Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đạo diễn Khải Hưng: Nghệ sĩ làm lãnh đạo “tim nóng mà đầu cũng nóng”

“Thường người nói rằng làm lãnh đạo phải có cái đầu lạnh và trái tim nóng nhưng đối với người nghệ sĩ làm lãnh đạo thì đầu nóng mà trái tim cũng nóng. Cho nên cũng có cái bất lợi, đó là có gì thì hay nói thẳng và không giữ mồm giữ miệng, hay gây scandal vớ vẩn vì lỡ mồm”... - đạo diễn Khải Hưng chia sẻ.

 

7h30 sáng, ông đã ngồi đợi tôi ở công ty riêng của mình. Ông bắt đầu cuộc trò chuyện với chất giọng chậm rãi, nhẹ nhàng, khác với cách trò chuyện thẳng thắn, “coi trời bằng ống kính máy quay” đặc trưng của đạo diễn Khải Hưng trước kia…

"VĂN NGHỆ CHỦ NHẬT" KẾT THÚC LÀ ĐÚNG…

- Có thể coi đạo diễn Khải Hưng là cha đẻ của "Văn nghệ chủ nhật". Mới đây, nó bị khai tử và thay thế bằng "Rubic 8". Hỏi thật, cảm giác của ông thế nào?

- Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn. Phim cũng là cuộc vui. Mà nó có tàn thì nó mới đẩy sang một cuộc vui mới.

VNCN đã có đời sống 15 năm, một chương trình giải trí tồn tại được 15 năm là quá dài rồi nên đã đến lúc nó kết thúc. Mà kết thúc là đúng. Đáng lẽ nó nên kết thúc sớm hơn, đến lúc này là hơi bị dai dẳng kéo dài rồi.

Khi người ta không tâm huyết với nó, không đầu tư với nó thì nó phải tự tiêu diệt đi, khi khán giả chán nó thì nó phải tự huỷ đi để nó mọc ra cái mới. Cái cũ bao giờ cũng nên mất đi để cái mới nẩy sinh ra.

-  Nhưng sự chia tay nào cũng tiếc nuối cả…

- Tôi không tiếc vì có sự kế thừa của nó. Cốt lõi của nó không mất vì "Rubic 8" đã trình chiếu là hệ quả của VNCN. Nó chỉ mất tên còn hồn cốt vẫn là phim truyền hình, mà phim truyền hình là ai đẻ ra? Là Khải Hưng chứ ai. Chắc chắn thế!

Tôi là người đầu tiên làm phim truyền hình, tôi viết các công đoạn làm phim truyền hình. Ngay cả TFS, ngày trước, cũng phải ra 3 ngày ở đây học hỏi kinh nghiệm để làm một bộ phim. Tiếc là hồi đó mình dẫn đường… sai!

Dẫn sai bởi vì hồi đó làm gì có phim dài tập, mình học theo điện ảnh nên mình chỉ biết làm phim một tập. Rồi dần dần phim nước ngoài tràn vào như "Đơn giản tôi là Maria", "Người giàu cũng khóc"… mình thấy phim dài tập nhiều nên mình mới làm phim dài tập. Công đoạn làm phim truyền hình lẽ ra phải bắt đầu với phim dài tập thì mình lại bắt đầu với con đường phim ngắn tập. Mình có được đi đâu đâu, mình có biết gì đâu…

- Nhưng rõ ràng những bộ phim ngắn tập của ông rất ấn tượng, bây giờ nhắc đến những phim VNCN là người ta nhắc đến những bộ phim của đạo diễn Khải Hưng...

-  Đó là phần đầu, sau đó mất ấn tượng thì cũng là do mình. Con đường của mình lúc đầu nó chỉ ấn tượng lúc đầu nhưng nó không phải là con đường dài hơi.

-  Như vậy ông nói rằng một trong những lỗi để VNCN khai tử cũng là do ông?

- Tôi khai sinh ra nó không đúng đường…

- Ông đánh giá như thế nào về "Rubic8"?

