chất lượng (dai, giòn, màu xanh bắt mắt) phải có những bí quyết nhỏ. Trước hết là khâu chọn lá. Lá sương sâm ngon không phải là lá mỏng, mượt mà, mà phải là lá già, dầy, có màu xanh sậm (khi vò có nhiều nhựa, dai không bở). Lá được ngắt cuống, phơi heo héo rửa sạch, cho vào rổ, để ráo. Tiếp đến, cho lá sương sâm vào thau, đổ một lượng nước nấu chín để nguội thích hợp (bí quyết) để sương sâm khi đông không quá mềm cũng không quá cứng. Dùng tay vò nát lá trong nước sao cho dịch nước trong lá hòa tan vào nước có màu xanh thẫm và có độ sánh. Cuối cùng, cho dịch nước sương sâm vào vợt lược lấy nước cho vào thau (bỏ xác) và đem nước sương sâm ra phơi nắng khoảng 30 phút, sương sâm đông cứng lại, cho vào ngăn lạnh là xong.
Cây và lá sương sâm leo hàng rào. Ảnh: Hữu Tưởng |
Sương sâm khi đông có vị nhạt, mùi vị phảng phất mùi lá cây. Vì thế, ta phải thêm đường, nước đá vào món giải khát nầy mới ngon và hấp dẫn. Tùy theo khẩu vị ẩm thực của mọi người. Có người cho sương sâm cùng đường cát (nguyên chất) vào ly và thêm vào vài cục đá. Có người cầu kỳ hơn nấu nước đường bằng đường thốt nốt (có mùi thơm đặc trưng) có pha nước cốt dừa cho có vị béo, tạo mùi thơm bằng dầu chuối nữa…, thật phong phú và đa dạng.
Còn gì thú vị cho bằng trong buổi trưa hè, được thưởng thức ly sương sâm ngọt thanh, thơm mát. Dùng muỗng múc một miếng sương sâm màu xanh thẫm cho vào miệng nhai từ từ. Vị, giòn, dai của sương sâm, hòa lẫn vị mát lạnh của đá, ngọt của đường, béo của nước cốt dừa xua tan đi cái nóng oi ả của ngày hè miền Tây.
(Theo Thời báo kinh tế SG)