Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Karaoke tại gia - thừa hay là đủ?

Trong vài năm trở lại đây, khá nhiều chủ nhà khi thực hiện xây nhà đều đặt nhiệm vụ cho kiến trúc sư trong giai đoạn thiết kế: làm phòng karaoke trong nhà. Karaoke không còn là thú giải trí xa xỉ, một loại dịch vụ cao cấp nữa. Người ta hoàn toàn có thể đưa nó về nhà nếu muốn. Tuy nhiên, chuyện đưa karaoke về nhà, hay còn gọi karaoke tại gia cũng có nhiều chuyện để nói.


Một phòng karaoke ở tầng hầm biệt thự, có cả khu vực bar pha chế đồ uống

Một thú giải trí thời thượng

So với nhiều loại hình giải trí khác hiện nay, karaoke là thú giải trí dễ chơi, không kén, cũng không tốn kém nhiều, không đòi hỏi nhiều về sự đầu tư trang thiết bị, phương tiện đi lại hay các yếu tố khác có liên quan (sức khoẻ, thời gian…) Nếu so sánh với một số thú giải trí thời thượng khác như làm hồ bơi, chơi tennis… trong nhà thì karaoke hẳn đứng sau về mọi phương diện liên quan đến độ công phu, tốn kém.

Karaoke cũng không kén người chơi – lớn bé già trẻ nam nữ đều chơi được cả. Karaoke cũng không đòi hỏi năng khiếu hay sự luyện tập công phu của người chơi. Vì vậy mặc dầu là sản phẩm giải trí mang tính công nghệ hiện đại, nhưng karaoke ở góc độ nào đó cũng rất bình dân, có sức lan toả, ảnh hưởng rộng trong đời sống. Người ta gặp gỡ ở hàng karaoke, tổ chức sinh nhật hàng ở karaoke, liên hoan cơ quan cũng ở hàng karaoke… Tất nhiên ở đây chỉ đề cập đến karaoke ở đúng bản chất giải trí của nó, chứ không phải các dịch vụ biến tướng.

Cũng vì nhu cầu rất tự nhiên và rất thật như vậy, nên nhiều người muốn đưa không gian giải trí ấy vào trong nhà mình, để có thể tự mình tận hưởng một không gian giải trí mà mình làm chủ, cũng như thuận tiện cho việc giải trí tại gia – không phải đi đâu, cũng không… tốn kém.

Karaoke – không chỉ là thiết bị âm thanh

Tôi vẫn nhớ những lần đầu tiên hát karaoke (thực ra là xem nhiều hơn), cách đây khoảng 20 năm. Ngày ấy dữ liệu bài hát được lưu bằng băng video, mỗi lần “tua” tìm bài cứ chóng hết cả mặt. Băng chạy lâu dễ hỏng, gây vấp, ảnh hưởng khá nhiều đến “chất lượng giải trí”. Ở thời điểm đó nội dung băng cũng nghèo nàn, và chất lượng hình ảnh, âm thanh từ hệ thống đầu video, ampli, loa… cũng nghèo nàn tương đương.

Bây giờ thì vấn đề đó đã khác nhiều, nếu không muốn nói là một trời một vực. Sự phát triển của công nghệ nghe nhìn, thiết bị âm thanh đã đem đến sự hài lòng và thoả mãn tối đa cho người hát. Tất nhiên thiết bị âm thanh cũng có nhiều loại, nhiều hạng tương ứng với giá tiền. Tuy nhiên, để có một phòng giải trí karaoke trong nhà, hay một “rạp hát tại gia” thì việc “rinh” một bộ dàn âm thanh về đặt trong phòng là chưa đủ. Phòng karaoke nói riêng và các loại phòng giải trí nghe nhìn nói chung còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác – cụ thể là không gian kiến trúc – nội thất, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và cả yếu tố thẩm mỹ nữa.

