Tôi 56 tuổi, thỉnh thoảng trên hai cánh tay và đùi xuất hiện những vết bầm đen, một thời gian biến mất và xuất hiện lại. Vậy tôi có cần điều trị bằng thuốc không? Tôi thực sự không biết là tôi bị bệnh gì
- Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Văn Út, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM, trả lời: Bầm máu là hiện tượng xảy ra khi các mạch máu nhỏ bị tổn thương và vỡ ra do các va chạm. Càng về già bầm máu càng dễ xảy ra hơn và lan rộng hơn ngay cả với các va chạm rất nhỏ hay cả khi không có va chạm do khi về già, mạch máu cũng trở nên giòn và dễ vỡ.
Tình trạng này không cần điều trị gì vì cơ thể sẽ tự động tái hấp thu máu và vết bầm sẽ tự động biến mất sau 2-3 tuần, đối với người già có thể lâu hơn trong vài tuần hay vài tháng. Để quá trình này diễn ra nhanh hơn, có thể chườm đá lên vùng da bị bầm khoảng 20 phút và nâng vùng bị bầm da lên cao hơn tim trong ngày đầu để tránh viêm và sưng.
Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến sự đông máu và làm dễ bầm hơn, ví dụ: các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid như aspirin... hay các thuốc chống đông máu như warfarin có thể làm bầm máu nặng hơn. Do đó nếu nghi ngờ các thuốc bạn đang uống có thể làm bầm máu nặng hơn thì hãy hỏi bác sĩ điều trị hay dược sĩ, nhưng lưu ý một điều là không được ngưng dùng thuốc đang được kê toa mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
Ngoài ra có một số bệnh lý có thể dễ gây ra bầm máu như bệnh bạch cầu, tiểu cầu, các bệnh lý ở gan gây rối loạn các yếu tố đông máu như xơ gan... Nếu tình trạng bầm máu diễn ra thường xuyên và lan rộng, bạn nên đến bác sĩ để được khám kỹ hơn.
(Theo Nguoilaodong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |