Thực chất, nhu cầu kể công của vợ cũng xuất phát từ việc muốn có người trò chuyện, tâm sự. Đàn ông có thể yêu trong im lặng. Còn phụ nữ khi yêu thường bày tỏ ra lời. Các bà vợ cũng có cái lí của họ khi cho rằng sở dĩ họ mắc bệnh kể công là vì không được chồng an ủi, khích lệ.
Nếu một trăm phần trăm các ông chồng biết chia sẻ với vợ hoặc biết bày tỏ lòng cảm ơn với những việc vợ làm cho mình và gia đình thì chắc hẳn họ sẽ không còn phải đau đầu vì những chiếc đài phát thanh quá nhiều xúc cảm hàng ngày cứ ra rả bên tai.
Mỗi ngày một núi công lao
Cứ đi thì chớ, về nhà là anh Nguyễn Hữu Trí lại phải “đối mặt” với nỗi niềm bày tỏ công lao của vợ. Vừa bước chân đến cửa, chị vợ đã lao ra chặn ngay: “Mình mới về à? Có mệt không? Ấy ấy, bỏ cái giày ra, em vừa phải lau ba vòng nhà mệt đứt hơi ra đây này. Mình không biết à mà lại xéo giày vào nhà như thế?”. Màn chào hỏi của vợ bắt đầu như thế.
Và từ lúc ấy, anh biến thành “trung tâm vũ trụ của vợ.” Mang một cốc nước chanh đá lên cho chồng, chị bảo: “Anh uống đi cho mát. Em vừa giặt một đống quần áo. Gớm, cái quần bò của mình cứng quá, vò sái hết cả tay. Đang giặt dở lại nhớ ra mình sắp về, lại phải vứt đấy đi pha nước cho mình để còn cho ngăn lạnh cho kịp mát.”
Rồi: “Mình đi tắm đi, mà cái quần soóc của mình hôm nọ đi chơi tennis ngã đâu mà bẩn bê bẩn bết, em phải tẩy mãi mới trắng đấy. Eo ơi, mùi thuốc tẩy kinh lắm, độc hại lắm. Cứ tình hình một tuần vài lần dùng thuốc tẩy thế này chắc em bị viêm mũi dị ứng mất.” Anh “thoát nạn” kể lể của vợ được khoảng 20 phút trong nhà tắm.
Đến khi ngồi vào mâm, chị lại tiếp tục: “Hôm nay em phải mất hơn tiếng đồng hồ mới có được bát canh cua này đấy! Gớm, để người ta làm sẵn ở chợ thì kinh chết mà tự làm thì còng hết cả lưng. Em còn bị cua nó cắp cho sưng cả ngón tay đây này. À, bát canh này tính thế mà đắt gớm, hết những mấy chục nghìn. Thời buổi này đi chợ đắt đỏ thật. Em là người khéo chi tiêu nên mới đâu ra đấy chứ cứ như mấy bà vụng thối vụng nát, ăn tiêu hoang tàn thì á, chỉ có chết chồng”...
Anh Trí chỉ còn biết ậm ừ trước cái máy kể lể ngồi trước mặt mình. Anh chẳng cần mở miệng hỏi han nửa câu, chị đã tường thuật toàn bộ hoạt động của mình từ sáng đến tối kèm theo công trạng rạch ròi. Nhưng nghe không nào có đủ, ậm ừ biểu lộ sự đồng tình không cũng không xong.
Sau khi “tám” hết chuyện, chị bắt đầu quay ra hoạnh hoẹ: “Anh chẳng bao giờ hiểu em ở nhà vất vả bao nhiêu việc mệt nhọc thế nào. Đấy, từ lúc về đến giờ anh có nói được câu nào an ủi hay thông cảm gì với em đâu. Anh tưởng mỗi anh đi làm kiếm tiền là mệt chắc...”. Đến nước này thì anh Trí chỉ muốn lao đầu lên giường đi ngủ để thoát những nỗi niềm bày tỏ của vợ.
Mà có khi vừa dợm bước lên giường thì vợ đã gào lên, anh rửa chân chưa, em vừa giặt cái ga giường hết cả hơi... Đến nước này thì anh chỉ còn biết than, thà vợ đừng làm gì và để anh yên thân khi về đến nhà còn hơn.
Yêu là không im lặng
Đối với nhiều bà vợ, “sự nghiệp” có nghĩa là giúp chồng thành đạt và giữ chồng. Các bà luôn tâm đắc câu: “Phía sau người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của một người phụ nữ”.
Đấy! Không có “bọn này” thì các ông cũng chẳng làm nên cơm cháo gì. Thế nhưng, vì nỗi lo các ông chồng thường hay “có trăng quên đèn” nên các bà luôn liệt kê và cập nhật công lao của mình để các ông nhớ rằng người phụ nữ phía sau mình là vợ mình, chứ không phải cô này, cô kia, cô nọ...
Tư duy hướng dẫn hành vi, nói nhiều sinh nghĩ nhiều. Điều đó khiến các bà sinh mệt, càng mệt lại càng kể... Cái vòng tròn này không biết đâu là điểm mở đầu, đâu là kết thúc. Tuy nhiên phải công nhận rằng, các bà vợ kể công thuộc nhóm đảm đang, chứ cỡ “ăn không, ngồi rồi” thì nói còn chưa dám, làm sao dám kể.
Chị Nguyễn Phương Minh, sau thời gian nghỉ sinh, bèn nghỉ luôn 5 năm để nuôi con. Khi con đi mẫu giáo, chị bắt đầu tìm việc làm. Rất khó xin vào những công ty có thu nhập cao nên chị quyết định vào làm thợ gội đầu cho một tiệm cắt tóc ở gần nhà.
Công việc làng nhàng, nhưng được cái không quá khó nhọc nên chị tặc lưỡi: “Thôi mình lo cho con là tốt rồi!” Thế nhưng từ khi anh chồng học tiếp chương trình tiến sĩ, chị vợ bắt đầu bóng gió kể công: “Tôi mà cũng lo học hành như anh, công tác liên miên thì nhà này như nhà hoang.”
Chị kể lể công việc hàng ngày, từ chuyện đi đổ rác, chợ búa, tắm cho con, thăm cha mẹ đau ốm... Ban đầu, ông xã chị còn chịu khó ngồi nghe, ghi nhận, nhưng dần dần thấy câu chuyện không có gì mới mẻ, nên dần tìm cách lẩn tránh. Với anh, đó là chuyện nhỏ, chuyện vặt, nhưng với chị thì lại là toàn chuyện quan trọng, mà không có bàn tay của chị là không xong. Chính quan điểm không đồng thuận, nên vợ chồng bắt đầu “ai nói người đó nghe.”
Bà Lê Kim Liên, trưởng phòng nhân sự của một công ty xây dựng là một người phụ nữ giỏi giang. Công lao to nhất của bà đối với gia đình chồng (theo đánh giá của bà) là tạo công ăn việc làm cho em chồng, cháu chồng, anh họ, chị họ... của ông chồng.
Vì thế, tuy bà ít khi vào bếp nấu cho chồng con một bữa cơm trọn vẹn, hay nấu bát cháo mang sang biếu mẹ chồng khi bà đau ốm, nhưng bà trưởng phòng nhân sự ở cơ quan khi về nhà cũng đầy quyền uy, ra giọng “chỉ đạo” cho chồng và các thành viên trong gia đình chồng.
Điều đó khiến cho trong đôi mắt của mẹ chồng, bà là người đàn bà “ghê gớm”, có chút công lao bày đặt kể công. Mối quan hệ của bà với gia đình chồng lẽ ra phải thật vui vẻ, hòa thuận, thì lại trở nên “trong héo ngoài tươi.”
Nhưng, mối bận tâm của bà lại không phải là cái nhìn đó của mẹ chồng mà là nỗi sợ bị ông xã quên công lao. Có lần đám cưới cô em gái của ông đúng vào dịp bà đi công tác. Mặc dù ông xã không có một biểu hiện nào trách móc, nhưng bà vợ vẫn bỏ ra gần hai tiếng đồng hồ để nhắc lại chuyện bà đã giúp gia đình chồng như thế nào.
Nghe vợ kể “chuyện ngày xưa” ông rầu rĩ ráng chịu đựng, và cố gắng khen ngợi bà vợ hiếm thấy trên đời. Bà cũng chưa hài lòng, khi cho rằng ông chồng “chỉ được cái nói xạo”. Bà còn phải cho ông biết thêm, nhờ vào uy tín, và sự quen biết của bà, mà mọi giấy tờ trong gia đình về nhà cửa, đất đai... đều trót lọt, êm xuôi, con cái đi học trường nào, ông khỏi phải bận tâm. Chính vì thế, càng sống với nhau, bà càng có nhiều “tư liệu” để chứng tỏ mình là bà vợ... “vàng”.
Trường phái “yêu là không im lặng” có xu hướng lây nhiễm ở chỗ đông người. Các bà vợ gặp nhau ở các tiệm gội đầu, phòng tập thể dục, ở siêu thị... hay kể cho nhau nghe “chuyện nhà tôi”. Tất nhiên, các bà luôn là nhân vật chính, luôn là cây đinh trong nhà. Bà nào chưa mắc bệnh này thì sau vài lần tụ tập, cũng đâm lây bệnh.
Chồng luôn là "con nợ"
Không chỉ kể lể những công việc hàng ngày trong nhà, nhiều người vợ đã “bao quát hóa” lên cả tầm số phận khiến các ông chồng có cảm giác rằng đời này, kiếp này mình có lặc lè gánh vác mà trả nợ công lao cho vợ cũng không nổi.
Vợ chồng anh Nguyễn Đại Phú lấy nhau từ thuở còn hàn vi, tức là hai vợ chồng còn thuê nhà để ở và lo ăn từng ngày. Sau năm năm, nhờ tài xoay xở và biết chắt bóp của vợ cộng với nhà vợ cho một mảnh đất nho nhỏ ở Thủ Đức, vợ chồng anh xây được cái nhà 3 tầng, tiện nghi, khiến ai đến nhà cũng nắc nỏm khen anh tốt số, nhà đẹp, vợ xinh, con khôn dù cả hai vợ chồng chỉ là công chức nhà nước lương lậu có hạn. Càng nhiều lời khen thì chị vợ càng đắc ý.
Từ ấy chị cứ luôn miệng kể, anh thấy không, nhờ có em nên đời anh mới hơn bạn hơn bè chứ mấy ai như anh, lấy vợ tay trắng mà giờ sau vài năm đã có đủ cả, chả thiếu thứ gì. Nhờ có em nhặt nhạnh thu vén, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc nên giờ mới có nhà cao cửa rộng, cả nhà anh ở quê lên thăm con thăm cháu cũng phải mở mày mở mặt. Chứ nếu anh lấy phải con khác á, đời anh giờ còn đi thuê nhà nay đây mai đó.
Bình thường, anh Phú nghe vợ kể công thì chỉ cười hề hề phụ họa. Nhưng mỗi lần vợ chồng cãi vã hoặc lúc tức giận thì anh mới bộc lộ: “Cô tài, cô giỏi. Giờ mới thế này mà cô đã kể công. Sau này mà không lành không ngọt chắc cô tống cổ tôi ra khỏi nhà chứ gì?”. Chị vợ thì gào lên: “Tôi có nói ra cũng để anh biết đường mà sống với vợ với con cho tử tế...”
Nhiều ông chồng luôn có cảm giác mắc nợ khi sống bên cạnh những người vợ luôn bày tỏ “tình yêu thương” ầm ĩ suốt ngày này qua tháng khác. Họ thực sự thấy rõ công lao của vợ nhưng cũng vì thế mà luôn sống trong cảm giác mang nợ với mặc cảm mình không làm tròn trách nhiệm, mình đóng góp quá ít cho gia đình, mình thua kém vợ, mình kém cỏi...
Những ức chế tâm lí ở phía người đàn ông có thể mang lại những hậu quả xấu cho cuộc sống gia đình vốn đã nhiều khó khăn và đầy rẫy những nguy cơ hiểm họa./.