Vị trí của một phòng karaoke trong nhà phải được lựa chọn phù hợp để không ảnh hưởng tới các không gian sinh hoạt khác của gia đình, và phải có kiến trúc phù hợp, đảm bảo có thể lắp đặt các hệ thống kỹ thuật, bố trí nội thất. Thông thường, các phòng giải trí kiểu này hay được bố trí ở tầng hầm, tầng trệt hoặc tầng áp mái. Nội thất phải được đầu tư đúng và đủ, một cách kỹ lưỡng để có thể đạt được hiệu quả tối đa của việc giải trí. Không gian của phòng phải tạo được sự ấn tượng, có tính động gây cảm giác hưng phấn. Ngoài việc bố trí mặt bằng nội thất hợp lý (vị trí bàn ghế, màn hình, loa, kệ tủ…), thì việc trang trí cho trần, tường… bằng các thủ pháp (mảng, khối, màu sắc, chiếu sáng…) là hết sức cần thiết. Việc này cũng kết hợp với vấn đề xử lý âm thanh – điểm cốt yếu quan trọng của phòng karaoke.

Phòng karaoke phải được xử lý cách âm và hút âm – tiêu âm tốt. Cách âm để âm thanh trong phòng không ảnh hưởng đến các không gian sinh hoạt khác trong nhà, hay là… nhà hàng xóm. Hút âm – tiêu âm để âm thanh trong nội bộ phòng không bị phản đi dội lại trên các diện trần, tường, tạo nên hiệu ứng âm thanh vọng. Khi đó âm thanh sẽ bị loạn, nhiễu không “đẹp” nữa, thậm chí chất lượng kém, không nghe rõ. Tường phòng cần thiết xử lý lớp cách âm bằng các vật liệu như xốp, mút, bông thuỷ tinh… Bề mặt cuối cùng dù sơn màu gì, của hãng nào cũng nên làm sần, gai. Kết hợp với trang trí, chiếu sáng để tạo nhiều khe, hốc; tránh diện tường phẳng quá lớn. Với trần cũng tương tự như vậy. Nếu có khả năng và kiến trúc phòng phù hợp, có thể làm trần vòm như nhà hát để tiêu âm, loại tạp âm và nâng cao chất lượng âm thanh. Sàn phòng tốt nhất được trải thảm. Các vật liệu trơn nhẵn như kính, inox, kim loại không nên sử dụng nhiều trong phòng karaoke.

Yếu tố chiếu sáng trong phòng karaoke cũng rất quan trọng để tạo nên một không gian giải trí theo đúng nghĩa, và phù hợp cho từng lúc, từng hoàn cảnh sử dụng. Tuy nhiên, màu sắc và ánh sáng trong phòng karaoke tại gia nên tiết chế phù hợp, nhẹ nhàng vừa phải – không nên quá “hầm hố” như các phòng karaoke dịch vụ. Bởi phòng karaoke trong nhà chỉ phục vụ mức độ giải trí nhẹ nhàng; bên cạnh đó còn có thể phải đảm nhiệm các chức năng khác như phòng tiếp khách (thân mật), hay sinh hoạt chung gia đình.

Karaoke tại gia cũng không nên lạm dụng nhiều loa và công suất quá lớn. Điều quan trong là loa cho chất lượng âm thanh tốt (cùng với giải pháp âm thanh nội thất). Nói chung các vấn đề liên quan đến loa và hệ thống âm thanh nên có sự tư vấn chuyên môn từ các chuyên gia âm thanh, các nhà cung cấp thiết bị âm thanh để lựa chọn chủng loại, bố trí lắp đặt phù hợp cho phòng karaoke của nhà mình; việc này phải kết hợp cùng người làm thiết kế nội thất.


Phòng karaoke tại gia với sắc màu và chiếu sáng ấn tượng.

Thừa hay là đủ?

Karaoke tại gia là một điều kiện rất thuận lợi cho việc giải trí. Nhưng nhiều chủ nhà làm phòng karaoke, nhiều nhà thiết kế phải thừa nhận rằng: hiệu suất sử dụng của các phòng này là rất thấp, thậm chí nhiều nhà bỏ không phòng karaoke cả tháng, cả năm trời. Lý do rất đơn giản: karaoke là loại hình giải trí động, mà như thế phải có đông người mới vui. Trong mô hình gia đình hai hay là ba thế hệ như bây giờ, thì số người giải trí được với loại hình này (biết và thích) chỉ có 1 – 2 người (trẻ con bé quá thì chưa biết, người già thì không thích). Một số người biết sử dụng loại hình giải trí này nhưng lại hát không hay nên cũng chẳng thiết tha. Thời buổi bận rộn, công việc tối ngày, thời gian rất eo hẹp, nên ít khi bạn bè tụ tập tại nhà mà có thể triển khai một chầu karaoke đúng nghĩa. Hát karaoke một mình thì buồn lắm, nên nhiều khi karaoke tại gia được sử dụng cho “ca sĩ” luyện giọng nhằm chờ cơ hội thể hiện với bạn bè, công ty trong các dịp karaoke… dịch vụ ngoài phố. Hầu hết những người có karaoke ở nhà đều hát ở phố nhiều hơn, và cảm thấy thích hơn.

