Theo ông Phạm Quang Viễn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), nạn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến hết sức phức tạp và biến tướng ngày càng tinh vi hơn. Đáng chú ý là nếu trước đây hàng giả, hàng nhái chỉ xuất hiện khi hàng thật lâm vào cảnh thiếu hụt thì đến thời điểm hiện tại, loại hàng này công khai xuất hiện để “ganh đua” thị phần với hàng thật bằng ưu thế giá rẻ và không hề “kén” địa chỉ, thâm nhập mọi ngõ ngách của thị trường, kể cả vùng sâu, vùng xa. Hơn nữa, nạn làm hàng giả, hàng nhái không còn tập trung vào hóa mỹ phẩm, thực phẩm mà cả những sản phẩm như vật liệu xây dựng hay thiết bị nội, ngoại thất.
Đơn cử, trong thời gian vừa qua, lực lượng QLTT đã liên tiếp bắt giữ một số đối tượng kinh doanh cửa cuốn làm nhái các nhãn hiệu danh tiếng. Ngày 25/11/2008, đội QLTT số 14, Chi cục QLTT Hà Nội đã tạm giữ 1 bộ cửa cuốn mang thương hiệu Austdoor có dấu hiệu vi phạm về sở hữu công nghiệp của Cty TNHH Xây dựng và Thương mại tổng hợp Bảo An tại số 498 đường Láng. Chỉ sau đó 2 ngày, cũng đội QLTT số 14 đã tạm giữ 1 bộ cửa nan dời bằng nhôm cũng mang nhãn hiệu Austdoor có dấu hiệu xâm phạm quyền kiểu dáng công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ tại Việt Nam, đang trên đường vận chuyển. Tiếp đó, lực lượng QLTT đã kiểm tra và thu giữ hàng trăm thanh kim loại định hình có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu công nghiệp tại cơ sở lắp ráp cửa cuốn ở đội 9, thôn Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, thuộc Cty CP Xây dựng và Phát triển thương mại Đại Phát và tại Cty CP Tân Phong.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân - GĐ Cty cổ phần XNK và Xây dựng Tân Trường Sơn, ngày 4/5/2007, Cty đã chuyển nhượng quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp sản phẩm nhôm thanh định hình theo kiểu dáng đã được bảo hộ tại bằng độc quyền số 8106 ban hành kèm theo Quyết định số A9319/QĐ-ĐK ngày 15/12/2004 của Cục Sở hữu công nghiệp, cho Cty TNHH Sản xuất và Thương mại Hưng Phát. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu này hết hiệu lực vào ngày 7/8/2008. Sau đó, Cty Tân Trường Sơn đã ký hợp đồng chuyển nhượng bản quyền sử dụng và kinh doanh mẫu nan cửa từ ngày 21/11/2008 với Cty cổ phần Cửa cuốn Australia Smardoor. Tuy nhiên, dù hợp đồng chuyển nhượng bản quyền công nghiệp giữa Cty Tân Trường Sơn và Cty Hưng Phát đã hết hiệu lực, nhưng trên thực tế, Cty Hưng Phát vẫn tiếp tục kinh doanh sản phẩm nhôm thanh định hình theo kiểu dáng đã được bảo hộ của Cty Tân Trường Sơn. Không những thế, thông qua đại diện là Cty TNHH SHTT Winco, Cty Hưng Phát còn đề nghị hủy bỏ hiệu lực các bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp thanh kim loại định hình. Tuy nhiên, Cục SHTT đã bác đơn này. Nhằm bảo vệ mình, chống lại hàng nhái, Cty Tân Trường Sơn và Cty Smartdoor đã nhiều lần gửi công văn tới Cty Hưng Phát và các cơ quan chức năng đề nghị Cty Hưng Phát ngừng sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhôm thanh định hình. Tuy nhiên, đến nay, mọi việc vẫn chưa ngã ngũ.
Vụ việc nghi vấn vi phạm quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp trên là một trong số rất nhiều vụ ngang nhiên làm hàng giả, hàng nhái, gây thiệt hại không thể đo đếm nổi đối với các DN làm ăn chân chính.
Để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái đang ồ ạt thâm nhập thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, cần đơn giản hoá thủ tục hành chính trong thanh tra, kiểm tra và kiện toàn quy trình thực thi pháp luật. Bởi quy trình thực thi pháp luật tuy nằm rải rác ở một vài văn bản có quy định (như Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính) nhưng vẫn chưa cụ thể, rõ ràng. Chế tài xử phạt còn nhẹ, cần xử lý nghiêm hơn để tạo sức răn đe. Bên cạnh đó, các DN phải kiên quyết hơn với hàng giả, hàng nhái, tránh tình trạng “ngậm bồ hòn làm ngọt”, kiên quyết “sống chung với lũ” vì sợ “tin xấu” loang ra người tiêu dùng sẽ “khước từ” sản phẩm của mình.
Bên cạnh đó, cần tổ chức tuyên truyền tới người tiêu dùng để họ biết những ẩn hoạ khó lường của mặt hàng này nhằm có ý thức tốt hơn trong việc chống hàng giả, hàng nhái.
(Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp)