Mỗi năm cả nước tiêu thụ tới 250 triệu lít rượu thủ công nhưng loại rượu này lại không đảm bảo chất lượng. Chính vì thế, số người bị tử vong do ngộ độc rượu, cũng như phải nhập viện để điều trị các bệnh liên quan tới rượu tăng liên tục. Điều tra chung của Bộ Y tế tại các cơ sở y tế cho thấy, có tới 60% số vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện uống rượu bia gây ra, hơn 7% bệnh nhân tâm thần, 6% bệnh nhân viêm gan có nguyên nhân từ việc uống quá nhiều rượu.
Có rất nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đã bị hôn mê. Nghiện rượu đã quá lâu dẫn đến xơ gan, nên sức đề kháng, sức miễn dịch của nhiều bệnh nhân đã suy giảm. Cũng vì thế mà khi được chuyển vào cấp cứu tại trung tâm chống độc – BV Bạch Mai, nhiều bệnh nhân đã bị nhiễm trùng, viêm phổi nặng. Trước khi lâm vào tình trạng bệnh trầm trọng thì khả năng suy nghĩ, tư duy giảm, tâm thần rối loạn.
Ngộ độc rượu có 2 loại: ngộ độc mãn tính, xảy ra với những người nghiện rượu và ngộ độc cấp tính. Với những người ngộ độc cấp tính phải nhập viện, sau khi các bác sĩ dùng phương pháp chuyên môn loại bỏ độc tố khỏi cơ thể thì có trường hợp có thể ra viện ngay ngày hôm sau. Nhưng không phải không có những ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe.
Trong năm qua, đồng thời với việc xét nghiệm phát hiện rất nhiều loại rượu chứa độc tố methanol gấp hàng chục thậm chí hàng trăm lần mức cho phép thì cũng đã xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc do uống phải rượu chứa độc tố, trong đó hơn 10 người đã tử vong. Với những loại rượu được ngâm tẩm những chất độc hại thì sức đề kháng của cơ thể không thể chịu đựng được.
Vừa qua, 16.000 chai rượu thành phẩm kém chất lượng cùng 30.000 chai rượu chưa dán nhãn mác tại xưởng sản xuất của công ty TNHH nông sản thực phẩm HANOSA tại tổ 4, phường La Khê, quận Hà Đông, HN đã bị Cục Cảnh sát Môi trường phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường và Phòng Cảnh sát môi trường Hà Nội phát hiện.
Tại công ty này, họ mua chai từ đội quân đồng nát và các cửa hàng phế liệu, sau đó được xúc, rửa bằng tay rồi sản xuất bằng các công cụ thô sơ thành các loại rượu bán ra thị trường. Công thức pha chế gồm: cồn, hương liệu, đường hoà với nước, nhiên liệu mua từ nguồn trôi nổi ngoài thị trường không có bao bì, nhãn mác, không được kiểm định chất lượng VSATTP. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép sản xuất các loại rượu, giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.
Và không hiểu sẽ còn bao nhiêu vụ ngộ độc xảy ra với những nhãn rượu Champions, vang nổ, vang đào, lúa nếp, rượu Vodka, vang nho kém chất lượng bán ra thị trường làm hại tới người sử dụng?
(Theo Nguyệt Ánh // VTV Đài truyền hình Việt Nam)