Bà Phạm Thị Hường bên chiếc “long sàng” rất quý giá của mình. |
Lâu nay, thi thoảng giới chơi đồ cổ Hà Thành lại rỉ tai kể cho nhau nghe câu chuyện nhà ông Vương Văn Thực ở Hải Phú, Hải Hậu, Nam Định có chiếc “long sàng đế vương” nạm tới 86 viên ngọc trai và cẩn vô vàn trai, ốc quý hiếm.
Nhiều người còn kể rằng, chiếc “long sàng” này có khả năng chữa được một số loại bệnh hiểm nghèo vì nó được thiết kế theo “âm dương ngũ hành” hết sức độc đáo. Nhân ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi đã tìm về tận nơi để tìm hiểu rõ thực hư.
Mua “long sàng” qua điện thoại
Tìm về nhà người anh họ là một tay chơi đồ cổ khá có tiếng ở đất Nam Định để hỏi về tung tích chiếc “long sàng đế vương”, may mắn ông cho biết địa chỉ nhưng không quên dặn: “Địa chỉ tìm đến nhà tay Thực thì rất dễ, nhưng chú đến đó tìm hiểu được hay không thì tôi không dám chắc. Chú cứ chuẩn bị tinh thần từ trước vì đó là chiếc giường quý hiếm vào loại bậc nhất nên không phải ai gia chủ cũng cho biết đâu...”.
Đúng như lời ông anh họ nói, cầm địa chỉ trên tay, tôi lần mò về đất Hải Phú, Hải Hậu hỏi nhà ông Vương Văn Thực chơi đồ cổ là cả làng ai cũng biết. Khi chúng tôi tìm đến thì ông Thực đi vắng, chỉ có bà Hường, vợ ông Thực ở nhà. Cứ ngỡ phải quay lại lần sau vì sợ bà vợ không biết gì để nói nhưng nói chuyện một lúc thì mới hay người sành sỏi và mê chơi các loại đồ cổ trong nhà là bà Hường chứ không phải ông Thực.
Bà Hường kể, gia đình nhà bà ba đời chơi đồ cổ. Cụ ngoại từng là một tay chơi đồ cổ khét tiếng của đất thành Nam. Sau đó đến đời ông ngoại rồi đến đời bà. Từ hồi còn nhỏ, nhìn thấy những bộ bàn ghế, những bộ ly, bình, ấm, chén, khay, bát... cổ với vẻ đẹp cổ kính, sang trọng là bà thích lắm. Chính vì thế mà cái máu đam mê đồ cổ có từ thời bé, sau này mới “lây” sang cho chồng.
Năm 1997, một lần tình cờ qua nhà một người bạn cũng là dân chơi đồ cổ với nhau, khi đi ngang qua phòng riêng của vợ chồng người bạn, bà Hường nhìn thấy một chiếc giường có kiểu dáng rất lạ. Thích thú, bà lân la hỏi chuyện thì được vợ chồng người bạn cho hay đó là chiếc giường mô phỏng theo kiểu dáng một chiếc “long sàng” của vua chúa ngày xưa từng nhìn thấy ở Cần Thơ. Ngay lập tức vợ chồng bà Hường gọi điện cho cậu con cả của gia đình người bạn này ở trong Kiên Giang nhờ dò hỏi hộ. “Nhờ hỏi nhưng trong suy nghĩ chúng tôi cũng không dám tin rằng em nó có thể tìm được, vì đó là chiếc “long sàng” quý hiếm nên đâu dễ dàng biết được thông tin” – bà Hường nhớ lại.
Một tuần sau, người con cả của gia đình người bạn từ Cần Thơ gọi điện ra thông báo đã tìm thấy chiếc giường và gia chủ chiếc giường đồng ý bán. Khỏi phải nói, ông bà Hường mừng như bắt được vàng nhưng vì đường quá xa nên ông bà không vào tận đất Cần Thơ để ngắm nghía và trả giá mà tất cả đều giao dịch qua điện thoại. Bà Hường cho biết: “Chúng tôi chỉ mua qua điện thoại và nhờ em nó ở trong Cần Thơ giao dịch hộ chứ không vào tận nơi. Chúng tôi bảo em nó tả lại hình dáng, kích thước chiếc giường rồi mua luôn không cần mặc cả. Vì là dân chơi đồ cổ lâu năm nên chỉ cần nghe tả là có thể hình dung ra được hiện vật đó như thế nào”.
Mua được chiếc giường rồi nhưng để vận chuyển được nó một cách nguyên vẹn từ Cần Thơ ra đến Nam Định là cả một sự kỳ công. Vốn tính cẩn thận, để bảo đảm cho chiếc giường vẹn nguyên không bị trầy xước, bà Hường phải năm lần bảy lượt gọi điện cho người em dặn dò đội quân vận chuyển phải chạy xe hết sức cẩn thận, đi đường hễ mệt là dừng nghỉ, đói là dừng ăn, ngày đi, đêm ngủ không cần chú trọng đến tốc độ. Chính vì thế mà mất hơn một tuần lễ chiếc giường mới được vận chuyển về tận nơi.
