Rụng tóc ở nam giới bắt đầu xuất hiện khi họ bước vào độ tuổi 30. Nếu không chú ý phòng tránh và bảo vệ thì hiện tượng này có thể dẫn đến tình trạng hói đầu khi họ bước vào tuổi ngũ tuần.
Do di truyền hay bệnh lý?
Theo Thạc sĩ - bác sĩ Mai Mạnh Tuấn - Viện Thẩm mỹ Hà Nội, hói đầu ở nam giới do các nguyên nhân chủ yếu sau:
Di truyền: Có tới 95% đàn ông bị rụng tóc là do di truyền. Khi ngấp nghé ngũ tuần, hơn nửa trong số họ bắt đầu rụng tóc. Nếu cha bị chứng hói thì con trai sẽ thừa hưởng di truyền.
Vì chứng hói là tính trạng trội, những người khi sinh ra có các gen là nguyên nhân gây nên chứng này không sớm thì muộn cũng rụng tóc, với mức độ khác nhau.
Stress: Khi bạn bị căng thẳng nặng, trong cơ thể sẽ sản sinh ra các hoócmôn đặc biệt, làm rối loạn quá trình luân chuyển máu, làm chậm quá trình phát triển của tóc và làm rụng tóc.
Nội tiết: Là những phản ứng hóa học tự nhiên trên da đầu. Nó bắt đầu khi kích thích tố sinh dục nam (hoócmôn giới tính) tiếp xúc với tuyến dầu trên nang tóc. Những tuyến dầu này có chứa một loại enzim gần giống với hoócmôn sinh dục nam.
Khi phản ứng xảy ra, hoócmôn giới tính sẽ chuyển đổi thành dihydrotestosterone (DHT).
Sau đó DHT sẽ tác động ngược lại vào nang tóc và làm chúng co lại, khiến cho lớp màng bảo vệ trên da đầu dày hơn và ngăn cản sự truyền máu đến các mao mạch. Các nang tóc bị chôn vùi dưới lớp da đầu do đó quá trình thiết lập những sợi tóc mới bị trì hoãn.
Số lượng tóc ngày một ít hơn vì tóc cũ rụng đi nhưng không có tóc mới thay thế. Kết quả là đầu hói.
Thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống suy nhược, thuốc có chứa quá nhiều vitamin A, thuốc chữa bệnh gout và các biện pháp trị liệu bằng hóa học (như điều trị ung thư) đều có thể làm tóc rụng một cách bất thường cũng có thể dẫn đến tình trạng hói.
Nguyên nhân khác như thiếu chất sắt trong máu, lây nhiễm nấm gây ra bệnh hói đầu. Hói đầu cũng có thể do bệnh tiểu đường hoặc bệnh lupus vì những bệnh này sẽ làm cho da đầu bị nhiễm khuẩn khiến tóc không thể mọc được.
Những trường hợp có thể mọc lại
Rụng tóc do hóa trị liệu: Hóa trị liệu làm ảnh hưởng lên sự phát triển của các tế bào nang tóc ở giai đoạn thoái hóa. Các chân tóc không phát triển bình thường, dễ bị gãy và rụng trên toàn bộ đầu. Khi đã hết điều trị hóa chất thì các nang tóc lại được tái sinh.
Rụng tóc do thiếu máu: Bệnh hói đầu do thiếu máu gây ra có thể chữa khỏi bằng cách bổ sung thêm chất sắt vào cơ thể. Tóc rụng do bệnh lupus, phẫu thuật, nhiễm trùng, dùng thuốc, thiếu chất dinh dưỡng hay chế độ kiêng khem hà khắc.
Khi gặp phải stress nặng, thậm chí cả những lo lắng về chuyện sẽ bị hói đầu, cũng làm tóc rụng nhanh hơn. Với những trường hợp như thế này, tóc sẽ mọc lại khi bạn không còn lo lắng, suy nghĩ, stress. Còn nếu rụng tóc do hoócmôn nam thì cần có phương pháp điều trị để hãm phanh sự biến mất của tóc, giúp chúng mọc trở lại.
Không quá đáng ngại
Ngoài yếu tố di truyền, để phòng tránh sự rụng tóc có thể dẫn đến tình trạng hói đầu, bác sĩ Tuấn khuyến cáo:
Hạn chế hút thuốc lá cũng làm giảm khả năng hói của bạn.
Tránh những vật có thể hút tóc: máy ép tóc, uốn tóc…
Khi phơi nắng nên bảo vệ da đầu bằng mũ.
Chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn uống đầy đủ cân bằng vitamin và khoáng chất (sắt, đồng, kẽm, silic, glucid, lipid, vitamin B) giàu hoa quả và rau sẽ giúp mái tóc bóng khỏe. Có thể dùng sản phẩm chống ôxy hóa tự nhiên…
Uống nhiều nước và đều đặn.
Cân bằng cuộc sống, tránh lo nghĩ, giảm muộn phiền bằng cách thực hành thư giãn như thiền, yoga lấy lại sự tĩnh tâm trong tâm hồn.
Tránh những thói quen không tốt cho tóc: gãi đầu quá mạnh khi gội đầu, sấy tóc ở nhiệt độ cao, đi ngủ khi tóc ướt, lạm dụng các sản phẩm dưỡng tóc, nhuộm tóc và tẩy màu tóc nhiều lần trong 1 năm… sẽ làm tóc trở nên yếu và dễ bị tổn thương.
Massage da đầu khi gội cũng là một cách giúp cho mạch máu lưu thông. Massage da đầu với dầu gội khi gội đầu để cho dầu gội thấm vào tóc, sau đó xả bằng nước mát. Để tóc khô tự nhiên. Đắp mặt nạ cho tóc bằng những sản phẩm từ thiên nhiên.
Sử dụng dầu gội đầu hợp với tóc và da đầu: Hãy nhờ các chuyên gia về tóc tư vấn để chọn loại dầu gội hợp với tóc và da đầu. Khi chọn mua dầu gội hãy chú ý tới công dụng của nó (dành cho tóc thường, tóc dầu, tóc khô…). Không nên dùng dầu gội đầu có đặc tính trị gầu trong một thời gian dài. Sau khi gội đầu với dầu gội, dùng một chút xả cho tóc mềm mại.
Bổ sung dưỡng chất cho tóc: Để cho tóc bóng đẹp và chắc khỏe, bạn có thể sử dụng các loại dầu hấp, dầu dưỡng dưới dạng viên… Những sản phẩm này rất giàu vitamin B, kẽm và nguyên tố vi lượng.
Hãy hấp tóc 2 lần/tuần, vào mùa hanh tốt nhất là 1 lần/tuần.
Theo bác sĩ Tuấn, việc sử dụng dầu gội khi bị hói hết sức quan trọng. Chỉ nên sử dụng sản phẩm dưỡng tóc, dưỡng da đầu, không dùng dầu gội trị gầu có tác nhân mạnh làm cho sự phục hồi lại tóc không tốt, làm nang lông phát triển chậm.
Vào mùa hè bạn nên bôi kem chống nắng với nồng độ thấp nhất là 15 để bảo vệ da đầu khỏi tác hại của tia cực tím.
Vào mùa đông, để duy trì thân nhiệt, bạn nên đội mũ để giữ ấm. Hơn nữa, bệnh hói đầu có thể được chữa trị bằng các loại thuốc hiện đại, nhưng sự thành công của phương pháp điều trị này còn phụ thuộc vào các yếu tố tuổi tác, mức độ rụng tóc...
Người trẻ tuổi rụng ít tóc sẽ dễ điều trị hơn là một người lớn tuổi nhưng đã hói hoàn toàn. Phương pháp chữa trị sẽ làm cho tóc mọc trở lại một cách tự nhiên nhưng không có nghĩa là có thể hồi phục lại nguyên vẹn mái tóc cũ.
Để chữa trị đạt hiệu quả, bạn cũng cần phải gạt bỏ tâm lý lo lắng về bệnh hói đầu. Và tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp, chủ yếu là các phương pháp như:
Dùng sản phẩm bôi kích thích nang lông phục hồi, bảo vệ vùng da bị hói.
Thuốc tiêm tại chỗ kích thích phục hồi nang lông phát triển trở lại.
Nếu không phục hồi được thì sẽ có phương pháp phẫu thuật, cấy tóc, chuyển vạt./. Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+