Xe hỏng trên đường này, nếu không tự sửa được thì phải mất 2-3 ngày mời thợ hoặc kéo xe xuống Quốc lộ 1A để sửa. |
Đã hơn 5 năm kể từ khi đoạn đường Hồ Chí Minh đầu tiên được đưa vào khai thác, hệ thống cung cấp xăng dầu, dịch vụ sửa chữa, thông tin liên lạc trên tuyến đường vẫn chưa được đầu tư đồng bộ và hiện mới chỉ đáp ứng được ở mức tối thiểu nhu cầu của người tham gia giao thông.
Nhiều điều bất tiện: chuyện quả trứng và con gà
Điều “bất tiện” trực quan đầu tiên khi đi trên tuyến đường là hệ thống trạm xăng dầu dọc tuyến đường Hồ Chí Minh rất thưa thớt, phân bố không đều. Theo khảo sát của chúng tôi, trong khi suốt chặng đường dài từ Xuân Mai (Hà Nội) vào hết địa phận huyện Như Xuân (Thanh Hoá) có tới 22 trạm xăng nhỏ lẻ, thì cung đường từ Quảng Bình vào Quảng Ngãi dài hơn 300 km, nhưng không hề có lấy một trạm dịch vụ xăng dầu ven đường.
“Nếu đi từ Hương Sơn ra Hà Nội theo đường Hồ Chí Minh, thì chỉ mất khoảng 5-6 tiếng, rút ngắn thời gian hơn so với đi theo Quốc lộ 1A trên dưới 2 tiếng. Tuy nhiên, đến nay cả huyện vẫn chưa có doanh nghiệp vận tải nào “dám” mở tuyến vận tải khách cố định từ Hương Sơn về Hà Nội và ngược lại trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Hệ thống trạm xăng, trạm nghỉ trên tuyến còn rất thiếu. Các khu dân cư sinh sống dọc tuyến đường còn thưa thớt, không đủ lượng khách để mở tuyến”, ông Nguyễn Trọng Thành, Phó phòng Công thương huyện Hương Sơn chia sẻ.
Với thực trạng như vậy, nếu không có “hoa tiêu” là người đã hàng chục lần chạy xe trên tuyến, đoàn khảo sát của chúng tôi sẽ không biết tìm đâu ra chỗ ăn, nghỉ trong chuyến khảo sát đường Hồ Chí Minh từ Hà Nội tới Kon Tum. Tệ hơn, nếu có tìm được chỗ ăn nghỉ, thì chất lượng thực phẩm cũng như chất lượng dịch vụ rất đáng ngại. Với quy mô như hiện nay, ngộ nhỡ bất ngờ một đoàn khách cỡ vài chục người ào vào, thì rất có thể xảy ra tình trạng… 3 người chung nhau một suất cơm.
Không có chỗ ăn nghỉ còn có thể khắc phục bằng “bài ca mỳ ăn liền”, nhưng nỗi e ngại lớn nhất đối với cánh tài xế đường dài chính là việc xử lý, khắc phục các tình huống hỏng xe trên đường. Suốt hành trình dài hơn 700 km từ Hà Nội vào địa phận tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi không tìm thấy một salon, trạm bảo dưỡng ô tô nào. Trên đoạn đường Khâm Đức đi Kon Tum, chúng tôi bắt gặp chiếc xe tải BKS 29LD-4884 bị hỏng ở ven đường. Chẳng buồn chui ra khỏi gầm xe, lái xe là anh Lê Hữu Sinh cho biết: “Trong lúc nằm ngắm gầm xe thì ông mặt trời đi được hai con sào rồi”.
Anh Sinh ngao ngán nói: “Xe hỏng trên đường này, nếu không tự sửa được thì phải mất 2-3 ngày mời thợ hoặc kéo xe xuống Quốc lộ 1A để sửa. Tôi chạy tuyến đường này ra Huế nhiều lần, nhưng bói không ra một trạm sửa xe nào. Vắng là vậy, nhưng nói thật, chắc chẳng ai dại mà mở garage ở trên đường này đâu, vì ‘vắng như chùa Bà Đanh’ thế này lấy đâu ra khách”.
Theo thống kê của chúng tôi, toàn tuyến đường Hồ Chí Minh hiện chỉ có 10 garage có quy mô trung bình. Nhưng số garage lại đều tập trung hết ở 2 đoạn: Quảng Nam – Đà Nẵng (4 garage) và Kon Tum (6 garage). Suốt một chặờng đường dài gần 700 km từ Hà Nội vào đến Đà Nẵng hiện vẫn là “vùng trắng” không hề có lấy một garage bảo dưỡng ô tô nào.
“Sở dĩ đường Hồ Chí Minh đoạn Đà Nẵng – Kon Tum có mật độ cây xăng, trạm nghỉ, quán ăn tương đối dày đặc là do đây vốn là Quốc lộ 14D, Quốc lộ 14 cũ”, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum phân tích.
Một điều bất tiện khác được ghi nhận suốt chuyến đi là, vùng phía Tây này dường như chưa lọt vào tầm ngắm của “tam đại gia” Viettel, Mobifone, Vinaphone. Sóng lõm bõm, lúc được lúc chăng và có những quãng đường đến nửa ngày trời không có sóng điện thoại di động, khiến hành khách có cảm giác như bị bỏ rơi trên con đường hiện đại!
