Rồi đến ngày khi một trong hai chúng ta nhận ra người ấy không là của mình trọn vẹn, nhận ra bóng dáng một khoảng trời riêng nào đó trong lòng người, hốt hoảng tự hỏi: đâu là bến bờ chung, đâu là biên giới của khoảng trời riêng, làm sao mình thấu hết? Hạnh phúc, ai cũng nói rằng phải nắm lấy, phải gìn giữ, nâng niu. Nhưng đã cố hết sức để giữ chặt lấy, sao có khi hạnh phúc rồi như cát, càng nắm càng tay không...
"Vùng đệm"
Đối với nhiều đôi vợ chồng hiện đại, dù chia sẻ với nhau nhiều điều, nhưng giữa họ luôn phải có một khoảng trời của riêng vợ hoặc chồng, khoảng trời không cần và không thể chia sẻ. Khoảng trời riêng ấy được quy ước giữa hai người. Có thể đó là những khu vực riêng, được giới hạn bởi một thỏa thuận. Có thể đó là quá khứ, nhưng ngay cả trong hiện tại, vẫn có những vùng riêng được quy định thuộc quyền tự trị của mỗi người: điện thoại, nhật ký, máy tính cá nhân, mail box, thậm chí là... ví tiền. Việc xâm phạm những khoảng trời riêng của nhau được coi như một biểu hiện vi phạm tự do cá nhân, có thể làm người kia bị tổn thương vì thể hiện sự thiếu tin tưởng, thiếu tôn trọng.
Theo họ, khoảng trời riêng là cần thiết để cái tôi cá nhân của mỗi người tồn tại và phát triển, là một “vùng đệm”, nơi họ tự điều chỉnh mình trước khi hòa vào không gian chung. Những môn đệ trung thành của lý thuyết này cũng cẩn thận đưa ra những cảnh báo về những đối tượng lạm dụng lý thuyết “khoảng trời riêng” một cách ích kỷ, thiếu chia sẻ, thiếu cảm thông, vô trách nhiệm và ngụy biện.
Thử hỏi lại những thế hệ cách mình một khoảng thời gian chưa dài lắm, chưa đến nỗi già nua, xem dì hay chú, cô hay bác có từng sở hữu một khoảng trời riêng như thế? Câu trả lời khá bất ngờ: chỉ khi người ta còn trẻ lắm, nhiều say mê lắm mới nghĩ là có thể chia sẻ với nhau tất cả mọi điều. Còn khi đã trưởng thành, người ta biết có những điều không thể chia sẻ với bất kỳ ai, có những điều không nên nói, không nên kể, bởi nếu nói ra, nó không mang lại thêm được gì, mà ngược lại còn có thể làm khổ nhau một cách vô ích. Điều khác biệt là cũng không ai gọi tên cái khoảng lặng ấy là “khoảng trời riêng” làm gì cho thêm rắc rối, dù khoảng không ấy luôn hiện hữu trong mỗi con người.
Quyền được riêng tư
Khi những cái chung thể hiện tính ưu việt của mình: sự hòa hợp, sự chia sẻ, những nỗ lực cùng nhau vượt qua khó khăn, thì một “khoảng trời riêng” có vẻ nhuốm màu tiêu cực. Nhưng xóa bỏ tất cả, hoàn toàn không thừa nhận quyền được riêng tư của mỗi người có phải là một giải pháp tối ưu?
Hùng, một luật sư trẻ, thẳng thắn kể lại câu chuyện của mình: “Tôi biết trước khi lấy tôi, vợ tôi cũng từng trải qua một mối tình đau khổ. Đêm tân hôn, không có dấu của trinh tiết. Tôi là người thực tế và từng trải. Tôi nghĩ: “Tôi lấy vợ vì cô ấy hay vì quá khứ của cô ấy?”. Hãy để quá khứ là quá khứ. Tôi không gặng hỏi, và cũng không muốn nghe cô ấy kể. Bạn có thể nghĩ tôi “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Nhưng giữa hai chọn lựa: bình yên với người vợ của mình, với tình yêu của nàng dành cho tôi trong hiện tại và tương lai, hay khổ sở lật đi lật lại quá khứ, để rồi giày vò cả mình cả vợ mà không được gì hơn? Tôi đơn giản chọn hiện tại và để cho quá khứ ngủ yên trong đau buồn của nó. Thực tế cho thấy tôi đã chọn đúng. Từ ngày chúng tôi lấy nhau, nàng là một người vợ yêu chồng hết mực, lo toan trọn vẹn gia đình để tôi yên tâm làm việc. Chúng tôi tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng quá khứ của mỗi người. Người ta cần biết quên đi một số thứ trong đời, để cuộc sống đơn giản hơn và đáng sống hơn...”.
Đối với Phương, sự trả giá cho một lần “xâm phạm chủ quyền” là một kỷ niệm khó phai mờ. Một lần dọn nhà, cô tình cờ phát hiện ra chồng mình vẫn giữ những tấm hình chụp chung với cô bạn gái ngày xưa. Trong một chiếc hộp được sắp xếp cẩn thận là những món quà, những lời chúc, những lá thư hai người gửi cho nhau ngày ấy. Càng đọc, cô càng nổi điên. Nếu chồng Phương không kịp về nhà để thấy vợ đã dốc hết dĩ vãng của mình vào cái thùng sắt tây hằng tháng vẫn được nàng dùng làm cái thùng đốt vàng mã, và trên tay là cái hộp quẹt gas, ắt đã chẳng bao giờ anh còn thấy lại những kỷ vật tình đầu của mình. Phương chỉ kịp thấy mắt chồng ngầu đỏ, cái quẹt gas trên tay cô bị giật phắt, anh giằng lấy cái thùng sắt và quát thẳng vào mặt cô: “Ai cho cô cái quyền lục lọi đồ đạc của tôi?”.
