Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bài 4: Đại hội sinh viên thế giới lần I

 
Sinh viên Pháp biểu tình chống chiến tranh Việt Nam.             
Một buổi sáng tháng 7/1970, trụ sở Tổng hội sinh viên Sài Gòn, số 207 Hồng Bàng nhận được một bức thư mật. Thật là bất ngờ, các bạn sinh viên nước ngoài, bằng con đường du lịch, đã khéo léo đến Sài Gòn để thăm hỏi và tìm hiểu phong trào sinh viên Việt Nam yêu nước, chống Mỹ.

Họ gồm có bảy sinh viên: Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Hà Lan và Bỉ. Trưởng đoàn là anh Charles Palmer; Chủ tịch Hội sinh viên Hoa Kỳ, hiện họ đang ở Khách sạn Continental và rất mong được nhanh chóng gặp ta.

Chi bộ Đảng trong Tổng hội sinh viên Sài Gòn hội ý cấp tốc, sau khi phân tích kỹ tình hình chi bộ quyết định:

Chiều hôm đó, Tổng hội tổ chức gặp gỡ các bạn quốc tế ở hội trường chùa Ấn Quang. Trụ trì là Thượng tọa Thích Thiện Hoa, người rất có cảm tình với sinh viên.

Buổi gặp gỡ đầu tiên thân thiện, kín đáo, không khoa trương. Bảy khách quý cùng ngồi quây quần với hơn trăm bạn trẻ.

Anh Charles Palmer, người cao to, vạm vỡ, 32 tuổi, hùng hồn thông báo tình hình sinh viên toàn nước Mỹ đã đấu tranh, ủng hộ sinh viên Việt Nam, ở Washington, các bạn đã biểu tình, tấn công tòa đại sứ ngụy, xiềng tay vào hàng rào để kiên quyết đòi trả tự do cho Huỳnh Tấn Mẫm và các sinh viên bị bắt, chấm dứt đàn áp sinh viên học sinh (SVHS).

Các anh đã nồng nhiệt treo trước ngực những tấm ảnh anh Mẫm phóng to, giăng tay nhau đi trong các cuộc biểu tình đòi hòa bình chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Nixon đã cho nổ súng bắn chết những sinh viên của Trường Đại học Kent (Bang Ohio) tham gia biểu tình phản chiến vào ngày 4/5/1970. Sinh viên Úc và Tân Tây Lan cũng đã có nhiều hoạt động ủng hộ sinh viên Sài Gòn.

Các bạn đã gởi tặng Tổng hội bộ ảnh ghi lại những ngày đấu tranh sôi sục ấy. Bộ ảnh sau này được triển lãm ở Tổng hội và Đại học Văn Khoa, thu hút đông đảo người xem sôi nổi và thú vị.

Anh Cao Nguyên Lợi, người sinh viên vừa mới thoát ra khỏi nhà tù Côn Đảo, người đã móc nối được ký giả Mỹ Don Luce để tố cáo ra thế giới tội ác chuồng cọp của Mỹ - ngụy, cũng có mặt trong buổi gặp gỡ.

Anh là Ủy viên báo chí của Tổng hội; người phát ngôn đầy uy tín. Anh thông báo với các bạn sinh viên nước ngoài về diễn biến của cuộc đấu tranh của SVHS nổ ra từ tháng 3/1970 như thế nào và do đâu mà cuộc đấu tranh đến nay vẫn còn tiếp diễn. Sinh viên học sinh Việt Nam rất cảm ơn sự ủng hộ của anh em bạn bè trên thế giới.

Kết thúc buổi họp mặt, Tổng hội trao tặng các đại biểu sinh viên các nước một kỷ niệm thật thiêng liêng và xúc động. Đó là cây tầm vông sơn nửa đỏ nửa xanh, có dòng chữ vàng ghi công phu:

"Con sẽ vót thơ thành chông

Xuyên vào gan lũ giặc

Con sẽ mài thơ như thanh kiếm sắt

Chặt đầu văn nghệ tay sai"

Đó là thơ của Trần Quang Long.

Người của Tổng hội đứng ra phiên dịch tiếng Anh, đã đọc từng câu thơ trên một cách hào hùng, thấm đậm. Charles Palmer cầm cây tầm vông mang hình cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng, anh có nghĩ rằng chính anh, chính nhân dân anh đã mở một Mặt trận Việt Nam ngay trong lòng đế quốc Mỹ.

