Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Máy tính bảng siêu rẻ

Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ Kapil Sibal và nguyên mẫu của chiếc máy tính bảng giá 35 đô-la.

Ấn Độ vừa giới thiệu nguyên mẫu của một thiết bị trông giống chiếc máy tính bảng iPad của Apple, nhưng có giá rẻ hơn đến 14 lần. Nếu Chính phủ Ấn Độ có thể tìm được nhà sản xuất cho thiết bị này, đây sẽ là sản phẩm mới nhất trong chuỗi những phát minh “rẻ nhất thế giới” của nước này, như xe hơi Nano 2.127 đô-la Mỹ hoặc máy lọc nước 16 đô-la.

Mẫu máy tính bảng giá 35 đô-la này nhằm vào đối tượng sử dụng chính là sinh viên và được kỳ vọng sẽ được sản xuất hàng loạt vào năm 2011. Thiết bị có thể được dùng cho những chức năng như xử lý văn bản, đọc tập tin PDF, duyệt web và hội thảo qua video. Ngoài ra, máy còn có tùy chọn chạy bằng năng lượng mặt trời – một yếu tố quan trọng ở một đất nước đang thiếu năng lượng như Ấn Độ – dù sự bổ sung này sẽ làm tăng giá thành thiết bị.

Giá sẽ chỉ còn 10 đô-la?

Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ Kapil Sibal cho biết mẫu máy tính bảng nói trên dự kiến sẽ được giới thiệu cho các cơ sở giáo dục ở Ấn Độ từ năm 2011. Trong tương lai, nước này có kế hoạch trợ giá cho việc sản xuất để phổ biến thiết bị cho sinh viên, qua đó đưa giá bán xuống còn khoảng 20 đô-la. Thậm chí, ông Sibal hy vọng giá thành của máy có thể giảm xuống còn 10 đô-la – một mức giá thấp đến khó tin.

Dự án nói trên nằm trong một chương trình sáng kiến công nghệ giáo dục đầy tham vọng của Chính phủ Ấn Độ, trong đó đặt mục tiêu đưa kết nối băng thông rộng tới 25.000 trường cao đẳng và 504 trường đại học, đồng thời giúp đưa nội dung các chương trình giảng dạy lên Internet. Theo Bộ Phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ, đến nay đã có gần 8.500 trường cao đẳng được kết nối và gần 500 khóa học dựa trên video được tải lên trang web YouTube và những cổng khác.

Tại cuộc họp báo giới thiệu thiết bị, ông Sibal cho biết: “Đây là câu trả lời của chúng tôi cho máy tính xách tay 100 đô-la của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT)”. Vào năm 2005, ông Nicholas Negroponte – người đồng sáng lập bộ phận Media Lab của MIT – giới thiệu nguyên mẫu của chiếc máy tính xách tay 100 đô-la dành cho trẻ em ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, trong thực tế thì mẫu máy tính nói trên hiện có giá khoảng 200 đô-la. Vào tháng Năm vừa qua, tổ chức phi lợi nhuận Laptop Per Child (OLPC) của ông Negroponte tiếp tục công bố kế hoạch tung ra một mẫu máy tính bảng cơ bản có giá 99 đô-la.

Dấu hỏi về chất lượng

Về phần mình, Ấn Độ từ năm năm trước đã xem chiếc máy tính xách tay 100 đô-la của OLPC là “vẫn còn quá đắt” nên họ bắt tay phát triển một mẫu máy rẻ hơn cho riêng mình. Sau khi nhận được phản ứng “thờ ơ” từ những công ty tư nhân, ông Sibal quyết định chuyển sang tìm kiếm sự hỗ trợ của sinh viên và giáo sư tại các trường đại học danh tiếng của Ấn Độ. Chiếc máy tính bảng 35 đô-la là thành quả của sự hợp tác giữa một số học viện công nghệ hàng đầu ở nước này, như Viện Công nghệ Ấn Độ, Viện Khoa học Ấn Độ…

Mamta Varma, người phát ngôn của Bộ Phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ, cho biết thiết kế thông minh của máy và sự sụt giảm giá của phần cứng khiến cho mức giá nói trên là khả thi. Máy được thiết kế theo hướng cắt giảm đáng kể chi phí phần cứng, như dùng thẻ nhớ thay đĩa cứng. Ngoài ra, việc sử dụng phần mềm nguồn mở, như hệ điều hành Linux, cũng góp phần hạ giá thành sản phẩm. Cũng theo cô Varma, một số nhà sản xuất toàn cầu, trong đó có ít nhất một công ty từ Đài Loan, đã quan tâm đến việc sản xuất thiết bị nhưng chưa có cuộc thỏa thuận về sản xuất hoặc phân phối nào đạt được. Cô cũng từ chối tiết lộ danh tính những công ty này.

Bà Sarah Rotman Epps, nhà phân tích của công ty Forrester Research, nhận định: “Tùy thuộc vào chất lượng vật liệu được sử dụng, mức giá này chắc chắn là khả thi. Vấn đề đặt ra là liệu thiết bị có đủ tốt cho sinh viên sử dụng”. Ngoài vấn đề chất lượng, thiết bị còn phải đối mặt với không ít trở ngại trước khi đến tay người sử dụng. Chuyên gia giáo dục người Ấn Độ Zubin Malhotra nhận định: “Đây chỉ mới là một nguyên mẫu. Chúng ta cần phải tìm ra được ai đó sẽ sản xuất thiết bị ở mức giá thấp nói trên”.

Theo bà Epps, nếu Chính phủ Ấn Độ có những chính sách trợ giá đối với thiết bị, họ có thể thuyết phục một nhà sản xuất nào đó tham gia dự án. Bà Epps cũng dự đoán rằng nếu dự án này hoạt động được, nó sẽ phát đi một thông điệp về chi phí đến ngành công nghiệp máy tính. Bà nói: “Nó sẽ gây áp lực lên tất cả các nhà sản xuất để họ không ngừng nỗ lực đổi mới và giảm giá thành thiết bị”.

(Theo // Thời báo kinh tế Sài Gòn // Network)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Giảm giá cực sốc hè 2013 tại Vincom Center Bà Triệu
  • Rầm rộ khuyến mãi 2/9
  • BigC giảm giá tới 50% hơn 1.300 sản phẩm
  • Thoả sức mua sắm với “crazy sale” tại Vincom Center
  • Hà Nội: Đăng ký Internet được dùng miễn phí MyTV và điện thoại cố định
  • Rầm rộ khuyến mãi "khủng" dịp 30/4
  • Vietnam Airlines bán giá siêu khuyến mại 3 ngày cuối tháng 4
  • Bay giữa TP.HCM, Vinh, Hải Phòng chỉ từ 650.000 đồng