Hỏi: Gần đây nghe nói có loại vắc-xin tiêm phòng ung thư cổ tử cung, đạt hiệu quả 100%. Đối tượng nào cần tiêm phòng, bác sĩ có thể cho biết thêm thông tin?
VÕ THỊ LIỄU(Phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa)
Trả lời: Ung thư cổ tử cung là loại ung thư mà phụ nữ Việt Nam hay mắc nhất; trong đó khoảng 70% số trường hợp là do virus HPV (Human papilloma virus) - loại virus gây mụn cơm, mụn cóc và các sùi mào gà ở da, dương vật, âm hộ, hậu môn... Có hơn 100 chủng HPV, khoảng 13 chủng trong số đó được xác định có liên quan đến khả năng gây ung thư. Không phải ai nhiễm các chủng HPV “độc” cũng bị ung thư cổ tử cung. Bệnh này thường xuất hiện khi có thêm các yếu tố nguy cơ như: quan hệ tình dục sớm, nhiều bạn tình, viêm nhiễm đường sinh dục, suy giảm miễn dịch, sinh đẻ nhiều, nạo hút hay sẩy thai nhiều lần, hút thuốc lá (chủ động hay thụ động)... Theo điều tra của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, tỉ lệ nhiễm HPV của phụ nữ toàn cầu dao động trong khoảng 9-13%, nghĩa là cứ 10 phụ nữ thì một bị nhiễm HPV. Tuy nhiên, chỉ một tỉ lệ nhỏ có thể tiến triển đến ung thư. Quá trình tiến đến ung thư được chia ra làm 4 giai đoạn chính như sau: Giai đoạn 1 là bị nhiễm HPV: Ở độ tuổi đôi mươi (hay khi mới có quan hệ tình dục), khoảng 60% đến 80% phụ nữ bị nhiễm virút HPV, nhưng sau 24 tháng chỉ còn 9% tiếp tục bị nhiễm HPV. Giai đoạn 2 là tiền ung thư: Vẫn chưa thể gọi là mắc bệnh ung thư. Chỉ có khoảng 10% phụ nữ bị nhiễm HPV (giai đoạn 1) trở thành tiền ung thư; khoảng 12% sau đó sẽ phát triển thành ung thư chưa di căn (giai đoạn 3). Giai đoạn 3: Ở giai đoạn này, tế bào có dấu hiệu ung thư nhưng chỉ giới hạn trong cổ tử cung, do đó nếu phát hiện và điều trị sớm có thể đem lại kết quả khả quan. Một số trường hợp ung thư cổ tử cung ở giai đoạn này cũng không phát triển thêm, và một số trường hợp thì bệnh tự nhiên biến mất! Giai đoạn sau cùng là ung thư di căn, tức tế bào ung thư xâm lấn sang các cơ quan, bộ phận khác. Nhưng chỉ khoảng 1% trường hợp từ giai đoạn 2 phát triển thành loại ung thư nguy hiểm ở giai đoạn cuối này. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là virus nên ung thư cổ tử cung có thể dự phòng bằng văc-xin (2 loại vắc-xin hiện được lưu hành tại Việt Nam là Gardasil và Cervarix). Các vắc-xin đã được dùng ở nhiều nước với hiệu quả ngăn ngừa khoảng 70% giai đoạn tiền ung thư, nhưng giá thành khá cao (khoảng 1-3 triệu đồng cho 3 mũi tiêm, khuyến cáo tiêm cho nữ từ 10-25 tuổi). Tuy nhiên, việc sử dụng văc-xin không thể thay thế các biện pháp phòng ngừa khác như: vệ sinh tình dục (không quan hệ tình dục sớm, giảm số bạn tình), khám phụ khoa định kỳ. Phụ nữ đã có quan hệ tình dục nên làm xét nghiệm phiến đồ âm đạo hằng năm hay tối thiểu 3 năm một lần, nhất là với người ngoài 35 tuổi. BS ĐOÀN VĂN HẢI
(Theo Phú Yên Online)