Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mùa giảm giá: Trông người mà ngẫm đến ta

Bận rộn là thế, nhưng năm nào cô bạn tôi cũng dành thời gian đi Singapore một chuyến vào tháng 7. Không còn lạ lẫm gì đảo quốc bé nhỏ này, nhưng ở đó có một thứ cực hấp dẫn, khiến cô không thể cưỡng lại: mùa giảm giá. 

Nhiều “tín đồ hàng hiệu” khôn ngoan chờ đến mùa giảm giá mới mua sắm cho cả năm. Và họ vẫn có được những mặt hàng ưng ý với giá rất phải chăng. Nhưng đó không phải là chuyện phổ biến ở Việt Nam.

Trông người…

Kim Giang, bạn tôi, kể rằng, cô không thể cầm lòng là bởi vào dịp tháng 7, hàng nghìn cửa hàng dù lớn hay nhỏ, nổi tiếng hay không trên khắp Đảo quốc Sư tử đồng loạt giảm giá bán từ phân nửa trở lên. Từ các khu mua sắm sang trọng như Ngee An City, Tang Plaza, Takashimaya đến những địa chỉ bình dân hơn như Mustapha, China Town…, những con số giảm giá 60%, 70%, 80% thậm chí 90%, in cỡ lớn, màu đỏ chói hoặc hồng tươi đập vào mắt du khách. “Hàng rẻ, nhưng chất lượng vẫn rất tốt, chỉ là do các công ty thay đổi kiểu dáng mẫu mã nên muốn “dọn sạch” để từ tháng 8 bắt đầu kinh doanh những hàng hóa mới”, cô giải thích. Ngay cả khi túi không mấy nặng, bạn cũng vẫn có thể bước vào những cửa hàng rất sang trọng trên Orchard Road hoặc trong Raffles City và “săn” được những mặt hàng cao cấp như áo quần, giày, túi xách cao cấp, mỹ phẩm, với giá dễ chịu.

70% trở lên là mức giảm giá phổ biến ở các cửa hàng tại Singapore trong tháng 7.

Có lẽ không hoàn toàn do thói quen kinh doanh mà mùa giảm giá ở Singapore được tổ chức vào tháng 7. Theo cơ quan nghiên cứu thị trường của nước này, lượng khách doanh nhân đến Singapore có xu hướng giảm xuống trong tháng 7 và tháng 8 so với các tháng khác trong năm. Mùa cao điểm du lịch ở đảo quốc này cũng từ tháng 12 năm trước đến tháng 6 năm sau và đông nhất là khoảng tháng 12 đến dịp Năm mới âm lịch (cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2). Với “mega sales”, sẽ có thêm nhiều du khách đến Singapore “một công đôi việc”: vừa nghỉ ngơi, giải trí, vừa mua sắm. Và tháng 7 sẽ không còn là “thấp điểm”! Nếu lỡ kẹt vào tháng 7, Giang sẽ đi Malaysia vào dịp cuối năm. Cô bảo, không chỉ có khách hàng Việt Nam mà người dân ở những nơi được mệnh danh là “thiên đường mua sắm” như Thái Lan hay Paris hay thậm chí cả Singapore cũng nhanh chân đến Mã Lai dịp này để vừa thỏa sức mua sắm, vừa có dịp tham dự các chương trình biểu diễn thời trang và nghệ thuật hoành tráng. Mùa lễ hội bán hàng giảm giá hồi cuối năm 2010 vừa rồi tại Malaysia được gọi là M-YES 2010, kéo dài một tháng rưỡi, suốt từ ngày 20 tháng 11 cho đến ngày 2 tháng 1 năm 2011. Ước tính nguồn thu từ mua sắm của khách du lịch đứng thứ 2 trong tổng doanh thu từ du lịch tại Malaysia.

Năm nay, dường như để cạnh tranh với mùa siêu giảm giá của bạn láng giềng Singapore, Malaysia đã công bố lễ hội bán hàng giảm giá từ ngày 15/6 đến 31/8/2011. Trên khắp đất nước Malaysia, du khách có thể mua các sản phẩm ưng ý với giá giảm từ 30-70% trong dịp này. Thêm vào đó, Malaysia cũng đã công bố luôn các sự kiện, festival văn hóa, thể thao, du lịch, xã hội; thời gian và địa điểm tổ chức từ năm 2011 tới tận năm 2013 để quảng bá tới các thị trường quốc tế và tạo điều kiện cho khách du lịch lên kế hoạch và đặt trước dịch vụ để được hưởng mức giá ưu đãi nhất.

Không nghi ngờ gì nữa, bán hàng giảm giá một cách có tổ chức có thể kết hợp tuyệt vời với các sản phẩm du lịch khác trở thành một lực hấp dẫn khó cưỡng lại đối với du khách.

… mà ngẫm đến ta

Khó có chuyện tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đồng lòng giảm giá “khủng” với tất cả các mặt hàng.

Vậy “mùa giảm giá” ở Việt Nam là mùa nào? Cô bạn tôi ngẩn người suy nghĩ, rồi quả quyết: “Chẳng có mùa nào, chỉ do từng cửa hàng quyết định khi muốn “ủn” hàng tồn, hàng đã xuống chất”. Chợt thấy buồn khi nghe câu trả lời của bạn, dù phải công nhận cơ bản là bạn nói đúng. Lần vào Siêu thị Parson gần đây nhất, tôi đã mua được một đôi giày Pier Cardin đi thật vừa vặn và dễ chịu với mức giảm giá 70%. Hỡi ôi, sau chỉ một đêm tản bộ trên phố Hà Nội, đôi giày “xịn” (có lẽ đã nằm trên kệ từ lâu) đã thành giày “há mõm”.

Vài năm gần đây, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đều có Tháng khuyến mại “Thỏa sức mua, đua sức sắm”, nhưng dường như những chương trình này chưa thực sự gây được ấn tượng đối với người tiêu dùng Việt Nam, nói gì đến việc biến thành một “nam châm” thu hút khách du lịch nước ngoài!

Lạ một điều nữa, phần lớn các nhãn hàng của các doanh nghiệp thời trang lớn trong nước như Việt Tiến, Việt Thắng, Nhà Bè, An Phước... gần như chẳng bao giờ giảm giá. Có vẻ như với thương hiệu đã được khẳng định, mức tiêu thụ ổn định, không có lý do gì để họ làm như vậy. Dệt kim Đông Xuân là một thương hiệu được nhiều người tiêu dùng miền Bắc ưa chuộng vì chất vải mỏng thoáng, thấm mồ hôi, rất tuyệt vời để sử dụng trong mùa hè, nhưng mẫu mã sản phẩm bao năm nay gần như không thay đổi. Và rất thường xuyên là bạn không thể mua được sản phẩm đúng size mình cần, còn các cô bán hàng thì còn bận tranh luận với nhau về chuyện học phí của con hay đi nghỉ mát tại đâu... Và dĩ nhiên, làm gì có chuyện đồng lòng cùng giảm giá để tạo thêm nét hấp dẫn đối với các tín đồ mua sắm khắp gần xa!

(Theo Bình An // Báo Doanh nhân)

  • Một tháng, giảm 46,5 triệu thuê bao điện thoại!
  • Vietnam Airlines mở đường bay mới Hà Nội – Cao Hùng
  • Hương bò, gà, heo... độc hại bán đầy chợ
  • Sôi động thị trường quà tặng cho thiếu nhi dịp 1/6
  • Buông lỏng phân phối: Giá “đè” người tiêu dùng
  • Người Việt tiêu thụ hàng tỉ lít bia/năm
  • Người Việt xài tiền : Mừng ít, lo nhiều
  • Quạt nội: chạy theo nhu cầu giá thấp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Giảm giá cực sốc hè 2013 tại Vincom Center Bà Triệu
  • Rầm rộ khuyến mãi 2/9
  • BigC giảm giá tới 50% hơn 1.300 sản phẩm
  • Thoả sức mua sắm với “crazy sale” tại Vincom Center
  • Hà Nội: Đăng ký Internet được dùng miễn phí MyTV và điện thoại cố định
  • Rầm rộ khuyến mãi "khủng" dịp 30/4
  • Vietnam Airlines bán giá siêu khuyến mại 3 ngày cuối tháng 4
  • Bay giữa TP.HCM, Vinh, Hải Phòng chỉ từ 650.000 đồng