Hỏi: Em bị chứng ngáy to khi ngủ khiến các bạn cùng phòng than phiền. Như vậy có phải bị bệnh gì không, có cách gì khắc phục, xin BS chỉ giúp. (Lê Tấn Hào, xã Hoà Bình, huyện Tây Hòa) Trả lời: Chứng ngáy được chia thành nhiều mức độ: - Nhẹ: nằm xuống là ngủ, ngáy đều đều ở mức không gây khó chịu cho người xung quanh. - Vừa: cũng ngáy đều nhưng ở mức độ mạnh hơn. - Nặng: ngáy mạnh như kéo gỗ (ngáy như sấm). - Rất nặng: ngáy mạnh đến nỗi khiến người nhà rất khó chịu và ảnh hưởng đến cả hàng xóm. Những người bị chứng ngáy thường có sự khác thường về giải phẫu ở vòm họng (vòm miệng nhỏ, lưỡi gà dài, lưỡi to, cổ họng hẹp, có hạch lớn ở vòm họng) hoặc có thịt thừa, u cục phát sinh ở họng làm cản trở đường thở. Tiếng ngáy phát ra bởi sự rung chuyển của không khí khi đi qua vòm họng có cấu trúc không bình thường, bị hẹp. Nguyên nhân là sự mở và đóng của một số bộ phận không nhịp nhàng, gây trở ngại cho dòng không khí khi thở. Để chẩn đoán bệnh chính xác, cần đi khám tổng hợp một cách tỉ mỉ, nhất là về miệng, mũi, họng. Nếu ngáy nhẹ, không phải can thiệp gì mà chỉ cần vận dụng một số biện pháp sau để giảm ngáy: - Giảm ăn chất béo, giảm cân (nếu thừa cân) để bớt mỡ đọng ở cổ, giúp cổ được thanh thoát nhẹ nhàng. - Tập thể dục. - Thay đổi tư thế nằm ngủ: nằm nghiêng, tránh nằm ngửa. Khi ngủ nằm ngửa, lưỡi gà và quai hàm dưới sẽ sụp xuống làm cho đường họng hẹp bớt và hơi thở khó qua. - Dùng một số trang bị: đeo mặt nạ ở mũi khi ngủ, đeo miếng nhựa bọc răng hàm trên và dưới để đưa hàm dưới ra trước hàm trên, làm tăng độ thông thoáng cho cổ họng. Nếu bị ngáy nặng, có thể cần được khám, phẫu thuật tuỳ mức độ. BS ĐOÀN VĂN HẢI
(Theo Phú Yên Online)