- Nó là hệ quả của VNCN và "Gặp nhau cuối tuần". Đó là một chương trình mới mang tính giải trí cao, mang tính chính luận nữa. Nó thừa hưởng rất nhiều.

- Nhưng có người phàn nàn, "Rubic 8" bị hỗn tạp quá và chưa thật sự hấp dẫn…

- Mọi người hay đòi hỏi nhưng mà thói quen của mọi người cũng dễ thay đổi. Tôi không tin nó sẽ bị kém cỏi. Vì thực ra ý tưởng này không mới, nó hình thành mấy năm nay rồi.

- Góp ý cho những người làm phim bây giờ, ông sẽ nói gì, điều mà trước đây ông chưa bao giờ nói?

- Không có gì tôi không nói. Về nghề thì tôi nói tất. Còn trong cuộc sống thì khác…. Tôi nói đánh đồng, không dám nói thẳng mặt…

Riêng VFC thì tôi nghĩ cần yêu cầu một cách quyết liệt là phải có trường quay. Chi phí cho phim phải tăng lên bởi giá bát phở từ 1000 mà bây giờ 15000 còn không mua được trong khi giá phim 15 năm nay không thay đổi.

Phải đón đầu công nghệ mới. Kĩ thuật làm phim truyền hình của mình cực kì lạc hậu, không đón đầu được. Khi tôi mang Chạy án đi tham dự liên hoan phim quốc tế, phim mình làm hay thế nhưng chiếu mờ mịt quá… Thấy xót xa chứ!

Đạo diễn Khải Hưng và con trai - đạo diễn Khải Anh.

- Thế riêng với con trai ông, đạo diễn Khải Anh, ông có định hướng gì cho con?

- Tôi chẳng bao giờ định hướng cả vì đời cua cua máy đời cáy cáy đào. Nó làm thế nào, đó là việc của nó, mình chưa định hướng được cho đời mình thì làm sao mình định hướng được đời của nó.

Tôi nghĩ những người bố người mẹ định hướng cho con cái là sai lầm hết. Mọi công dân từ 18 tuổi trở lên phải tự định hướng cho mình. Cô cứ quan sát mà xem, ông nào mà chăm con nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa, đến 25 tuổi mà vẫn chăm như còn nhỏ thì y như rằng đứa con ấy không đứng được trong cuộc đời này…

- Ông có nghĩ Khải Anh sẽ tiếp bước con đường của ông…  tương lai sẽ là một giám đốc VFC…

- Con tôi làm gì là quyền của nó. Tôi không lựa chọn thay.

- Nhưng nó có thể là tiền đề…

- Vừa mới bữa cơm tối qua thôi, tôi nói rằng có cái trailer, bố thuê con thì con ra giá bao nhiêu… Nó bảo 2000 USD, tôi bảo 2000 USD thì tôi làm 20 cái. Nó nói giá bố là giá cũ, giá của con là phải 2000. Đấy là sự chênh nhau. Đó là chuyện thật. Khác nhau hoàn toàn về tư duy...

- Ông đánh giá như thế nào về khả năng của con trai…

- Tôi không bao giờ đánh giá. Đánh giá thì để cho những người xem bên ngoài đánh giá là công bằng nhất, không bao giờ bố lại đánh giá con. Với tôi, không bao giờ có chuyện con hát bố khen hay, con hát mẹ khen hay. Tôi chả bao giờ xem phim của nó trừ khi phim nó được giải…

- Không bao giờ?

- Chả bao giờ…

- Ông không xem để góp ý?

- Không…

- Tại sao?

- Vì không có uy lực. Nó có cái cá tính của nó, mình có cá tính của mình. Ngay cả khi đang còn làm giám đốc VFC tôi cũng không bao giờ góp ý trực tiếp. Người góp ý là cấp trên, thủ trưởng của nó.

- Đó là trong công việc, còn trong cuộc sống gia đình thì sao, thưa ông?

- Nó có thể yêu người này, bỏ người này, lấy người kia… Đó là việc của nó. Nó quyết định. Nó lấy vợ chứ có phải mình lấy đâu tại sao mình lại phải quyết định thay nó.

- Trong tâm tưởng của thì ông muốn có một cô con dâu như thế nào?

- Tôi muốn có một đứa con dâu phù hợp với bản thân đứa con trai của tôi chứ không phải với tôi vì mình có lấy nó đâu mà mình phù hợp. Đòi hỏi nó hợp với mình với gia phong nhà mình là chuốc lấy sai lầm…

KHÔNG MUỐN VỪA ĐÁ BÓNG VỪA THỔI CÒI…

- “Tôi giống như một người máy” – ông đã từng nói như vậy khi còn đang đảm nhận cương vị Giám đốc VFC. Bây giờ, khi đã thành “thường dân”, cuộc sống của ông có khác đi?

- Vẫn như thế! Ngày nào, tôi cũng dậy vào 5h, tắm rửa, đi ăn sáng, đến nơi làm việc khoảng 7h và về nhà vào khoảng 7h tối.

Chỉ có một điểm khác là ngày xưa sau khi ăn sáng xong thì đến Đài Truyền hình còn bây giờ đến công ty của mình.

- Đã bao giờ ông đi nhầm đường – thay vì đến công ty lại đến Đài Truyền hình chưa?

- Cũng có! Thời gian vừa mới nghỉ. Sáng, tôi vẫn có thói quen đi ăn phở, quán phở dọc đường Tuệ Tĩnh, ăn bao nhiêu năm nay, từ khi bố mẹ họ bán cho đến khi bố mẹ họ nghỉ và con cái bán.

Con đường ăn phở và con đường 20 năm đi nó giống nhau nên theo thói quen cứ đi thẳng, đi thẳng. Đến Đài Truyền hình, đi qua cổng bảo vệ, mình cũng chẳng có cảm giác gì cả, chỉ nghĩ là phải rẽ chỗ này, đậu xe chỗ kia...

Bỗng bảo vệ người ta chào mình, mình thấy chào có vẻ hơi nghiêm trọng nên mới giật mình “thôi chết rồi nhầm đường”.

Mình dừng lại và… quay xe. Hình như hôm đấy anh bảo vệ anh ấy cũng biết là mình nhầm. Đấy là một kỉ niệm cũng có thể nói là nửa vui nửa buồn.

- Tại sao nửa vui nửa buồn, thưa ông?

- Nửa vui là mình vẫn đang đi làm. Nửa buồn là cánh cửa mình đã gắn bó tới 30 năm không phải là cánh cửa mở ra với mình. Ai cũng vậy thôi, tôi không nói tới một giám đốc hay một lãnh đạo hay một cái gì đại loại như thế, khi mà đã gắn bó với một nơi nào đó mà phải xa nơi đó thì mình thấy tiếc chứ, mình nhớ chứ!

Cả cuộc đời mình gắn bó ở đấy rồi. Thời gian sung sức nhất, làm việc hiệu quả nhất của mình là làm cho VTV. Khi mình rời nơi đó mình cảm thấy tiếc, thấy buồn chứ!

Nhưng tôi nghĩ ai cũng phải về và mình nên chọn cho mình hướng đi tốt hơn sau khi về để làm cho mình không cảm thấy hụt hẫng. Việc này đã được tôi chuẩn bị trước đó gần một năm. Khi mình đã chọn được người thay thế mình, mình cũng đã phải nghĩ sau khi người đó lên thì mình phải làm gì rồi.

- Ông đã mở một công ty tư nhân sản xuất phim truyền hình. Mấy chục năm làm phim rồi, đến lúc được nghỉ ngơi, ông vẫn lao vào làm phim. Ông không sợ người khác kêu mình tham, giành hết việc của lớp trẻ à?

- Tôi muốn tạo ra một sân chơi riêng của mình, làm theo ý thích của mình. Bao nhiêu năm làm nghề sản xuất phim nên tôi tin là mình có đầy đủ kinh nghiệm. Hơn nữa, con đường của các nhà sản xuất phim tư nhân dù bây giờ có khó khăn một chút nhưng nó rất có tương lai, mà nhìn thấy nó có tương lai thì sao mình lại không đi.

Và, tôi còn tính xa hơn, đó là đây sẽ là một công ty gia đình. Tại sao lại không vì con cháu và bạn bè tôi rất nhiều người làm nghề này.

"Mẹ chồng tôi" - một trong những bộ phim thành công của đạo diễn Khải Hưng.

- Có thông tin, khi ông về hưu và lập công ty riêng, ông đã rút ra khỏi Hội đồng nghiệm thu của Đài, thực hư thế nào?

- Đương nhiên khi ra làm công ty này, tôi tự nguyện viết đơn rút khỏi Hội đồng nghiệm thu của Đài Truyền hình Việt Nam bởi vì mình không nên vừa đá bóng vừa thổi còi. Tự nhiên, mình nghiệm thu mình, rồi nhấm nháy những ông nghiệm thu khác. Như vậy không phải là mình!

Tôi nghĩ mình nên sòng phẳng, hãy nộp kịch bản như mọi người. Kịch bản tốt thì họ cho mình làm, không tốt thì thôi. Nó làm cho mình thanh thản!

Đôi khi chẳng ai nghĩ ngợi về điều đấy đâu nhưng bản thân mình sợ với chính mình. Sẽ có lúc nào đó mình không đấu tranh nổi với mình, mình lại nhờ vả hoặc giả những đồng nghiệp, những người làm ở các công ty khác họ nghĩ rằng ông này làm phim như tôi mà ông lại được nằm trong Hội đồng nghiệm thu... Cái đó cũng khó cho Đài.

Chính tôi viết đơn và được lãnh đạo Đài chấp nhận. Tôi cảm thấy được giải toả tâm lý, thanh thản bước vào cuộc chiến mới.

- Nhưng ai dám chắc là ông sẽ không nhờ vả “quân” cũ của mình?

- À! Đương nhiên là tôi sẽ có nhờ chứ, nhưng mà nhờ có tổ chức chứ không kêu gọi đánh lén. Đi phải có sự xin phép, thoả thuận chứ không đi theo kiểu chui lủi. Tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho bất kể ai ở VFC có thể làm ngoài nếu hoàn thành tốt công việc ở cơ quan và có thời gian rỗi.

Tôi đã từng cấm mọi người đi đánh lén thì không thể bây giờ lại kêu gọi điều đó. Không bao giờ là như vậy.

Nhiều người ở VFC, trước đây ở dưới sự lãnh đạo của tôi, cũng luôn gọi điện bảo, nếu bao giờ anh (chú) có phim thì gọi em (gọi cháu). Hơn ai hết, tôi biết được bộ phim này hợp với ai và tôi cũng hiểu VTV đang cần gì.

TÔI ĐÃ TỪNG RẤT CÔ ĐƠN…

- Trước đây, khi còn là Giám đốc VFC, ông từng nói ông là người rất cô độc, không có bạn bè…

- Đúng vậy! Trong thời gian tôi lãnh đạo trung tâm, thời gian dành cho bạn bè là không có bởi vì công việc chiếm từ sáng đến tối rồi mà nó mệt mỏi lắm. Hơn nữa, tôi không biết uống rượu mà đi với bạn bè thì phải đi quán xá, đi karaoke, nhậu chỗ nọ chỗ kia…

Mỗi khi xong việc, tôi chỉ muốn về nhà tắm rửa, ăn một bữa cơm nóng sốt thật ngon và xem một bộ phim. Có lẽ vì tôi sống như thế nên không có nhiều bạn bè…

Và, thật ra mà nói, làm lãnh đạo cực kì cô đơn. Làm lãnh đạo không ai dám nói thật trong lòng mình, chỉ là nửa vời. Không ai dám nói thẳng trong tim, trong óc mình đang nghĩ cái gì.

Thường người nói rằng làm lãnh đạo phải có cái đầu lạnh và trái tim nóng nhưng đối với người nghệ sĩ làm lãnh đạo thì đầu nóng mà trái tim cũng nóng luôn. Cho nên cũng có cái bất lợi, đó là có gì thì hay nói thẳng và không giữ mồm giữ miệng, hay gây scandal vớ vẩn vì lỡ mồm….

Nhưng dù là nghệ sĩ hay nghề gì đi nữa thì nếu như ai có bản lĩnh và năng khiếu một chút về lãnh đạo thì gần như cô đơn...

- Tại sao lại cô đơn, thưa ông?

- Vì mình đâu có dám nói thật mình đâu. Không dám ngả lòng với mọi người. Ví dụ nhân viên A làm tồi đến 10 phần nhưng chỉ dám nói đến 3-4 phần, còn lại phải động viên em phải cố gắng, có thành tựu vân vân… tức là mình nói dối 50%. Hay ví dụ có cái phim dở lắm, dở 100% nhưng chỉ dám nói 40-50%,…

Mà khi đã nói dối tức là không nói thật mà đối với bạn bè không nói thật tức là tự mình đã có một hàng rào chắn, một khoảng cách đối với mọi người. Chính vì thế mình cô đơn, càng ngày càng cô đơn… Mọi người lãnh đạo đều cô đơn hết.

Tôi thoát ra khỏi sự lãnh đạo, thoát ra khỏi sự cô đơn… Mình trở lại với con người, bản chất của mình, mình chia sẻ mọi điều, không sợ ai đó nói ông là giám đốc mà nói thế à…

- Nhưng ông đâu có “thoát”, nghỉ làm giám đốc VFC ông lại nhảy sang làm giám đốc một công ty tư nhân. Đó chẳng là lãnh đạo sao?Và như ông nói thì chắc chắn ông lại phải tiếp tục nói dối?

- Đây đã có một sự chuyển đổi, trạng thái cô đơn nọ sang trạng thái cô đơn kia và nó khác nhau lắm rồi. Sự cô đơn đó nó dễ chịu hơn rất nhiều!

- Đằng nào cũng là cô đơn. Sao ông không giải phóng hẳn cho mình đi?

- Giải phóng hẳn? Như thế là tự tiêu diệt mình.

- Tại sao lại tự tiêu diệt mình, thưa ông?

- Giải phóng hẳn có nghĩa là mình chẳng làm gì, đi chơi. Nhưng, mà thú chơi của tôi lại là thú làm. Một cô nhân viên cứ băn khoăn không hiểu tại sao tôi cứ làm từ sáng đến tối như thế để làm gì. Tôi bảo là tôi đang chơi đấy chứ, đọc kịch bản của người ta gửi đến, tôi đang du lịch trong số phận của những người khác nhau.

- Nhưng dù sao vẫn không được sống đúng là mình, vẫn có lời nói dối?

-    …

- Thế ông định đến bao giờ không nói dối nữa?

- Đến khi chết…

THÍCH TỰ TAY TẮM CHO CON…

- Ông từng tâm sự trên báo là thích bón bột cho con gái. Bây giờ thì sao ?

- “Con chào bố yêu, con yêu bố lắm”, mỗi khi đi làm về tôi thích nhất là nghe con gái nhõng nhẽo như vậy.

Ngày xưa tôi hay bón bột còn bây giờ tôi thích tự tôi tắm cho con tôi. Nó té nước đầy vào người của tôi. Đó là cách thư giãn tuyệt nhất của tôi vào mỗi tối.

- Ông sẽ dạy con gái như thế nào?

- Tôi chẳng dạy như thế nào cả, để nó sống tự nhiên như những người anh nó. Cuộc đời sẽ dạy nó như thế nào thì nó sẽ phát triển theo như thế. Nếu nó xem được bố nó sống như thế nào và học được gì là tuỳ nó… còn tôi chẳng dạy nó thế nào cả.

Quan điểm tôi khác những người khác, tôi không kèm con từ bé. Cuộc đời, xã hội tốt hay dở thì con gái không sống cách này thì sống cách khác. Nó vươn lên được thì nó sống chứ đừng bao bọc che chở cho nó…

- Ông làm gì khi con gái nhỏ bướng, cãi lời bố?

- Cãi lời thì cứ việc cãi lời. Chả sao! Con tôi vẫn bướng. Bướng là một tính cách, sao triệt tiêu tính cách của nó đi. Bướng cũng tốt. Bướng mới có thể đối đầu với cuộc đời. Nhu nhược mới là sợ.

- Khi đó ông làm gì?

- Tôi cười…

TỰ TAY RỬA BÁT, QUÉT NHÀ… NẾU CÓ THỜI GIAN

- Hơi tò mò một chút, ông thường tặng gì cho bà xã vào những ngày lễ như 8/3, 20/10?

- Tôi chẳng tặng gì cả. Với tôi những ngày đó là phù phiếm… Ngày nào chẳng là ngày 8/3, ngày nào chẳng là 20/10, ngày nào chúng ta cũng phải tôn trọng và quan tâm đến phụ nữ cả.

- Thế bình thường, ông có mua hoa tặng vợ không?

- Tôi không có thói quen ấy bao giờ cả nhưng tôi tôn trọng vợ tôi. Cô ấy có thể theo đuổi sở thích, mục đích của cô ấy… Đó là tôi tôn trọng cô ấy, tôn trọng cả đời chứ không phải chỉ vài ngày… Tôn trọng ý thích của người khác quan trọng gấp 10 lần bó hoa.

- Nhưng biết đâu vợ ông thích ông tặng hoa thì sao?

- Vợ tôi không biết có thích hay không nhưng tôi thấy bà ấy không có nhu cầu về 8/3…

- Ông vừa nói ông tôn trọng sở thích của cô ấy nhưng đến việc cô ấy có thích hay không ông cũng không biết...

- (Cười) Nhưng nếu cô ấy nói với tôi là thích thì lại khác...

- Tôi đang nghĩ ông đang nguỵ biện cho việc không bao giờ tặng hoa cho vợ… Vậy không tặng hoa nhưng ông đã bao giờ nấu cơm, quét nhà cho vợ chưa?

- Có chứ! Có thể nấu cơm, quét nhà nếu như mình rỗi!

- Nhưng với lịch của ông từ trước tới nay thì đâu có bao giờ rỗi?

Có chứ. Không nhiều nhưng mà có… Tôi ít nấu cơm vì không biết nấu nhưng ăn dễ tính và tôi có thể lau bàn, rửa bát, quét nhà. Tôi nghĩ chuyện đó bình thường, không có gì ghê gớm.

- Từ trước đến nay, ông làm được bao nhiêu buổi? Chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay?

- Do tôi không có thời gian thôi… Sau này già có thể tôi sẽ làm nhiều hơn… (cười)

Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

(Theo NHƯ QUỲNH // VTV Đài truyền hình Việt Nam)

  • MC Bảo Lê: "Thách thức cũng là cơ hội tốt"
  • Những bức ảnh lạ của MC Huyền Châu
  • Chia sẻ yêu thương cùng các MC
  • BTV Lê Hương Giang: "Sinh ra từ làng" là lựa chọn của tôi
  • Tăng Nhật Tuệ: “Hài lòng với những gì mình có”
  • Gặp gỡ những “cầu vồng” mới của lĩnh vực Diễn viên trẻ
  • Song Seung Hun "vượt mặt" cascadeur
  • Ngọc Lan: “Không chấp nhận những đề nghị khiếm nhã”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Giảm giá cực sốc hè 2013 tại Vincom Center Bà Triệu
  • Rầm rộ khuyến mãi 2/9
  • BigC giảm giá tới 50% hơn 1.300 sản phẩm
  • Thoả sức mua sắm với “crazy sale” tại Vincom Center
  • Hà Nội: Đăng ký Internet được dùng miễn phí MyTV và điện thoại cố định
  • Rầm rộ khuyến mãi "khủng" dịp 30/4
  • Vietnam Airlines bán giá siêu khuyến mại 3 ngày cuối tháng 4
  • Bay giữa TP.HCM, Vinh, Hải Phòng chỉ từ 650.000 đồng