Không thể phủ nhận sự cần thiết của những phút riêng tư, bởi đơn giản: đó chính là tiền đề của cái chung. Không có chút gì là của riêng thì lấy gì mà góp chung, mà chia sẻ? Cuộc sống lứa đôi là sự hòa chung từ những cái rất riêng của mỗi người. Ai có cảm giác về sự riêng tư, người đó mới có cảm giác cần chia sẻ và có thể chia sẻ. Sự can thiệp thô bạo, sự tò mò tọc mạch không biết giới hạn, không chỉ làm tổn thương mỗi người, mà còn khiến bầu không khí gia đình trở nên căng thẳng, ngột ngạt, theo kiểu một người ra sức tìm trong khi người kia ra sức giấu.
Tất nhiên, khi người ta có một tình yêu sâu sắc, có một gia đình êm ấm thì rất dễ để “nói hay”, để rộng lượng công nhận những vùng lãnh thổ riêng của đối tác. Nhưng một khi niềm tin đã chớm lung lay, thì người ta dễ “bất chấp” những thỏa ước đã được ký kết, thậm chí tìm trăm phương ngàn kế để thâm nhập bằng được khoảng trời riêng ấy, chỉ để khẳng định rằng, không có đối thủ cạnh tranh nào đang chiếm giữ nơi đó mà thôi. Vậy nên, nói cho cùng, quyền riêng tư hay khoảng trời riêng ấy vẫn là khu vực “lãnh thổ có chủ quyền”, được kiểm soát trong tinh thần tôn trọng của cả đôi bên, theo kiểu “riêng” mà không “biệt”.
Nắm cát giữa tay người
Bên cạnh những dịch chuyển, xôn xao của những ngày sống hiện tại, khoảng trời riêng của mỗi người cũng có những biến động âm thầm. Bằng sự tôn trọng nhau trong đời sống vợ chồng, người ta có thể cảm nhận được đâu là ranh giới mỏng manh của miền đất ấy, hơn nữa, còn có thể thấu cảm và chia sẻ với nhau, không nhất thiết phải bằng lời.
Bài thơ tình thứ 28 nổi tiếng của R. Tagore, trong tập thơ Người làm vườn, nói đến sự bất lực của con người khi cố gắng khám phá cho cùng tận tâm hồn của người mình yêu dấu: “Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy/Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu...”. Có lẽ, đa phần đôi lứa hấp dẫn nhau chính là sự “chẳng bao giờ biết trọn” ấy, mặc dù có vẻ như một khoảng trời riêng cũng đồng nghĩa với một vùng “nhạy cảm” trong cuộc sống chung.
Ai chẳng có chút khiếm khuyết tâm hồn cần che giấu, ai chẳng có chút riêng tư khó giãi bày. Nhưng khác với việc ngang nhiên công bố một “chủ quyền”, khoảng trời riêng của mỗi cá nhân thường là những vùng lãnh thổ được vợ hoặc chồng tự nguyện “dành phần” xây dựng, tôn trọng. Việc “lỡ trớn” xâm phạm chủ quyền cũng được giải quyết trên tinh thần ấy: những lỗi lầm chỉ vì chưa biết cách, hay chưa nhận thức đúng đắn thì vẫn có thể được chấp nhận và bỏ qua, ngoại trừ những thứ thuộc về bản chất: ích kỷ, hẹp hòi, lừa dối... Để hiểu và cùng trưởng thành trong cuộc sống chung, mỗi cá thể đều cần có thời gian, và quan trọng hơn, cần có ý thức.
Kỷ luật trại lính, ghen tuông, nghi ngờ, cấm đoán... cũng không bằng cách của ông cha: “lạt mềm buộc chặt”. Mà có muốn cấm cũng không thể cấm được. Hạnh phúc như nắm cát trong tay người. Nắm thật chặt bàn tay cũng không ngăn được cát trôi qua từng ngón, mà thả tay ra thì chẳng còn gì. Chẳng lẽ không còn cách nào để giữ nắm cát ấy? Vẫn còn cách. Đó là khi nước mắt đã thấm đẫm nắm cát trong tay mình, nước mắt của trải nghiệm, của nhường nhịn, của sẻ chia và của cả hiểu biết về những ranh giới hữu hạn của mỗi con người.
Không thể cứ mãi ảo tưởng về hôn nhân như một phép mầu sẽ biến cuộc sống chung thành một quãng thời gian ngập tràn ánh sáng, nơi chỉ có những điều tốt lành. Hôn nhân còn có cả những góc khuất, những bóng tối do mình hoặc do người ấy mang theo. Mỗi người đều có quyền giữ lại những khoảng lặng cho riêng mình, giữ một chút riêng tư để còn mãi là mình, và để cảm thấy sự tự do của mình không hoàn toàn bị đánh mất. Bởi, hơn tất cả, tình yêu cần tự do...
(Theo Hoàng Mai (Phụ nữ TPHCM)