Methanol tức rượu methyl, là một chất cồn, có công thức hóa học là CH3OH, không màu, dễ cháy, dễ tan trong nước. Trong đời sống, methanol thường được dùng trong công nghiệp để làm chất chống đông lạnh, làm dung môi trong nước rửa kính xe, chất tẩy rửa sơn, mực in máy photo và làm nhiên liệu cho các bếp lò nhỏ…
Methanol gây độc cho cơ thể ra sao?
Nhiễm độc methanol qua đường uống rất hiếm gặp vì methanol là một chất cồn công nghiệp, không phải là loại cồn thực phẩm. Nhiễm độc xảy ra là do người kinh doanh vì hám lợi, đã chủ động pha chế rượu bằng cồn công nghiệp do giá rất rẻ. Methanol có trong rượu cũng có thể do nội sinh do người ta dùng các thùng gỗ để chứa rượu tự nấu nhưng khả năng này rất ít gặp.
Bản thân methanol là một chất có độc tính thấp nhưng khi được đưa vào cơ thể nó sẽ được chuyển hóa thành acid formic có độc tính rất cao. Chính acid formic là nguyên nhân gây nên tình trạng toan chuyển hóa (nhiễm acid) và mù lòa, những tổn thương đặc trưng của nhiễm độc methanol. Liều lượng methanol gây mù lòa và gây chết được báo cáo là < 0.1 ml/kg (ATSDR 1993).
Sau khi được đưa vào cơ thể, methanol được oxy hóa tạo nên formaldehyde, chất này lại tiếp tục được ôxy hóa tạo nên acid formic (hoặc formate, tùy theo độ PH). Cuối cùng acid formic được chuyển hóa thành C02 và nước, hai chất này được thải qua phổi và thận. Quá trình oxy hóa xảy ra nhanh chóng khiến acid formic tích tụ trong huyết thanh.
Sự tích tụ của acid formic trong huyết thanh gây nên tình trạng toan chuyển hóa. Sự chuyển hóa methanol và tích tụ acid formic bên trong võng mạc mắt gây tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác dẫn đến mù lòa.
Nhiễm độc methanol có những biểu hiện gì?
Biểu hiện của nhiễm độc methanol xuất hiện sau 18 - 24 giờ sau khi uống phải hóa chất này, bao gồm các biểu hiện tương tự như khi uống quá nhiều rượu như: buồn ngủ, lú lẫn, mất điều hòa vận động, nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng kèm với các biểu hiện rối loạn thị giác từ nhìn mờ đến không nhìn thấy hoàn toàn. Trường hợp nhiễm độc nặng sẽ có dấu hiệu thở nhanh, hôn mê, suy thở, tụt huyết áp nặng, ngưng tim và có thể tử vong.
Nhiễm độc methanol được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Việc chẩn đoán nhiễm độc methanol tương đối khó vì phải dựa vào các biểu hiện lâm sàng, bệnh sử và các xét nghiệm mà thường thì bệnh nhân không biết rằng mình đã uống phải methanol.
Người bị nhiễm độc methanol sẽ được điều trị theo 3 mục tiêu chính: xử lý tình trạng nhiễm toan chuyển hóa, ức chế sự chuyển hóa methanol, tăng cường đào thải những hợp chất chưa chuyển hóa cùng những chất chuyển hóa độc hại đối với cơ thể. Ngoài ra các thầy thuốc sẽ còn phải tiến hành bù nước điện giải, bảo đảm các rối loạn nặng về thần kinh và tim như tụt huyết áp, co giật.
Cần lưu ý rằng việc điều trị nhiễm độc methanol chỉ thành công khi người bệnh đến sớm, được chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời kèm theo các cơ sở y tế phải có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu như máy lọc thận nhân tạo, điều kiện tốt về hồi sức và có chất kháng độc.
(Theo báo đà nẵng)