Tp.HCM có thể học tập kinh nghiệm Đà Nẵng để tăng năng lực cạnh tranh |
4 năm trước, khi lần đầu tiên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố, lãnh đạo nhiều tỉnh rầm rầm phản đối. Hoặc nếu không, các tỉnh cũng im lặng, không chấp nhận. Một lãnh đạo ĐBSCL còn chất vấn những người làm PCI: "chỉ số PCI có giá trị pháp lý không mà đề nghị nghiên cứu để cải thiện?".
Thực chất, chỉ số PCI nhằm khuyến khích sự năng động sáng tạo của địa phương để hướng các thành phần dễ bị tổn thương nhất: các DN vừa và nhỏ. Đóng góp cụ thể nhất cho phát triển bền vững chính là lắng nghe họ, xem họ cần gì để phục vụ.
Nói cách khác, chỉ số là nhằm hướng địa phương vào tinh thần của dân, do dân, vì dân, đo mức độ vì dân thực của chính quyền tỉnh, xem dân, DN đánh giá thế nào về hoạt động của chính quyền".
Ở nhiều quốc gia, thay vì xem GDP/đầu người là bao nhiêu để đánh giá sự thành công của điều hành, quản lý, chỉ số hạnh phúc và hài lòng của dân chúng được đặt là ưu tiên hàng đầu. PCI chính là dạng chỉ số như vậy, đo sự hài lòng của DN với quản trị địa phương
.
Khoanh vùng trống để cải cách
Ông James Packard Winkler, Giám đốc dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam VNCI lưu ý: "PCI không phải là con số cứng, không dừng ở con số cứng mà đó chỉ là điểm khởi đầu cho các địa phương cải cách, hoàn thiện mình".
Phó GĐ Sở KH-ĐT tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Phương Bắc đánh giá, "PCI giúp địa phương có được phương pháp để "vượt qua chính mình", cung cấp năng lực nội sinh để địa phương cải cách, không chờ vào thúc ép cải cách từ trên xuống. Không có năng lực nội sinh này, mọi hỗ trợ, thúc ép trở thành vô nghĩa".
Đến địa phương, những người làm PCI đã được các lãnh đạo tỉnh này đặt ngược câu hỏi: "Tại sao chúng tôi liên tục quan tâm, chỉ đạo cải cách mà chỉ số của tỉnh lại ngày càng tụt điểm, vị trí của tỉnh ngày càng tụt hạng?"
Qua nghiên cứu thực tế cảm nhận của DN địa phương, câu trả lời đã rõ ràng: quyết tâm của lãnh đạo tỉnh không được chuyển hóa thành hành động cụ thể ở cấp cơ sở. Cán bộ trực tiếp làm vẫn sách nhiễu, vẫn việc mình mình làm, bất chấp nỗ lực ở cấp cao hơn.
Dù tỉnh có hạn chế về địa lý, về điều kiện tự nhiên để phát triển cơ sở hạ |
Ông Bắc thừa nhận "PCI trở thành thước đo quan trọng để các địa phương tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian tới".
"Với PCI, địa phương khó giấu được khiếm khuyết trong điều hành kinh tế cấp tỉnh. Những gì địa phương tiến hành cải cách đều được DN ghi nhận qua chỉ số. Với vấn đề khó, địa phương lảng tránh thì cũng thể hiện rõ".
Cải cách hành chính, giảm chi phí gia nhập thị trường là ví dụ cho thấy khi địa phương sẵn sàng đối mặt thì cải thiện được và cải thiện nhanh. Trong khi đó, vấn đề chi phí không chính thức, địa phương thấy khó, ngại làm, lảng tránh thì sau 4 năm vẫn giậm chân tại chỗ, ở tất cả các tỉnh.
Nói như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chỉ số PCI giúp khoanh vùng các khoảng trống để các địa phương tiếp tục cải cách. Ví dụ, nhìn vào các thông số PCI, hạ tầng cơ sở và CNTT, các tỉnh sẽ tự lí giải được tại sao một số nơi PCI không cao nhưng vẫn có tốc độ tăng trưởng cao, sức hút mạnh với đầu tư trong và ngoài nước như HN, Tp.HCM. Tuy nhiên, các tỉnh cũng thấy được thực tế, dù tỉnh mình có hạn chế về địa lý, về điều kiện tự nhiên để phát triển cơ sở hạ tầng, thì vẫn còn khoảng trống rất lớn để cải thiện năng lực cạnh tranh.
"Mỗi chỉ số như một xét nghiệm sức khỏe của chính quyền một tỉnh. Những con số là biểu hiện cụ thể về tình trạng sức khỏe cho cơ thể đó. Việc bốc thuốc cải cách chính là nhằm thay đổi tình trạng sức khỏe điều hành của tỉnh theo hướng tốt lên", ông Huỳnh ví von.
Trong hoàn cảnh gần nhau, cùng một loại "bệnh", các địa phương có thể học tập, trao đổi lẫn nhau. Các tỉnh ĐBSCL là ví dụ điển hình. 3 năm trước, các tỉnh này nằm trong vị trí tốt rất ít, nhưng họ đã chuyển giao kinh nghiệm cho nhau rất nhanh, tạo hiện tượng lan tỏa PCI từ Cà Mau. Nhìn vào bước tiến của Đà Nẵng, các đô thị như Hà Nội, Tp.HCM có thể học tập để vươn lên.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, không thể đem công thức đó, "loại thuốc" đó cho "con bệnh" khác, đề phòng xu hướng sao chép nội dung các chỉ đạo, nghị quyết của nhau. Nếu chỉ làm kiểu hình thức, ra nghị quyết mà không căn cứ thực chất để có một nghị quyết sát, đúng thì chỉ là hình thức, và làm nản lòng dân.
Theo ông Huỳnh, đó cũng là lí do những người làm cố gắng giữ tiêu chí ổn định tương đối; để theo dõi nhiều năm, địa phương có điều kiện áp dụng bài học cải tiến, sử dụng các chỉ số để theo dõi, biết thực trạng điều hành của mình trong cảm nhận của DN để tìm cách khắc phục đồng thời phản ánh những biến đổi của đời sống khách quan: đời sống pháp luật, quản trị quốc gia bằng các điều chỉnh trọng số của từng chỉ số.
Công cụ giám sát của cơ quan dân cử
Song song với nỗ lực cải cách của địa phương, PCI đã trở thành một công cụ giám sát quan trọng của cơ quan dân cử địa phương. Trong kỳ họp HĐND tỉnh Đồng Nai tháng 12/2007, PCI trở thành một trong những vấn đề được các đại biểu đưa lên chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh, khi mà 5/10 chỉ số PCI của tỉnh này giảm điểm.
Như đã nói, PCI phản ánh chính xác những đánh giá của DN về từng chuyển động chính sách của chính quyền địa phương, do đó, trở thành công cụ quan trọng để HĐND các địa phương sử dụng cho chất vấn chính quyền. Những chậm trễ về thủ tục hành chính gây phiền hà, làm giảm điểm gia nhập thị trường, những chi phí không chính thức còn cao, những bất cập trong vấn đề nhân lực.
Cơ quan Đảng và cơ quan dân cử có thể cùng chính quyền bắt tay tìm hiểu từng chỉ số, nguyên nhân thành công, thất bại trong các nỗ lực cải cách, để khắc phục và đẩy mạnh tốt hơn, sử dụng nguồn lực đúng và hiệu quả hơn trong điều kiện nguồn lực của từng địa phương có giới hạn.
Những trồi sụt chỉ số cần được quy rõ trách nhiệm của người liên quan, bởi PCI cho phép phân định tương đối rõ trách nhiệm với những câu hỏi khảo sát cụ thể. Đơn cử, về chỉ số lao động, địa phương có thể thấy rõ: chỉ số thấp là do sở làm tốt chưa, trước hết là các trường đào tạo nghề của tỉnh; giáo dục phổ thông đã tạo được sự tin cậy của dân chưa, chính sách của Sở LĐ-TB-XH đã tạo điều kiện để DN tư nhân tham gia phát triển nhân lực như thế nào, đã có chính sách để thu hút nguồn lao động hấp dẫn ở bên ngoài thế nào.
Cải cách là đòi hỏi liên tục, thường xuyên và tất yếu của cuộc sống. Mai mốt PCI không còn nữa, nhưng chính quyền luôn phải thấy luôn có cảm nhận của DN và nhân dân, do đó theo cách này hay cách khác, sẽ có những PCI khác, để chính quyền hoàn thiện, luôn đảm bảo hoạt động hiệu quả.
Trên phương diện quốc gia, cũng nên xem đó là công cụ thường xuyên. Quốc gia cũng nên phân tích những chỉ số, xếp hạng của thế giới, xem lại chính sách của mình như thế nào để làm tốt hơn.
(Theo báo VietNamNet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com