Sau cuộc họp, Tổng hội và các đại biểu bạn hội ý khẩn trương, chuẩn bị cuộc vào trận mới trong vòng 12 giờ tới.

Cả bộ máy Tổng hội, các sinh viên và cánh học sinh, cả công khai lẫn bí mật đều chuyển động mạnh. Ta sẽ mở một cuộc hội quân lấy tên là "Đại hội thanh niên thế giới kỳ I" ở "Khu tam giác sắt".

Bản tuyên cáo bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh được gấp rút viết trong đêm. Liên lạc các trường hỏa tốc gọi quân. Ủy ban tranh đấu đòi quyền sống cho đồng bào làm lực lượng nòng cốt, chuẩn bị hội trường, biểu ngữ, vật dụng đấu tranh.

Sáng thứ hai, ngày 11/7/1970, ở khu tam giác đại học đường Cường Để, xuất hiện rộn ràng nhiều dấu hiệu khả nghi trong mắt bọn lính kín. 9 giờ, có ba xe tắc-xi lần lượt đổ xuống trước cổng trường Nông Lâm Súc.

Bảy người Âu Mỹ nhanh nhẹn rời xe hướng thẳng về phía giảng đường lớn. Ở đó vừa trương lên tấm biểu ngữ với dòng chữ đỏ "Đại hội sinh viên thế giới kỳ I" và bài hát "Dậy mà đi" vang lên bừng bừng khí thế.

Trên bàn chủ tọa đoàn, các phóng viên nhìn thấy có Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ tịch Tổng hội sinh viên và Lê Văn Nuôi, Chủ tịch Tổng đoàn học sinh, đĩnh đạc ngồi bên bảy sinh viên bạn.

Bản tuyên cáo của đại hội, được giới thiệu trước toàn thể đại biểu, nó khẳng định việc đòi Mỹ không được can thiệp vào nội bộ Việt Nam, phải rút quân ra khỏi Việt Nam, đòi Thiệu phải từ chức để lập Chánh phủ hòa hợp dân tộc, đòi giải quyết vấn đề Việt Nam trong tinh thần dân tộc tự quyết, chống đàn áp SVHS.

Phát biểu thay mặt cho sinh viên Sài Gòn, anh Huỳnh Tấn Mẫm nêu rõ tinh thần của đại hội là phản kháng chế độ phản dân chủ, chống chiến tranh, đòi hòa bình.

Thay mặt các sinh viên, bạn Charles Palmer phát biểu: "Bên nước chúng tôi cũng không có hòa bình. Vì rằng, chính quyền hiếu chiến vẫn còn đưa lính Mỹ sang xâm lược các nước khác”.

Palmer kêu gọi sinh viên các nước đoàn kết, xây đắp tình hữu nghị. Palmer nắm tay anh Mẫm giơ cao, pháo tay vang dội, chào mừng tình đoàn kết hữu nghị. Sinh viên Úc, Hà Lan cũng phát biểu nhanh, gọn. Phía trước diễn đàn... đã xuống đường!

Người người ùn ùn đổ ra. Những giảng đường bên Văn Khoa, Dược Khoa không còn tiếng giảng bài, bọn lính kín nháo nhác, lẩn đi đâu mất.

Một con chim bồ câu hiền hòa, bằng xốp trắng, mềm mại mà chắc nịch bởi khung tre nan đang giang đôi cánh chấp chới tung bay. Đó là biểu tượng nổi bật dẫn đầu đoàn người được gương từ cánh tay của Palmer và Mẫm.

Phía sau là một chiếc quan tài đỏ với dòng chữ sơn vàng "Căm thù lại giục căm thù. Máu kêu trả máu, đầu van trả đầu. T.H" T.H là tên của Nhà thơ Tố Hữu được viết tắt nhưng rất đường hoàng.

Những câu thơ đó đã trở thành ý nguyện của tuổi trẻ./.  

 

(Theo Lê Thị Hiếu Dân/Baocamau)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Bài 3: Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” (tiếp theo)
  • Bài 4: Đại hội sinh viên thế giới lần I (tiếp theo)
  • Bài 5: Chiến dịch đốt xe Mỹ
  • Bài 5: Chiến dịch đốt xe Mỹ (tiếp theo)
  • Bài 6: Những con số không bao giờ cũ
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 1
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 2
  • Di bút của Nhà báo Nguyễn Mai Kỳ 3
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi