Nhiều mặt hàng sản xuất trong nước hiện nay cũng bị làm giả. (Ảnh chỉ có tính minh họa) |
98% người tiêu dùng (NTD) lo sợ mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng quá hạn sử dụng là kết quả từ một cuộc nghiên cứu hành vi tiêu dùng do báo Sài Gòn Tiếp Thị thực hiện trong tháng 6-2010.
Lo mua phải hàng giả, hàng nhái Tình trạng hàng giả, hàng nhái hiện nay có một số đặc điểm khác so với trước đây. Thường thì các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài mới bị làm hàng giả, hàng nhái, nhưng nay các mặt hàng sản xuất trong nước, nhất là hàng đã có thương hiệu, cũng bị làm giả tràn lan. Đặc biệt trong ngành hàng dệt may, chị Hương - tiểu thương chợ An Đông cho biết: “Hàng giá rẻ nhập từ Trung Quốc chỉ cần thay nhãn made in Viet Nam sẽ bán chạy hơn. Chi phí thay nhãn không bao nhiêu, chỉ với khoảng 50.000 đồng là đã có thể sở hữu 1.000 nhãn mác made in Vietnam loại thông thường. Ngoài ra nếu mua số lượng lớn thì có thể đặt gia công trực tiếp tại Quảng Châu luôn, khỏi cần thay nhãn mác!“. Thực tế này khiến người tiêu dùng khó có thể kiểm chứng nguồn gốc hàng hóa từ đâu, cứ yên tâm rằng mình đang dùng hàng nội chính hiệu! Khi dùng rồi thấy chất lượng quá kém lại bực dọc, không muốn dùng nữa và thông tin cho những người thân biết để mà tránh… Đó cũng là tâm lý và hành vi phổ biến của 80% NTD mà nhóm nghiên cứu thu nhận được. Kết quả là các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính cũng phải chịu hậu quả lan truyền. Một doanh nghiệp trong ngành túi xách cho biết thời gian xuất hiện hàng giả, hàng nhái bây giờ cũng nhanh hơn nhiều. Nếu trước đây, sau khi doanh nghiệp cho ra đời sản phẩm mới phải trên nửa năm sau mới có hàng giả, hàng nhái, thì nay có khi chỉ khoảng nửa tháng là hàng giả, hàng nhái đã xuất hiện ngoài thị trường. Mua phải hàng giả, hàng dỏm, hàng nhái đã trở thành nỗi lo thường trực của NTD vì theo như anh Nguyễn Xuân Hiếu (NTD tham gia phỏng vấn sâu trong nhóm nghiên cứu) cho biết: “Nhiều khi chúng tôi không biết tin vào đâu vì đến cả "tem chống hàng giả" cũng bị làm nhái, làm giả. Khi có sự cố, không biết kêu ai. Doanh nghiệp thì thờ ơ, cơ quan quản lý thì dửng dưng. Vì vậy, phải tự thân tích lũy kinh nghiệm để chọn lựa”. Tình trạng trên phát triển do nhiều nguyên nhân, không chỉ do bản thân những kẻ làm hàng giả, hàng nhái hám lợi, mà còn liên quan đến các chủ thể trên thị trường, đó là các doanh nghiệp, người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhà nước. Các doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, làm nhái nhiều khi không muốn, không dám công bố ồn ào, do sợ nếu công bố thì sản phẩm của mình cũng sẽ không tiêu thụ được. Người tiêu dùng khi phát hiện được thì không biết kiện thưa ở đâu, đôi lúc vì sĩ diện đành "ngậm bồ hòn làm ngọt". Các cơ quan quản lý nhà nước, tuy đã có Luật Sở hữu trí tuệ nhưng việc hướng dẫn thi hành còn quá chậm, việc thực thi của các ngành, các cấp còn chưa được quan tâm. Sợ hàng kém an toàn Cuộc điều tra hành vi tiêu dùng cũng ghi nhận mối lo ngại về tính an toàn của sản phẩm luôn thường trực đến hầu hết mọi gia đình trong mẫu nghiên cứu. 96,5% sợ mua phải sản phẩm không an toàn, độc hại (bảng 1). Bảng 1: Lo ngại rủi ro trong tiêu dùng Chính vì thế mà trong các tiêu chí chọn mua các mặt hàng thường xuyên, kết quả điều tra cho thấy các yếu tố an toàn vệ sinh được quan tâm cao nhất, chiếm 4,7 trên 5 điểm (bảng 2), kế đến là yếu tố dễ sử dụng – tiện lợi, rồi mới đến giá cả. Điều này được phản ánh rất rõ qua thực tế gần đây, cả tháng nay, tình trạng ế ẩm thịt heo ở các chợ tăng theo liều lượng thông tin các báo đưa về dịch bệnh heo tai xanh, mặc dù chính Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã đích thân tuyên truyền cho việc ăn thịt heo nấu chín là vô hại. Mong muốn có nguồn thực phẩm sạch và xanh để tiêu dùng là một yêu cầu chính đáng của NTD, nhưng nhà sản xuất cũng khó đáp ứng. Bà Trần Thị Lệ Hồng – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (DOFICO) cho biết: “Muốn sản xuất thực phẩm “sạch” và “xanh”, doanh nghiệp phải đương đầu với nhiều thách thức: cạnh tranh về mặt giá thành gay gắt, trong khi phải đảm bảo chất lượng sản phẩm thông qua sự đầu tư chỉn chu về công nghệ máy móc, mô hình trang trại cũng như hệ thống xử lý chất thải mắc tiền. Phải kiểm soát được nguyên liệu đầu vào. Phải tổ chức thành hệ thống chuỗi mới có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Và làm cách nào để tiếp cận với NTD, để NTD chấp nhận là chuyện không dễ”. Bảng 2: Yếu tố chọn mua sản phẩm tiêu dùng thường xuyên
Người tiêu dùng lo sợ vì hàng gian, hàng giả, bất an về tình trạng vệ sinh an toàn kém, trong khi nhà sản xuất cũng khó khăn trăm bề để xoay trở thì con đường ngắn nhất để thỏa mãn cung cầu là nhà phân phối phải nhập khẩu để đáp ứng. Vì vậy hàng Việt Nam thêm khó cạnh tranh!
(Theo Mai Chuyên // Thời báo kinh tế Sài Gòn)