Doanh số lao dốc, giảm giá trên diện rộng, nội bộ lục đục... là vài trong những khó khăn mà ngành đồ hiệu đang đối mặt.
Nếu ai đó muốn đánh bạo đưa ra một dự báo rằng, ngành kinh doanh đồ hiệu sẽ là lĩnh vực gục ngã tiếp theo trong lần suy thoái kinh tế này, họ có thể lấy những gì đang diễn ra ở một gian hàng của hãng bán lẻ đồ cao cấp Bergdorf Goodman tại New York, Mỹ, để làm bằng chứng.
Tại đây, trên các giá treo đồ, vô số các mặt hàng thời trang xa xỉ, thậm chí là cả những bộ sưu tập trọn vẹn, của các thương hiệu lừng danh như Marc Jacobs, Chanel, Dior, Armani, Thakoon và Alberta Ferretti, đồng loạt giảm giá 40%.
Gây ấn tượng mạnh ở đây không phải là mức giảm giá, mà là khối lượng hàng tồn khổng lồ. Trong vài trường hợp, có những sản phẩm còn nguyên tất cả mọi size (cỡ), chứng tỏ chưa có một khách nào mua tới.
Theo một nghiên cứu của Công ty Bain & Company (Mỹ) mới công bố, người tiêu dùng hàng hiệu điển hình đang có xu hướng chuyển từ thời trang giá cao sang những mặt hàng có chất lượng, dùng được lâu hơn, và quan trọng nhất là có giá mềm hơn. Kết quả là thị trường hàng hiệu cao cấp có thể chứng kiến mức sụt giảm doanh số 10% trong năm 2009 này, trong đó mảng hàng dệt may chịu tác động nặng nề nhất.
Tại Mỹ, riêng trong tháng 5, doanh thu của các chuỗi cửa hàng thời trang cao cấp Neiman Marcus và Saks Fifth Avenue đã lần lượt lao dốc với tốc độ chóng mặt là 27% và 26,6%.
Đó là một phần lý do tại sao sự kiện hãng đồ hiệu Christian Lacroix của Pháp nộp đơn xin bảo hộ phá sản hôm 28/5 đã không gây nhiều ngạc nhiên trong dư luận.
Giám đốc điều hành của Lacroix, ông Nicolas Topiol, cho biết, công ty của ông sẽ tiếp tục hoạt động, nhưng những khó khăn mà hãng đồ hiệu này đang trải qua phản ánh rõ nét những thách thức chung mà ngành kinh doanh hàng cao cấp phải đương đầu ở thời điểm hiện nay.
Từ lâu, lĩnh vực này đã có cấu trúc theo dạng một kim tự tháp, trong đó ở đỉnh là một thương hiệu cao cấp được đầu tư chăm chút, càng xuống dưới là những sản phẩm cấp thấp hơn nhưng đem lại nhiều lợi nhuận nhờ “hơi” của thương hiệu trên đỉnh.
Ngoài Lacroix, có rất nhiều công ty khác hoạt động theo mô hình kim tự tháp từng một thời đem lại lợi nhuận béo bở này đang ngấp nghé bờ vực đổ vỡ. Nhà thiết kế Veronique Branquinho ở vùng Antwerp của Bỉ mới đây đã đóng cửa hoạt động kinh doanh vì lý do tài chính.
Trong khi đó, các áp lực kinh tế đang làm căng thẳng mối quan hệ bên trong các thương hiệu nổi tiếng.
Hãng Versace vừa công bố, Giám đốc điều hành của hãng từ năm 2004 tới nay là ông Giancarlo Di Risio sắp sửa mất chức. Không một lý do cụ thể nào đưa ra, nhưng có nguồn tin cho hay, Di Risio bị đẩy khỏi Versace là do xung đột với bà Donatella Versace, nhà thiết kế chính của thương hiệu Versace, đồng thời là một cổ đông lớn của hãng.
Cùng trong tuần trước, một giám đốc điều hành khác trong làng đồ hiệu là bà Kim Winser, người lãnh đạo thương hiệu Aquascutum của Anh, đã từ chức. Bà Winser rời Aquascutum sau khi một vụ mua lại do bà khởi xướng bị công ty mẹ của hãng là tập đoàn Renown của Nhật từ chối.
Một số tờ báo còn đang loan tin, nhà thiết kế Esteban Cortezar của hãng Ungaro cũng sắp sửa rời đi vì những bất đồng với Giám đốc điều hành Mounir Moufarrige.
Xem ra, suy thoái kinh tế đang đem lại cơ hội dùng đồ hiệu giá rẻ cho những ai còn dám chịu chi!
(Theo Time // Vneconomy)