Tưởng rằng karaoke tại gia là sự đủ đầy về tiện nghi vật chất, vả cả tinh thần; mà hoá ra lại thành thừa. Thật ra, khi làm karaoke tại gia, không nên bó hẹp công năng vào không gian như vậy. Để không gian này không phải là thừa, hay rơi vào tình trạng “dễ làm khó xài” thì gia chủ và cả người thiết kế phải biết khai thác sự linh hoạt của nó. Một phòng karaoke có thể là phòng nghe nhạc. Xin dừng lại một chút ở đây để nói bên lề. Có ai đó sẽ thắc mắc rằng: phòng karaoke với thiết bị âm thanh như thế thì đương nhiên là phòng nghe nhạc được, sao phải kết hợp hay tận dụng? Xin trả lời rằng: về mặt thiết bị kỹ thuật thì là như thế; nhưng không gian lại khác. Phòng karaoke luôn có tính động, không gian kín – đặc, trang trí ấn tượng, nhiều màu… còn phòng nghe nhạc lại cần sự nhẹ nhàng, thoáng, tạo cảm giác tĩnh tại, thư thái. Kết hợp chức năng này về cốt lõi là phải xử lý không gian kiến trúc – nội thất.

Phòng karaoke cũng có thể là phòng “chơi” của những tay chơi thiết bị âm thanh, ưa thích công nghệ; làm phòng thu, studio xử lý âm thanh dành cho những ai hay lọ mọ thể nghiệm với vấn đề này. Tận dụng hệ thống thiết bị, và nếu đủ rộng; phòng karoke tại gia cũng có thể là nơi tập cho một ban rock nào đó mới khởi nghiệp, khi mà đi thuê một phòng tập chuyên nghiệp không hề rẻ…

Lẽ đương nhiên, khi là một phòng trong một ngôi nhà; phòng karaoke tại gia cũng có thể, và nên đáp ứng cả những mục đích sử dụng bình thường khác; như là phòng tiếp khách (dành cho bạn bè thân mật), phòng xem tivi, sinh hoạt chung gia đình, hay thậm chí kết hợp với các loại hình giải trí khác (như bida, đánh bài, game…)

Để có một phòng karaoke đa năng như vậy; và để phòng karaoke tại gia là đủ chứ không thừa; thì ngay khi thiết kế, cả chủ nhà cùng kiến trúc sư cần xác định rõ chức năng của phòng, và các nhu cầu sử dụng; để đưa ra giải pháp thiết kế hợp lý về cả kiến trúc – nội thất và công nghệ – thiết bị.

(Bài & ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh  // SGTT Online)

  • Nội thất xanh dương cho nhà mát lạnh
  • Trang trí đầu giường ấn tượng
  • Làm mới không gian bằng đồ cũ
  • Bún khô
  • Khám phá tòa dinh thự được điều khiển bằng iPhone
  • Tiện nghi tối giản
  • Thiết trí phòng nghe nhạc, xem phim
  • Không gian dạ cầu thang
  • Ánh sáng nở hoa
  • Ngôi nhà có nhiều góc nhỏ
  • Không gian sắt thép
  • Không gian giải trí trong nhà “nặng nhẹ” tuỳ gia chủ
  • Chọn giấy dán tường sao cho thích hợp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng
  • Giảm giá cực sốc hè 2013 tại Vincom Center Bà Triệu
  • Rầm rộ khuyến mãi 2/9
  • BigC giảm giá tới 50% hơn 1.300 sản phẩm
  • Thoả sức mua sắm với “crazy sale” tại Vincom Center
  • Hà Nội: Đăng ký Internet được dùng miễn phí MyTV và điện thoại cố định
  • Rầm rộ khuyến mãi "khủng" dịp 30/4
  • Vietnam Airlines bán giá siêu khuyến mại 3 ngày cuối tháng 4
  • Bay giữa TP.HCM, Vinh, Hải Phòng chỉ từ 650.000 đồng