“Phải có khách thì mới mở hàng, phải có người sử dụng thì mới cung cấp dịch vụ; nhưng phải có dịch vụ được cung cấp thì mới có người sử dụng, phải có quán ăn thì mới có người vào”. Nghe anh lái xe lý luận như vậy, tôi phá lên cười và bảo: “Cậu lại luận bàn chuyện quả trứng với con gà rồi!”. Nói vậy, nhưng chuyện con gà quả trứng là chuyện tào lao, hình như nó thuộc phạm trù triết học thì phải, còn ở đây, biết bao kỳ vọng, bao nhiêu là tiềm năng và hàng ngàn tỷ đồng đầu tư, không lẽ mọi người cứ đùn đẩy nhau để mãi vẫn không có được người tiên phong.
Đồng loạt vỡ quy hoạch
Việc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho lưu thông con đường đã sớm được Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải tính đến. Ngay từ năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Thương mại (cũ) chỉ đạo việc xây dựng Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. Đến năm 2002, Bộ Thương mại đã có quyết định phê duyệt quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn I. Mục tiêu của Quy hoạch là xác lập hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc tuyến và quản lý việc đầu tư đồng bộ những hạng mục cơ bản thuộc cơ sở hạ tầng quan trọng của tuyến đường, bảo đảm cung ứng xăng dầu và dịch vụ thiết yếu cho hoạt động thông suốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng mà tuyến đường đi qua.
Theo Quy hoạch, số lượng cửa hàng xăng dầu dọc tuyến đường Hồ Chí Minh theo giai đoạn I là 124 cửa hàng. Trong đó, số cửa hàng xây dựng mới là 64 (gồm 8 cửa hàng loại I, 30 cửa hàng loại II và 26 cửa hàng loại III), cải tạo và nâng cấp 50 cửa hàng hiện có được giữ lại theo quy hoạch và giữ nguyên 10 cửa hàng.
Tuy nhiên, Quy hoạch đã sớm bị “phá sản” do công tác khảo sát thực địa chưa thật sát với thực tế. Nhiều tỉnh như Thanh Hoá, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hoà Bình, Hà Tây (cũ) đề nghị điều chỉnh vị trí cửa hàng xăng dầu vì khu vực xây dựng trong quy hoạch không phù hợp. Hơn nữa, các quy định về tiêu chuẩn và phân bố các loại cửa hàng xăng dầu dọc tuyến đường chưa thật phù hợp với điều kiện địa lý và tự nhiên của tuyến đường. Theo quy định của Bộ Thương mại, các cửa hàng xăng dầu loại I dọc tuyến đường Hồ Chí Minh phải có mặt bằng tối thiểu là 1 ha. Thế nhưng, phần lớn tuyến đường Hồ Chí Minh được mở kẹp giữa một bên là núi, một bên là vực sâu nên việc tìm được 1 vị trí có đủ mặt bằng để xây dựng cửa hàng xăng dầu loại I là rất khó.
Năm 2008, Bộ Giao thông - Vận tải còn xuất bản một cuốn cẩm nang hướng dẫn chi tiết, cụ thể về chỉ dẫn giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Trong cẩm nang này, so với quy hoạch đã được phê duyệt ban đầu, số cửa hàng xăng dầu chỉ đạt được hơn 1/2 Trong đó, có 73 cửa hàng xăng dầu và quán ăn, nhà nghỉ nhỏ phân bố tập trung chủ yếu ở những cung đường có lưu lượng xe qua lại đông như Hà Tây (cũ) – Hoà Bình (30 cửa hàng xăng dầu, 10 cửa hàng ăn), Quảng Nam – Đà Nẵng (8 cửa hàng xăng dầu, 12 nhà hàng) và Kon Tum (11 cửa hàng xăng dầu và 13 trạm nghỉ, quán ăn).
Theo chị Lê Bảo Yến (chủ cửa hàng xăng dầu Dũng Yến, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá), mỗi ngày cửa hàng của chị chỉ bán được khoảng 100-200 lít xăng . Trong khi đó, nếu ở Quốc lộ 1, mỗi ngày một cửa hàng quy mô trung bình có thể bán được tối thiểu lượng xăng gấp 10 lần như vậy. Mức đầu tư lớn gần 2 tỷ đồng/cây xăng, nhưng hiệu quả đầu tư thấp đã khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân từ bỏ ý định mở trạm xăng dầu.
Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã đề xuất quy hoạch các trạm xăng loại I gắn liền với các trạm nghỉ khép kín khá hiện đại, nhằm tạo thuận lợi hơn cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, giải pháp đem lại sự tiện dụng cho hành khách và các nhà đầu tư hiện mới dừng lại ở ý tưởng.
Không chỉ có quy hoạch xăng dầu, điểm nghỉ dọc đường, hệ thống thông tin liên lạc, việc gắn kết giữa xây dựng đường Hồ Chí Minh với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội chưa được thực hiện thống nhất giữa các địa phương có tuyến đường đi qua. Đó là chưa kể đến việc, trong số 11 tỉnh, thành phố có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, Quảng Bình là tỉnh duy nhất xây dựng được quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội dọc đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc kêu gọi đầu tư vào các điểm công nghiệp tập trung trên tuyến còn yếu, không đủ để tạo nên lượng hàng hoá cần thiết để hình thành các tuyến vận tải hàng hoá, hành khách ổn định.
Rõ ràng, những hạn chế trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận hành, khai thác một cách có hiệu quả đường Hồ Chí Minh. Hệ thống hạ tầng dịch vụ qua hơn 2 năm đường Hồ Chí Minh đưa vào khai thác đoạn Hoà Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) là chưa tương thích, chưa phục vụ đắc lực cho khai thác con đường. Đây cũng là nỗi trăn trở, băn khoăn của các nhà quản lý và những người đã làm nên cung đường lịch sử này…
Kỳ V: Cần một giải pháp tổng thể cho đường Hồ Chí Minh
(Theo Anh Minh - Hữu Tuấn // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com