Trong căn nhà nhỏ rộng chừng 20m2 ở ngõ 224, đường Bưởi, quận Ba Đình, mỗi buổi sáng, ông Nguyễn Văn Trung vẫn thường xuyên hướng dẫn hai cô con gái cách chăm sóc những lồng chim cu gáy. Từ khi còn trẻ, ông đã say mê tiếng gáy của loài chim cu. 30 năm sinh sống tại Hà Nội, nuôi chim cu gáy đã trở thành thú chơi và niềm đam mê của ông...
Thú chơi chim cu gáy của người Hà Nội xuất phát từ đất Kinh Kỳ kẻ chợ, nơi có nhiều người dân các tỉnh, nhất là các vùng nông thôn về đây lập nghiệp. Chim cu gáy là loài chim gắn liền với ruộng đồng, và để nhớ những cánh đồng, rặng tre, để cho tâm hồn luôn nhớ về cội nguồn, nhiều người đã chơi loài chim này và từ đó trở thành thú chơi.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, chơi chim cu gáy hay ở chỗ rất dân dã, trông nó hiền lành như một người nông dân, nhưng tiếng của nó gáy rất hay. Đặc điểm thứ hai đó là tuổi thọ rất cao, trung bình khoảng 80 năm.
Trong căn nhà nhỏ, tiếng chim cu gáy luôn rền vang. Giờ vào độ tuổi ngũ tuần, ông Trung là một trong số không nhiều những người chơi chim cu gáy ở Hà Nội vẫn đam mê thú chơi tao nhã này. Ông không nhớ mình đã thuần dưỡng bao nhiêu con chim cu gáy, hiện tại ông đang có hơn 20 con chim cu gáy quý tại nhà. Ông cảm nhận được rằng, tiếng gáy của loài chim cu cũng giống như giọng hát của người ca sĩ.
“Tiếng gáy của mỗi con chim đều khác nhau, có thể gáy to, dài, đúng cao độ, tròn vành rõ chữ, nhưng quan trọng vẫn là chất giọng của mỗi chú chim, và điều này thì không ai có thể huấn luyện được, mà đó là do giọng gáy bẩm sinh của mỗi con”. Ông Nguyễn Văn Trung cho biết.
Mặc dù hiện tại trên thị trường đã du nhập nhiều loại chim cảnh với giọng hót rất hay, nhưng dường như vẫn không thể thay thế được tiếng gáy của loài chim cu, khoác trên mình bộ lông không hề sặc sỡ, mà là một màu nâu thuần khiết của người nông dân Việt. Loài chim mang hồn quê hương xứ sở của vùng văn minh lúa nước...
(Theo Minh Hiền // VTV Đài truyền hình Việt Nam)