Chị Nguyễn Thu Hiền, nhân viên bán hàng tại Media Mart Việt Nam cho biết, từ đầu tuần đến nay, giá tivi LCD loại 32 inch đến 37 inch liên tục tăng, có khi một ngày, một chiếc tivi loại này được thay giá đến ba đến bốn lần.
Chiều 17/1, hầu hết sản phẩm này tiếp tục tăng giá lên 25 – 40% so với buổi sáng. Như giá tivi Sony 32T400A buổi sáng là 9,99 triệu đồng, sang buổi chiều vọt lên 10,99 triệu đồng. “Nếu chần chừ, không mua ngay thì giá còn tăng nữa, có khi lại hết hàng”, chị Hiền thúc giục.
Anh Thành Lợi, nhà ở Linh Đàm, Hà Nội, đang nhắm chiếc LCD 37LG660UR tại Media Mart tỏ ra sốt ruột khi nghe nhân viên trên nói sắp hết hàng. Giá chiếc tivi này tại Media Mart vào lúc 16h ngày 16/1 là 14, 6 triệu đồng. Thấy giá quá cao so với mức cũ, anh Thành liền tìm trên mạng và thấy cửa hàng Tiến Thành bán với giá 13.990.000 đồng.
Liền sau đó, anh Thành phát hiện ra một điều thú vị là mức chênh lệnh của cùng một sản phẩm tại các cửa hàng khác nhau có khi lên đến hơn 4 triệu đồng. Chẳng hạn, chiếc tivi hiệu 32LG60UR tại Media Mart có giá 9,92 triệu đồng, nhưng tại Tiến Thành thì nó vọt lên 13,99 triệu đồng. Ngoài Tiến Thành và Media Mart, giá niêm yết của loại tivi LCD này còn “muôn màu muôn vẻ” tại các điểm phân phối lớn khác như Pico Plaza (đường Nguyễn Trãi), Nguyễn Kim (phố Tràng Thi), Best Carings (Vincom Tower).
Theo anh Bằng, Phụ trách kinh doanh Siêu thị điện máy Nguyễn Kim, các đại lý, cửa hàng điều chỉnh giá sản phẩm dựa vào lượng hàng còn trong kho và nhu cầu người mua. Hàng dự trữ càng ít thì giá sản phẩm càng có nguy cơ tăng cao. Đây là lý do làm nên độ chênh lệch giá của cùng một loại sản phẩm.
Anh Đặng Đức Quang, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Thắng Lợi Việt Nam (VVC) cho biết, một trong những nguyên nhân khiến tivi LCD khan hàng là do đa số doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đều dự đoán năm nay mãi lực sụt giảm nên chỉ sản xuất và nhập hàng cầm chừng. Hơn nữa, mọi năm thường vào cận Tết là mặt hàng điện máy khuyến mãi khá “rầm rộ”, nhưng năm nay, sát tết rồi mà người tiêu dùng chưa thấy giảm thêm nên quyết định mua. Lượng cầu tăng “đột biến” trong khi nguồn cung hạn chế đã kéo giá mặt hàng này lên không ngờ.
Theo anh Quang, từ giờ đến hết Tết, VVC sẽ không sản xuất thêm bất kỳ sản phẩm tivi LCD nào để cung ứng ra thị trường. Hiện tại, lượng hàng tivi LCD đang có sẵn tại VVC vẫn đủ cung cấp cho thị trường đến hết Tết, nhưng với số lượng hạn chế hơn. “VVC có hơn 20 đại lý tại Hà Nội. Nếu như ngày thường, mỗi đợt chúng tôi cung cấp 100 chiếc LCD cho các đại lý trên thì bây giờ, chúng tôi chỉ có thể cung cấp được một phần năm số lượng này”, anh Quang nói.
Trưởng phòng kinh doanh VVC Đặng Đức Quang cho hay, công ty đã gửi thông báo đến tất cả điểm phân phối sản phẩm của VVC, yêu cầu không nên tăng giá hàng hóa bất thường. “Tuy nhiên, chúng tôi không quản lý được việc này và không chịu trách nhiệm về các hành vi trên”, anh Quang nói.
Đại diện Công ty điện tử Hà Nội (Hanel) cho biết, rất khó nhận định giá sản phẩm này thời gian tới sẽ tăng hay giảm. Hiện nhu cầu của người dân vẫn “nóng”, nếu thời gian tới, thị trường có thêm nguồn cung thì giá cả có thể “dịu” bớt đôi chút, nhưng rất khó lùi về mức “mềm” như hồi tháng 12 và đầu tháng 1 trước đó.