Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dán nhãn hợp quy: nơi làm, nơi không

Từ 16-9, tất cả các sản phẩm đồ chơi trẻ em phải có dấu CR khi bán trên thị trường. Anhr: Minh Tâm

Hết ngày 15-9, mặt hàng đồ chơi trẻ em và sáu loại thiết bị điện, điện tử sẽ phải có nhãn hợp quy (CR) theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã được Bộ Khoa học và Công nghệ quy định khi bán trên thị trường. Khảo sát thị trường cho thấy, việc dán nhãn hợp quy cho sản phẩm vẫn chưa đồng đều, nơi chấp hành tốt, nơi phớt lờ...

Theo quy định, từ ngày 16-9, cơ quan chức năng có quyền tịch thu các sản phẩm không đáp ứng quy định.

Mỗi nơi mỗi kiểu

Có mặt tại các khu vực chuyên kinh doanh sỉ đồ chơi trẻ em trên địa bàn TPHCM là đường Ngô Nhân Tịnh, quận 6; đường Kim Biên (hông chợ Kim Biên), quận 5…, PV ghi nhận hàng loạt sản phẩm không hề có dấu CR, thậm chí không có nhãn phụ tiếng Việt về tên doanh nghiệp nhập khẩu, tên mặt hàng. Đặc biệt, tất cả các loại lồng đèn nhựa chạy pin do Trung Quốc sản xuất đang được bày bán tràn ngập vào mùa Trung thu cũng không hề có dấu CR.

Chủ cửa hàng số 139 Ngô Nhân Tịnh, quận 6 nói rằng, đồ chơi trẻ em có hàng trăm, hàng ngàn món, từ nhỏ tới lớn nên khó lòng đem đi kiểm nghiệm để chứng nhận hợp quy.

Ông Hoàng Lâm, Phó giám đốc Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) trả lời bạn đọc trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã thừa nhận, năm nay có rất ít lô hàng là đồ chơi trẻ em được đăng ký chứng nhận hợp quy. “Khác với mọi năm, khi đến mùa Trung thu là chúng tôi phải làm việc rất vất vả để đáp ứng yêu cầu” - ông Lâm nói.

Trong khi đó, đại diện các siêu thị thuộc Saigon Co.op, Big C khẳng định, tất cả các loại đồ chơi trẻ em bày bán tại đây đã có nhãn CR từ lâu. Theo các siêu thị, họ đã đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà phân phối thực hiện sớm các quy định. “Nếu không có đủ chứng từ, đảm bảo các yêu cầu của cơ quan quản lý, chúng tôi kiên quyết không lấy hàng” - đại diện Co.opMart cho hay.

Ở mặt hàng thiết bị điện, điện tử bao gồm dụng cụ điện đun nước nóng tức thời, dụng cụ điện đun nước và chứa nước nóng, máy sấy tóc và các dụng cụ làm đầu khác, ấm đun nước, nồi cơm điện, quạt điện, tình hình cũng tương tự. Ghi nhận tại chợ Dân Sinh, quận 1, nơi chuyên bán đồ điện, điện tử, rất nhiều hàng ở đây chưa hề có dấu hợp quy. Ngược lại, nhiều cửa hàng, siêu thị điện máy lại hoàn thành xong việc dán nhãn cho sản phẩm.

Mới chỉ các siêu thị điện máy, cửa hàng lớn chấp hành quy định dán nhãn CR cho sáu loại thiết bị điện như dụng cụ điện đun nước tức thời, máy sấy tóc... Ảnh: Minh Tâm

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Logistics, Công ty TNHH điện tử SHARP (Việt Nam) khẳng định với PV rằng, tất các các mặt hàng do SHARP Việt Nam nhập khẩu đều đã được chứng nhận hợp quy, có tem CR, bao gồm cả hàng đã nhập từ trước và hàng mới nhập. Ông Tuấn cho biết, trên cơ sở số liệu hàng tồn các đại lý cấp 1, 2 báo về, đơn vị này đối chiếu với hóa đơn mua hàng để xuất tem cho đại lý tự dán. Quá trình dán sẽ được người của công ty giám sát nhằm đảm bảo đúng chủng loại, đúng hàng của SHARP xuất ra.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, số lượng hàng tồn tại các đại lý là khá lớn nên việc thực hiện của những đơn vị này có những khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, các đại lý ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, kiến thức pháp lý có giới hạn nên có thể chưa thực hiện tốt quy định.

Ông Lâm của Quatest 3 nhận định, sở dĩ trên thị trường vẫn còn nhiều sản phẩm chưa có dấu CR vì đó là hàng trôi nổi, không rõ xuất xứ, hàng hóa đã được đưa ra thị trường tiêu thụ trước thời điểm 15-4 hay 1-6 (thời điểm chưa có quy định bắt buộc mang dấu hợp quy CR đối với đồ chơi trẻ em và sáu thiết bị điện); hoặc hàng hóa mới đưa ra thị trường nhưng bằng cách bất hợp pháp, vượt qua hàng rào kiểm soát và lợi dụng lúc giao thời để trốn tránh trách nhiệm.

Tạm giữ hàng không có dấu CR

Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Dương Công Khanh, Trưởng phòng nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết theo nguyên tắc, sau ngày 15-9, tất cả các sản phẩm đồ chơi trẻ em và sáu loại thiết bị điện, điện tử trong danh mục nếu không có dấu CR sẽ bị cơ quan QLTT tạm giữ. Theo ông Khanh, quy định chỉ cho phép cơ quan QLTT tạm giữ hàng vi phạm. Khi chủ hàng cung cấp được chứng từ, tem CR hoặc xét nghiệm không cho kết quả độc hại sẽ được nhận hàng về, đóng phạt 10 - 15 triệu đồng. “Chỉ trường hợp hàng có độc tố mới được tiêu hủy” - ông Khanh nói.

Trong thời gian qua, Chi cục QLTT TPHCM cũng đã tiến hành kiểm tra nghiệp vụ ở mặt hàng đồ chơi trẻ em và phát hiện nhiều vi phạm. Riêng trong ngày 15-9, đơn vị này đã kiểm tra đồng loạt tại 9 cửa hàng, công ty, nhà kho kinh doanh đồ chơi trẻ em trên địa bàn quận 5, 6, 10, 11. Kết quả, lực lượng chức năng tạm giữ 5.700 đơn vị hàng và 20 thùng niêm phong chưa thống kê số lượng. Trong số này, theo ông Khanh, có 1.000 sản phẩm là súng nhựa thuộc danh mục hàng hóa cấm bán; số còn lại là không có chứng từ, hóa đơn, đồng nghĩa không có dấu CR.

Ông Tuấn của SHARP Việt Nam nói rằng, việc dán tem hợp quy cho sản phẩm sẽ góp phần ngăn chặn được hàng lậu, hàng trôi nổi vốn khá phức tạp trên thị trường hiện nay.

Người tiêu dùng sử dụng quyền của mình

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng lại tỏ ra lo lắng, việc loại bỏ các sản phẩm không đạt chuẩn hợp quy khỏi thị trường không hề dễ dàng. Nguyên nhân là cơ quan chức năng khó lòng kiểm tra, kiểm soát được tất cả các mặt hàng.

Theo một chuyên gia trong ngành, nếu cơ quan chức năng không kiểm soát chặt thì những sản phẩm dù đã kiểm định không đạt quy chuẩn vẫn có thể tuồn bán ra thị trường. Hiện nay, quy định cho phép doanh nghiệp có thể tự in tem dán lên sản phẩm đã được chứng nhận hợp quy. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em dù chưa được chứng nhận nhưng họ vẫn ngang nhiên tự in tem, tự dán.

Người tiêu dùng sử dụng quyền lực để bảo vệ con em. Ảnh: Minh Tâm

Bên cạnh đó, sản phẩm có tem hợp chuẩn không đồng nghĩa với việc hoàn toàn đạt chất lượng. Có những doanh nghiệp dù có mẫu thử nghiệm đạt yêu cầu nhưng khi đánh giá quy trình sản xuất lại không đủ tiêu chuẩn. Chưa hết, chính các cơ quan chứng nhận nhiều lúc còn mâu thuẫn nhau khi cùng một sản phẩm nhưng đơn vị này chứng nhận không đạt nhưng lại được đơn vị khác đánh giá đạt.

Vì vậy, theo ý kiến của ông Lâm ở Quatest 3, tốt nhất là người tiêu dùng nên sử dụng quyền của mình, không mua các loại hàng hóa chưa có đủ bằng chứng về sự phù hợp. Điều này sẽ giúp thanh lọc thị trường và bắt buộc nhà sản xuất kinh doanh phải ý thức về việc thực hiện quy định của Nhà nước.

(Theo Minh Tâm // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Giảm giá cực sốc hè 2013 tại Vincom Center Bà Triệu
  • Rầm rộ khuyến mãi 2/9
  • BigC giảm giá tới 50% hơn 1.300 sản phẩm
  • Thoả sức mua sắm với “crazy sale” tại Vincom Center
  • Hà Nội: Đăng ký Internet được dùng miễn phí MyTV và điện thoại cố định
  • Rầm rộ khuyến mãi "khủng" dịp 30/4
  • Vietnam Airlines bán giá siêu khuyến mại 3 ngày cuối tháng 4
  • Bay giữa TP.HCM, Vinh, Hải Phòng chỉ từ 650.000 đồng