Khi bé bệnh, là bậc cha mẹ chắc hẳn ai cũng 1 lần phải vật lộn để cho bé uống được thuốc
Thật khó khăn khi phải thuyết phục chúng uống thuốc: Phải nghiền viên thuốc, rồi trộn thêm đường và nước. Nhưng chúng vẫn không chịu uống, hoặc chỉ hấp thu được một phần nhỏ, dẫn đến không đủ liều, ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
Vì những lẽ đó, thuốc sủi đã ra đời. Trong viên thuốc này, ngoài thành phần chính là dược chất còn có nhiều chất khác không có tác dụng điều trị mà giới chuyên môn gọi là tá dược. Trong các tá dược có chất tạo sủi natri bicacbonat có tính kiềm.
Khi gặp chất có tính axít như vitamin C (axít ascorbic) hòa trong nước, nó sẽ tạo phản ứng hóa học, trở thành muối ăn và các bọt khí CO2. Trong viên thuốc sủi còn có các chất tạo màu và tạo hương như hương chanh, cam, với mục đích tạo thành một thứ đồ uống giải khát thông thường, có đường để tạo vị ngọt.
Nhưng đã là thuốc thì không sao tránh khỏi các tác dụng không mong muốn, vì vậy khi dùng thuốc sủi, cần lưu ý đây là dạng thuốc phải giữ nguyên vẹn viên, thậm chí phải bảo quản thật tốt để tránh thuốc hút ẩm, chỉ uống sau khi hòa tan trong lượng nước vừa đủ để sủi bọt hết hoàn toàn. Không bao giờ được bẻ nhỏ viên sủi bọt hoặc bỏ nguyên viên vào miệng cho bé uống. Không dùng viên thuốc sủi sau khi đã uống các loại nước giải khát có gas.
(Bác sĩ Nguyễn Văn Tân Minh - Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM)
(Nguoilaodong Online)