Bà Hường cho biết: “Giường về đến nhà, chúng tôi đã phải huy động hết những tay thợ mộc giỏi nhất của đất Nam Định về lắp mà vẫn không thể lắp được. Qua ngày hôm sau, cả đội thợ mộc mất mấy tiếng đồng hồ vật vã thì mới lắp nổi vì chiếc giường này được làm ở Trung Quốc (theo nhận định của một số người chơi đồ cổ ở Việt Nam - PV) những miếng gỗ ghép với nhau bằng các loại mộng lồi lõm theo một nguyên lý rất đặc biệt”.
Trả hơn một tỷ đồng chưa bán
Chiếc giường được để trong một căn phòng riêng biệt trên tầng hai, ngay sát cạnh phòng ngủ của vợ chồng ông bà Hường. Khi cánh cửa gỗ lim nặng nề vừa mở ra, tôi như hoa mắt trước ánh sáng lấp lánh muôn màu tỏa ra từ chiếc giường. Ấn tượng đầu tiên là 86 viên ngọc trai tròn trịa bao quanh chiếc “long sàng” và vô vàn hình thù lạ mắt khác nhau được cẩn bởi những loại trai, ốc quý hiếm. Nào là hình Văn Vương đi cầu hiền, nào là hình chim chóc hát ca, muôn thú mở hội... đường nét, hình khắc đều rất tinh xảo, công phu, phải là những tay thợ cao cấp lắm mới làm nổi.
Theo bà Hường thì chiếc giường hoàn toàn được làm bằng gỗ trắc, có chiều dài 2m7, bề ngang 1m71, chỗ dày nhất của thành giường lên tới 50 cm. “Khi đó, chấp nhận bỏ ra 14 cây vàng (tương đương với gần 200 triệu đồng lúc đó) để mua chiếc giường này tôi cứ nghĩ trong bụng không biết rồi có như mình hình dung không nhưng khi giường vừa được đem xuống khỏi xe là tôi như bị mê hoặc, không nói được câu gì nữa vì nó quá đẹp” – bà Hường thật thà chia sẻ.
Có tới 86 viên ngọc trai tròn trịa bao quanh chiếc “long sàng” và vô vàn hình thù lạ mắt khác nhau được cẩn bởi những loại trai, ốc quý hiếm.
Giường được cấu tạo 3 thành, ở giữa mặt giường có 6 miếng đá lạ, 5 miếng có hình vuông cách điệu giống nhau, riêng một miếng có hình quả xoài. Vân vi trên mỗi miếng đá này cũng rất lạ, có miếng thì vân vi dày đặc như những lớp mây chồng chất lên nhau, nhưng cũng có miếng vân tản mát ra như hình những con chim phượng trông rất ngộ nghĩnh. Đặc biệt hơn cả là khi sờ tay vào cả 6 miếng đá thì mát lạnh như băng.
Theo bà Hường, lúc chuyển chiếc giường từ tầng một lên tầng hai ông bà phát hiện ra dưới 6 miếng đá này, ở mặt sau mỗi miếng có bốn chữ Hán, chỉ có một miếng có duy nhất một chữ nhưng vì không thông thạo về chữ Hán nên ông bà cũng không biết nó có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, theo người em kể lại, giới chơi đồ cổ ở Cần Thơ nhận định chiếc giường phải trên 200 năm tuổi.
Bà Hường cho biết: “Từ lúc có giường này đến nay vợ chồng tôi mới ngủ trên đó có hai tối nhưng khi nằm lên đó là không biết gì trời đất nữa. Ngủ rất sâu, rất ngon và khi tỉnh dậy thì rất nhẹ nhàng, khoan khoái. Vì nằm ở đó ngủ sâu quá, sợ ngủ mê không ai trông nhà, trong khi trong nhà có rất nhiều tài sản quý giá nên chúng tôi không dám ngủ nhiều. Trước giường được đặt ở tầng một nhưng do nhiều người hỏi mua quá nên chúng tôi đưa lên đây để khi có khách quý thì cho họ nghỉ ngơi...”.
Trong bóng đêm, chiếc giường tỏa ra thứ ánh sáng lấp lánh muôn màu làm sáng rực cả căn phòng.
Trước đây, có một thời người ta đồn đại rằng chiếc giường này có thể chữa được một số loại bệnh nhưng theo bà Hường thì bà chưa thấy chuyện đó xảy ra. Có chăng là từ lúc có chiếc giường, gia đình bà làm ăn phát đạt hơn. Và bất cứ người khách nào khi nằm lên chiếc giường đó đều ngủ quên giờ, khi tỉnh dậy thấy khoan khoái như được tiếp thêm năng lượng.
Đã có không biết bao nhiêu người đến hỏi mua chiếc giường nhưng bà Hường không bán vì sợ bán đi sẽ không tìm lại được chiếc giường nào tương tự. Mới đây, có một cán bộ của tỉnh nọ nghe tin liền sang xem rồi ngỏ ý trả 1 tỷ đồng nhưng bà Hường vẫn không chịu bán.
Tương truyền, chiếc giường này có xuất xứ từ Trung Quốc, là “long sàng” của một vị vua dưới triều nhà Thanh tặng cho vua nhà Nguyễn. Bởi thế, những miếng đá trên giường và toàn bộ ngọc quý đều được xếp theo thuyết ngũ hành tương sinh, tương khắc giúp cho người nằm lên đó được an thần, ngon giấc, tràn trề sinh lực. |
(Theo Vtc)