Quốc Thái phải mặc một chiếc áo vấy máu (bằng xi rô) hôi hám hàng tuần liền để đóng… một xác chết. Quế Phương đã phải nằm lăn lóc trên nền đất bệnh viện dơ dáy suốt một thời gian dài, đến độ.. sắp đổ bệnh để đóng… một giấc mơ. Để hoàn thành vai diễn, Tấn Beo đã chạy marathon suốt 4 tháng trời…
Quốc Thái bị... "hành xác"
Để vào vai một nhà văn phóng túng, ăn chơi theo khuôn mẫu của người thời xưa, diễn viên Trương Minh Quốc Thái không chỉ phải nghiên cứu nhiều qua sách vở mà còn trăn trở ở khâu tạo hình nhân vật, từ phục trang, tóc tai, cho đến bộ râu con kiến được cắt tỉa hàng ngày bằng kéo suốt mấy tháng trời cho vai diễn của mình.
Chỉ riêng đoạn Chí Cao bị đâm chết, Quốc Thái đã mệt nhoài vì phải quay đi quay laị cảnh lăn lộn, giằng co với một con dao… thật. Phim chỉ quay một máy nên phải mất nhiều thì giờ cho những góc máy đẹp và chuẩn xác. Thế nên, sau cảnh chết, cảnh xác Chí Cao bị nhiều người khám nghiệm phải thực hiện cả tuần mới xong.
Nỗi khổ của Quốc Thái là phải mặc lại chiếc áo vấy máu (bằng xi rô) suốt nhiều ngày: không chỉ bởi chiếc áo đã trở nên hôi hám, khó ngửi sau một thời gian dài mà còn vì anh ngại mùi xi rô quyến rũ lũ kiến. Dù ngán ngẩm với chiếc áo nhưng Quốc Thái vẫn nghiêm túc… chịu đựng.
Quế Phương nhập viện!
Không phải vì bệnh mà là để quay cảnh Thanh Túy, cô con gái cưng cực kỳ lãng mạn của ông Huyện, nằm mơ thấy bị giam trong ngục. Cảnh này quay tại Bệnh viện Nhiệt Đới, với rất nhiều diễn viên quần chúng.
Và cũng vì đông diễn viên, thiếu ánh sáng cần thiết, nên phải quay tới quay lui nhiều lần mới lấy được cảnh như ý. Ra vô bệnh viện như đi chợ, nằm lăn lóc dưới nền đất dơ đúng theo bối cảnh nhà tù xưa, cảnh dựng có máu me lênh láng, hàng ngày lại chứng kiến những bệnh nhân HIV đang nằm điều trị tại đây, suốt một thời gian dài, diễn viên Quế Phương bị ám ảnh đến độ… sắp đổ bệnh.
Tấn Beo và hành trình xuyên… Nam bộ
Vai anh đầy tớ Quận cho Tấn Beo nhiều cơ hội thể hiện tài năng của mình, ngoài tài chọc cười thiên hạ. Quận nghèo tiền nghèo bạc, song rất giàu nhân nghĩa. Vì bị nghi oan giết chủ, Quận hoảng sợ dắt người yêu là "oshin" Bảng bên nhà ông Huyện bỏ trốn. Đây là trường đoạn mà Tấn Beo thích nhất.
Quận ra đi nhưng lòng lúc nào cũng xốn xang, lo không biết thi thể của chủ mình có được mai táng đàng hoàng không, đã vậy còn dắt theo Bảng bụng mang dạ chửa, sống chui lủi, không dám ra chợ, đành phải mua bánh tét dọc đường cho vợ ăn lót dạ, còn bị vợ cằn nhằn, đay nghiến…
Bao nhiêu diễn biến tâm lý hỉ nộ ái ố bị dồn nén và thay đổi liên tục khiến cho Tấn Beo vừa diễn vừa cảm thấy rất…khoái chí! Và cũng vì vậy mà anh chấp nhận chạy…marathon ròng rã 4 tháng trời, từ Gò Công, qua Cần Thơ, Bến Tre, xuống Trà Vinh…Có khi sáng quay ở tỉnh này thì chiều đã có mặt tại nơi khác, cũng bởi cái khó khăn của phim xưa là thiếu bối cảnh, nhất là các ngôi nhà cổ, nên phải chắp nối mỗi chỗ một chút, chẳng hạn như phần nhà trước của ông Huyện ở Gò Công thì gian bếp của nhà ông lại nằm tuốt ở Bến Tre…
(Theo thegioidienanh // VTV Đài truyền hình Việt Nam)