“Sự nghi ngờ biến vợ tôi thành người khác và tôi cũng không còn là mình nữa”. Đó là tâm sự của một người đàn ông với chuyên viên tâm lý sau một thời gian “sống trong sợ hãi” do bị vợ nghi ngờ. Anh có một gia đình yên ổn, vợ đảm đang, lại hiểu biết nên chưa bao giờ làm anh mất mặt. Thế nhưng tất cả đã thay đổi đến chóng mặt chỉ vì một sai lầm của anh.
Sống trong... nghi ngờ
Số là có lần bị mấy ông bạn nhậu rủ rê, lại không còn tỉnh táo vì hơi quá chén, anh theo chân hai cô gái phục vụ bàn tại quán nhậu đi tăng 2 hát karaoke. Anh cứ tưởng hai ông bạn đi cùng, ai dè, khi đã vào phòng karaoke, anh không thấy bóng dáng ông nào cả. Đâm lao thì phải theo lao, anh và hai cô gái vừa hát karaoke vừa cụng ly, cuộc vui kéo dài tới 2 giờ sáng anh mới về tới nhà.
Anh vẫn còn nhớ, khi ở trong phòng karaoke, vợ anh có điện thoại hỏi anh ở đâu, anh đã chạy vào nhà vệ sinh đóng kín cửa và nói: “Hôm nay sếp có tí việc nên ở lại bàn chuyện với anh và anh K. ở quán X., địa chỉ là...”. Anh nói thế cho vợ yên tâm, chứ anh biết từ khi lấy nhau có bao giờ vợ anh chạy đến địa chỉ anh “khai” mà kiểm tra đâu, lo gì. Rồi anh tắt máy luôn để “vui vẻ” với hai cô tiếp viên cho tới khi về nhà.
Khi về tới nhà, vợ anh nhất định không mở cửa. “Anh nói thật là hôm nay sếp có chuyện nên nhậu xong lại kéo anh và anh K. vào quán bar. Anh về muộn, anh thật sự xin lỗi em” - anh năn nỉ qua điện thoại. Một lúc sau, vợ anh ra mở cửa nhưng không nói câu gì. Đến sáng, khi anh vừa tỉnh dậy, vợ anh nghiêm nét mặt, hỏi: “Anh nói thật đi, đêm qua anh đi đâu?”. Anh chột dạ nhưng vẫn giả lả: “Đi đâu là đi đâu, anh đã nói với em rồi còn gì”. Giọng vợ lạnh tanh: “Em cho anh nói lại một lần nữa”. Chắc là cô ấy gọi cho thằng K. nên biết rõ sự thật rồi, giờ nói dối tội càng thêm nặng. Anh đành nói thật. Nghe xong, vợ anh lẳng lặng ra khỏi phòng.
Từ hôm đó, cứ đúng 11 giờ, vợ anh gọi điện kêu anh qua chở đi ăn trưa với thái độ rất lạnh lùng nên anh nuốt không trôi. Thỉnh thoảng vợ anh lại làm một câu: “Chưa bao giờ anh mời em đi ăn một bữa ăn cho đàng hoàng, thế mà anh có tiền bao gái đi hát karaoke”. Vừa hết giờ tan sở, cô ấy lại gọi điện thoại, câu đầu tiên là: “Anh ở đâu, sao ồn ào thế, có cả giọng con gái hả...”. Cô ấy còn buộc tội anh đã “ăn bánh, trả tiền” với gái nhà hàng. Tất cả cuộc gọi đến, đi và tin nhắn trong điện thoại anh đều bị săm soi từng số một. Không khí gia đình căng thẳng đến độ anh sợ phải về nhà...
Trói chồng bằng niềm tin
Tuy nhiên, nếu nam giới phải chịu sự nghi ngờ của vợ khổ một thì người vợ phải nghi ngờ chồng lại khổ sở gấp mười. Một chị là nhân viên văn phòng ở quận 1 - TPHCM kể rằng có lần thấy cửa sổ email của chồng quên tắt nên tò mò mở ra xem. Chị không thể ngờ chồng chị đã gửi rất nhiều thư cho một cô gái với những câu như: “Anh cũng khổ tâm lắm, anh nhớ em nhiều”, “Hãy hồi âm cho anh”, “Em cũng biết là anh yêu em nhiều thế nào...”. Mỗi email anh đều gửi kèm theo những tấm hình anh chụp cô gái ấy. Qua những bức thư này, chị biết cô gái đó là kế toán trong công ty anh.
Chị như phát điên khi đọc xong những bức thư trên, chân tay run lẩy bẩy. Biết phải làm gì đây? Lúc này chồng chị lại vừa đang đi công tác, nếu gọi qua điện thoại, thế nào chồng cũng chối. Chị copy hết tất cả thư từ, ảnh trong email của anh và lưu lại cẩn thận. Hai đêm liền, chị không hề chợp mắt, trong đầu chỉ nghĩ chồng đang ở bên cô gái kia và hình dung cảnh chồng ngoại tình...
Ngày thứ ba, chị gần như kiệt sức, chị nghĩ nếu như thế này mình sẽ chết mất, phải có ai đó giúp mình. Chị bèn gọi điện cho nhà tư vấn tâm lý. Sau khi nghe chị kể lại, anh tư vấn viên phân tích: Nếu anh ấy về, thể nào anh cũng dùng “đòn phủ đầu” rằng vì sao chị lại dám xem trộm thư tín của anh. Nếu chị làm ầm ĩ, vì tự ái và xấu hổ khi bị vợ phát hiện, anh ấy có thể sẽ bỏ nhà đi luôn.
Do vậy, chị nên vừa mềm mỏng vừa dứt khoát, mục đích là để anh ấy thấy sai lầm để quay về với vợ con. Chị hãy nhớ, người đàn ông không bao giờ dễ dàng đánh đổi hạnh phúc gia đình, bỏ vợ bỏ con đi theo người phụ nữ khác. Lời khuyên của chuyên viên tâm lý khiến chị tạm yên lòng...
Khi chồng về, chị bình tĩnh đưa hết thư từ của anh đã gửi cho cô gái kia. Anh không còn gì để chối cãi, nhưng cố giải thích là anh chỉ trêu cô gái ấy thôi, chứ không có tình ý gì cả... “Đây là lần đầu cũng là lần cuối, anh đừng bao giờ để em bắt gặp một lần nữa, lúc đó em không còn gì để nói chuyện với anh”- chị dằn giọng. Từ đó, thái độ chồng chị thay đổi hẳn, anh chăm lo cho vợ con nhiều hơn, không đi công tác đâu xa. Cô kế toán kia anh cũng đã cho nghỉ việc...
Chị không bao giờ nhắc lại chuyện đã qua, dù trong lòng chị vẫn nghĩ có thể chồng đã phạm sai lầm nhưng quan trọng là anh ấy đã nhận ra sai lầm và biết dừng lại, anh vẫn còn yêu vợ, yêu con và không muốn đánh mất gia đình. Chính suy nghĩ như vậy đã khiến chị vượt qua được giai đoạn tưởng như khó khăn nhất trong cuộc hôn nhân.
Tạo dựng được niềm tin với bạn đời cần phải có thời gian và sự nỗ lực không ngừng nhưng chỉ một phút bất cẩn, buông thả đã khiến nó sụp đổ và kéo theo là những đổ vỡ tình cảm thật khó lường. Hai trường hợp kể trên có thể giúp những người vợ, người chồng rút ra được bài học trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình trong thời đại rất nhiều cám dỗ hiện nay.
(Theo TRẦN YÊN MA // Người lao động online)