Tại tuần lễ Thời trang New York vừa diễn ra trong tháng 9 và tiếp tục trong suốt các tháng sau ở London (Anh), Paris (Pháp) và Milan (Ý), người mua sắm chỉ cần ở bên bàn phím là có một chỗ ngồi ở hàng ghế đầu.
“Khán giả” có thể đặt mua sản phẩm trên sàn diễn.
Hãng thời trang Gucci sẽ cho khán giả đăng ký xem buổi diễn online, và sử dụng webcam video như thể đang vào trang mạng xã hội YouTube, còn nhà thiết kế Alexander Wang sẽ chiếu chương trình của mình trên một “màn hình động” ở Manhattan. Một bước tiến xa hơn của hãng thời trang Anh Burberry: không chỉ chiếu trực tiếp sàn diễn từ London, mà còn cho phép bất cứ ai có máy tính và thẻ tín dụng có thể đặt hàng trong khi người mẫu còn bước trên sàn diễn.
Theo James Gardner, nhà sáng tạo và giám đốc điều hành Createthe Group, phụ trách thời trang cho Marc Jacobs và Burberry: “Công nghệ cho phép người mua sắm đi sâu hơn là khán giả đang ngồi ở hàng ghế đầu. Họ có thể cho sản phẩm vào xe đẩy của mình, trả bằng thẻ tín dụng và kiểm tra trước khi buổi trình diễn kết thúc”.
Các nhà thiết kế vốn ngại công nghệ và thương mại điện tử, giờ đây sử dụng công nghệ để thúc đẩy đà mua sắm. Marc Jacobs, Oscar de la Renta và hơn 40 nhà thiết kế khác đang chiếu các buổi diễn thời trang trên các trang Facebook và các trang web thời trang như Style.com.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rủi ro khi tiếp cận công nghệ. Điều quan trọng nhất là các nhà thiết kế có thể xa cách người mua chuyên nghiệp tại các cửa hàng bán lẻ, nhất là khi sản phẩm luôn sẵn có để mua qua mạng ngay tức khắc.
Burberry hứa với người đặt hàng các sản phẩm đang biểu diễn – áo khoác, mỹ phẩm và phụ kiện – rằng họ sẽ nhận hàng trong vòng bảy tuần, trong khi khoảng thời gian thông thường từ sàn diễn đến cửa hàng từ 4 – 6 tháng.
( Theo VÕ PHƯƠNG // Báo SG Tiếp Thị Online )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |