Hai nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều và Trần Đăng Khoa tại buổi trực tuyến. |
Trong thách thức, hoàn cảnh, điều kiện và khát vọng của ngày hôm nay, những người như chúng tôi đã bắt đầu già rồi, và những người trẻ mới là những người phải trả lời tiếp những câu hỏi với lịch sử, với dân tộc và tương lai của nước Việt.
Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa: Tôi nghĩ đó là điều mà thế hệ sau sẽ còn làm tiếp. Sẽ còn nhiều cuộc gặp thế này để cùng nhìn lại những giá trị lịch sử, cùng suy ngẫm về hiện tại và tương lai, sẽ có rất nhiều bài học có ích.
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Cá nhân tôi khi được mời tham dự có chút giật mình. Trong cuộc sống, mình có thể tham dự vào một công việc của gia đình, xã hội, nhưng ý thức dân tộc của mình cứ bị trôi theo công việc, mà quên dừng lại, nhìn lại, suy ngẫm và đi tiếp. Sự chiêm ngưỡng tượng đài lịch sử, để so sánh và chiếu rọi lại hiện tại là cần thiết.
Không phải chỉ cuộc bàn tròn này mà mỗi ngày, mỗi giờ, ý thức về dân tộc là cần thiết. Và điều đó, với mỗi người Việt Nam còn rất ít.
CMT8 là kỳ tích của sức mạnh toàn dân và chèo lái của người lãnh đạo
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ngày xưa, lúc dân tộc lâm nguy, mọi người đều xả thân cho sự nghiệp chung. Ngay sau cách mạng thành công, chúng ta có "Tuần lễ vàng", mọi người hiến của cải để cùng giải quyết khó khăn chung. Nhưng hiện nay, nếu đất nước rơi vào khó khăn, liệu chúng ta có thể kêu gọi các doanh nhân, những người có của cải hiến dâng cho Tổ quốc một lần nữa vì lợi ích chung của dân tộc hay không?
Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa: Cha anh của chúng ta, bằng trí tuệ và sức lực đã làm nên CMT8, 9 năm sau lại làm tiếp chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc Kháng chiến chống Pháp. Và rồi 21 năm sau lại kết thúc Cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng toàn bộ đất nước, thu giang sơn về một mối, đưa Việt Nam lên một vị thế mới.
Ba mươi năm với đời người cũng là một quãng thời gian dài nhưng chỉ là một chớp mắt với lịch sử. Tôi cho rằng đó là một kì tích, nói như nhà thơ, nhà nghiên cứu Việt Phương, đấy là những giấc mơ tuyệt đẹp của thời đại và có lẽ không thể xuất hiện nhiều lần trong một đời người. Trong những năm tháng ấy, vai trò của quần chúng là vô cùng quan trọng, có sức mạnh làm nên lịch sử.
Nhưng quần chúng chỉ thể hiện được sức mạnh tuyệt vời và thực sự có ý nghĩa khi đứng sau lãnh tụ - là người trực tiếp chèo lái. Quần chúng đứng sau Chủ tịch Hồ Chí Minh thì thành CMT8. Quần chúng đứng sau Lênin thành cách mạng Tháng 10, và sau Hitle thì lại thành chủ nghĩa phát xít.
Vai trò lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng ta là vô hạn quan trọng trong những năm tháng ấy. Bằng sự chèo lái sáng suốt, tỉnh táo, đã đưa dân tộc vượt qua rất nhiều thác ghềnh.
Hiện nay chúng ta đang học tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng tôi cảm giác chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu được Người, cho đến nay Bác vẫn là một vùng bí ẩn, mà chúng ta chưa khám phá hết được. Đặc biệt là tài nghệ dùng người. Đây là bí quyết quyết định sự thành bại của mọi công việc.
Những năm ấy, không có nhiều ban bệ và các cơ quan chức năng giúp việc rất chuyên nghiệp như hiện nay, mà sao Ông Cụ chọn người chuẩn xác đến thế. Nhiều lắm. Nhưng tôi chỉ xin đơn cử hai trường hợp.
Thứ nhất là việc Bác chọn ông Võ Nguyên Giáp rồi phong thẳng Đại tướng, giao phụ trách quân sự. Ông Giáp là nhà Sử học, chưa từng qua trường lớp quân sự nào. Vậy tại sao Ông Cụ lại nhìn thấy được khả năng quân sự - có thể nói là thiên tài quân sự trong Võ Nguyên Giáp, để rồi sau đó cho Lịch sử Dân tộc ta một vị tướng chỉ có thể xếp sau Trần Hưng Đạo, Quang Trung.
Và trường hợp thứ hai, là tại sao trong những thời khắc cam go nhất của lịch sử Đất nước, Người lại trao vận mệnh của cả dân tộc cho cụ Huỳnh Thúc Kháng - người không phải đảng viên và cũng không có khuynh hướng cộng sản.
Bằng việc đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, với tầm nhìn rất xa, rất rộng, Người đã có thể biến mọi tầng lớp nhân dân thành một khối. Nhờ thế mà huy động được sức mạnh của toàn dân tộc.
Còn "Tuần lễ vàng" thì không phải ngày xưa, bây giờ chúng ta cũng vẫn đang làm đó thôi - những chương trình từ thiện, xóa đói giảm nghèo, rồi giúp những người hoạn nạn “Lá lành đùm lá rách, Lá rách đùm lá rách hơn” cũng có thể xem là những biến tấu của Tuần lễ vàng.
Cần người đứng mũi chịu sào dẫn dắt sự hiến dâng
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Sự hiến dâng của cá nhân trong cộng đồng đó hay chủ nghĩa nhân văn trong mỗi con người không mất đi. Hiện nay, trí tuệ, hiểu biết của dân tộc đã được nâng lên cao, sự kiêu hãnh cũng được xác lập, nhưng sự hiến dâng ít ỏi, chưa được hiển lộ, bày tỏ, chưa được biến thành hành động cụ thể? Tôi có cả chút băn khoăn và ngờ vực.
Theo tôi, hiện nay thói vị kỉ, vì cá nhân của con người lại cao hơn. Chúng ta hãy dũng cảm nhìn vào mỗi gia đình, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức, sẽ thấy tính vị kỉ, lợi ích cá nhân đang được đặt lên cao hơn.
Sự hiến dâng không mất đi - nếu mất đi thì đã sụp đổ tất cả, nhưng không hiển lộ. Hãy nhìn lại cách dùng người của cụ Hồ, khi cụ trọng thị những người trí thức. Khi dân tộc đặt trước mặt họ như một sự kiêu hãnh, như một trách nhiệm lớn lao, không phân biệt, và họ được trọng thị, được trao niềm tin thì họ sẽ xả thân vì dân tộc. Nhưng giờ đây, cái mà dân tộc đặt lên những công dân nhỏ bé hơn, ít đi, mơ hồ hơn, nên sự khai thác khả năng, sự nhiệt huyết so với trước kia ít đi, sự xả thân giảm bớt.
Tôi cảm nhận sự cống hiến giảm đi so với những năm tháng trước đây. Cần những người đứng mũi chịu sào, dẫn dắt cộng đồng để có sự hiến dâng thực sự.
Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa |
Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa: Tôi không được sống trong những ngày CMT8, nhưng trong chống Mỹ, chúng tôi đã được tham dự. Chúng ta có một thời gian nan, nguy hiểm, cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào, nhưng đời sống xã hội lại rất đẹp, con người đối với nhau sao mà đẹp đến vậy. Một xã hội trong vắt - không có tham nhũng, không có trấn lột.
Một cô gái có thể một mình đi suốt đêm, có thể dừng lại ngủ nhờ trong một ngôi nhà toàn đàn ông mà vẫn an toàn.Ta có những năm tháng "ra ngõ gặp anh hùng, ra ngõ gặp người tốt". Ngày thứ 2 ở trường nào cũng tuyên dương những tấm gương người tốt việc tốt.
Bây giờ không còn thói quen như vậy. Dù rằng, đời sống của ta có những bước đi mà trước đây có nằm mơ cũng không thể thấy, nhưng cuộc sống trong lành như những năm xưa thì không còn nữa. Vì sao vậy?
Đất nước yên bình nhưng tâm thức chưa yên?
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Các anh có thể lí giải tại sao thời ấy, và bằng giải pháp nào để mang lại một cuộc sống mà ở đó con người lại có thể đem đến cho nhau một xã hội tốt đẹp, lành mạnh như vậy?
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Tôi cũng hiểu sự dày vò đó của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Tôi cũng đang muốn lắng nghe tại sao chúng ta đầy đủ hơn, giàu có hơn, thì lại không còn một tinh thần như xưa. Tại sao khi chúng ta vương giả lên thì thói hư thật xấu lại trỗi lên, sự độc ác và giả tạo lại nhiều lên? Hẳn là anh Trần Đăng Khoa đã có câu trả lời.
Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa: Tôi cho rằng những năm ấy, đối với mọi con người là vấn đề sống chết. Đời sống khi ấy phức tạp mà đơn giản hơn bây giờ. Nó chỉ đặt ra tồn tại hay không tồn tại, tồn tại bằng việc đánh thắng kẻ thù. Chế Lan Viên gọi đó là những năm "Đất nước có chung tâm hồn có chung gương mặt/ Nụ cười tiễn đưa con ngàn bà mẹ in nhau".
Đó là những năm mà cả dân tộc trên một chiếc xe tăng chứ không phải chỉ có "5 anh em trên một chiếc xe tăng". Những năm ấy muôn người như một, toàn quân, tòan dân một ý chí. Những năm ấy gian khổ, nguy hiểm nhưng tâm thức lại yên.
Giờ đây, đất nước rất bình yên - không nơi nào bình yên như Việt Nam, trên thế giới nhiều nơi chiến tranh, khủng bố, nhưng Việt Nam là một xứ xở hòa bình. Một hình ảnh cực kỳ ấn tượng của APEC nằm ngoài Hội nghị APEC, đó là hình ảnh Thủ tướng Australia chạy bộ 3 lần bên Hồ Gươm cùng các cụ về hưu mà không cần sắc phục bảo vệ. Đó là hình ảnh đẹp, thông điệp tuyệt vời của đất nước thanh bình.
Đất nước hiện nay đã thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, nhưng tâm thức lại không phải muôn người như một. Những năm kháng chiến, nuớc loạn nhưng tâm yên. Bây giờ nước yên, nhưng tâm lại loạn. Đấy là một nguy cơ, mà chúng ta không thể lường hết được hậu quả của nó.
hững người quản lý dường như cũng đã biết rất rõ điều này, và cũng đã có những giải pháp nhằm loại bỏ những nguy cơ ấy, nhưng cách làm vẫn mang tính phong trào, làm để tuyên truyền chứ chưa đi vào thực chất. Và thực chất như thế nào, tôi nghĩ rằng các bác ấy hiểu hơn chúng ta, am tường hơn chúng ta nhiều.
Những năm gần đây, chúng ta học tập tư tưởng HCM. Tôi chợt nhớ buổi nói chuyện của cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười trong cuộc gặp mặt với các nhà văn. Ông đã nói vo trong 4 tiếng, và tôi đã nghe một định nghĩa ấn tượng của Đỗ Mười về tư tưởng Hồ Chí Minh: "Tư tưởng HCM là gì? Là Việt Nam hóa tất cả những tư tưởng tiên tiến nhất của thời đại,và biến thành hiện thực ở Việt Nam". Rất sâu sắc, rất đúng và chuẩn xác.
Tấm gương không sáng sẽ phản lại những ánh sáng mờ
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ngày đó không có nhiều quy tắc, kiểm tra giám sát như bây giờ, nhưng cả một xã hội ngay ngắn, nghiêm túc. Còn ngày nay ta phải lo cải cách hành chính, giám sát, hô hào, nhưng chưa giải quyết được vấn đề. Ngày đó các công chức phục vụ thực sự, còn nay thì dân than phiền. Có thể lý giải vấn đề này ra sao?
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Câu trả lời vừa đơn giản vừa phức tạp. Và câu hỏi đó không phải chỉ là một cá nhân, mà là do cả xã hội đặt ra.
Chúng ta thử cận cảnh vào, xem trong một gia đình nông thôn, trong năm tháng đói nghèo quần tụ, gắn kết bền vững và có một tâm hồn ý thức rất đẹp, nhưng giờ đây bị phá vỡ.
Hịện nay, người cha người mẹ đã không ứng xử tốt với người bên cạnh như trước kia nữa. Nếu con cái nhìn thấy cha mẹ mang trong mình sự ích kỉ, đối xử với ông bà, cô dì bằng cách khác, thì đứa trẻ sẽ tiếp cận những điều đó.
Đạo đức hay chủ nghĩa nhân văn không mang tính gien, nó thuộc về tính giáo dục. Khi những chiếc gương trước mặt không sáng, sẽ phản những ánh sáng mờ. Và thế hệ kế cận sẽ học theo điều đó.
Hiện nay, khi những người trí thức, người nắm giữ vị trí then chốt đã không gương mẫu, đã ích kỉ, đã thiển cận, thì thế hệ sau cũng sẽ ứng xử tệ đi. Người ta không hiến dâng nữa, vì người ta nhìn những người bên cạnh và người bên trên không hiến dâng, không chân thực nữa.
Ông cha ta gọi là "nhà dột từ nóc". Mỗi gia đình, mỗi khu phố, mỗi cộng đồng cần xem lại vấn đề đó. Tôi cho đó là vấn đề then chốt.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:Ngày đó, học trò đối với thầy giáo là một tình cảm thiêng liêng. Người thầy luôn được xem như một tấm gương mẫu mực. Còn hôm nay thì thật buồn khi hình ảnh người thầy không còn được như vậy.
Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa: Tôi nghĩ là không chỉ hình ảnh người thầy, cha mẹ, mà cao hơn, tôi vẫn muốn nhắc đến chủ tịch HCM, một người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, xem đời sống, từ bữa ăn, đến tác phong của cụ.
Trong phim tài liệu "Hồ Chí Minh chân dung một con người" có hình ảnh rất ấn tượng: Cụ Hồ đi chiến dịch, mà chỉ có một bộ quần áo sờn rách. Cụ tự giặt đồ bên suối, rồi quần cộc, mình trần, quần đùi ướt vắt trên mũ cát, áo mai ô phơi trên cái gậy tre, Ông Cụ vừa đi vừa phơi quần áo. Rồi bữa ăn của cụ cũng không khác gì bữa cơm của một người nông dân nghèo nhất.
Với tác phong như thế, lối sống như thế của người lãnh đạo cao nhất đất nước, những cán bộ cấp dưới không dám nghĩ đến điều xấu, chứ đừng nói đến làm việc xấu. Tôi nghĩ vai trò của cán bộ rất quan trọng.
Và trong mỗi gia đình thì vai trò của cha mẹ phải là tấm gương cho con. Bố mẹ xấu thì làm sao con cái tử tế được. Chúng ta có cả một ngày “Gia đình Việt Nam”, nhưng thực trạng gia đình lại đang bị bỏ quên. Các bậc cha mẹ chỉ hùng hục lo kiếm tiền. Con cái nương nhờ thày cô, ở nhà là người giúp việc.
Tiền bạc chỉ có giá trị với người đói thôi. Một đứa con nghiện thì cả núi vàng cũng chả là gì. Người thày đầu tiên của con cái phải là bố mẹ. Thày cô chỉ là người phụ thêm.
Việc quản lý xã hội cũng phải bắt đầu từ các gia đình. Nếu bố mẹ nào cũng quản được con cái thì xã hội sẽ không có tội phạm. Việc con cái phạm tội thì bố mẹ không thể vô can. Ngay cả một đứa con còn không “lãnh đạo” nổi thì làm sao tin anh ta có thể lãnh đạo được một phòng, một phường, một tỉnh và lớn hơn nữa…
"Độc quyền" lòng yêu nước?
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều |
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Trước kia, khi cụ Hồ nhìn vào mỗi người dân, thấy lòng yêu nước trong mỗi người, thì tức khắc lòng yêu nước trỗi dậy. Khi cụ nhìn thấy sự hi sinh của người đó đối với dân tộc, thì tức khắc lòng hi sinh trỗi dậy. Những đức tính đẹp và ác ẩn giấu trong mỗi người, khi ta gọi tên thì nó thức dậy.
Ngày nay, một khi có những cán bộ nghĩ độc quyền lòng yêu nước, thì cũng sẽ có những công dân khác tự hỏi mình có thể thể hiện lòng yêu nước như thế nào?
Vấn đề ở đây là cách tập hợp quần chúng, và cụ Hồ là một tấm gương mẫu mực. Cụ Hồ đã đặt lòng yêu nước của cụ - một nhà lãnh tụ, một nhà văn hóa với một người nông dân ngang bằng nhau, và tất cả được dâng hiến.
Đó là một tâm hồn, một nền văn hoá, nhân văn, tư tưởng của những người vĩ đại.
Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa: Chúng ta nên lưu ý, Hồ Chí Minh không phải là chỉ là nhà tư tưởng, nhà lãnh đạo vĩ đại mà còn là danh nhân văn hóa thế giới. Có nhiều nhà hoạt động chính trị, nhưng nhà hoạt động chính trị mà trở thành danh nhân văn hóa thì không nhiều.
Khi chính trị lên tới đỉnh cao thì mới thành được văn hóa, và khi thành văn hóa thì mới có sức sống trường tồn.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thế kỉ 20 dân tộc Việt Nam may mắn có Hồ Chí Minh, vậy thế kỷ 21 này liệu chúng ta sẽ sản sinh một lãnh tụ như thế?
Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa: Tôi nghĩ điều đó không nên đặt ra. Mỗi thời có cái khó, có cách đi của nó. Thiên tài Lỗ Tấn có câu nói nổi tiếng: "Trên mặt đất này không có đường, cứ đi mãi rồi sẽ thành đường". Nhưng đời sau người ta cũng lại nói rất hay và rất đúng rằng: Trên mặt đất đã có đường nhưng cứ đi mãi thì cũng không còn là đường, đường chỉ có ở những bước đi có tính khám phá và sáng tạo.
Bảo vệ tư tưởng của các bậc tiên đế không phải đóng khuôn lại rồi rắp rắp tuân theo một cách máy móc mà lại phải phát triển nó, cập nhật nó để nó không lạc hậu.
Thời đại nào cũng sẽ có vấn vấn đề của thời đại đó, và thời nào cũng phải tìm được câu trả lời .
Sự rạn vỡ nền tảng giá trị bên trong?
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vấn đề thời đại hôm nay là làm sao dân tộc trở thành một cường quốc, không thua kém năm châu - phải chăng đó là mệnh lệnh của dân tộc, là cuộc chiến một mất một còn của chúng ta hiện nay?
Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa: Trong đời sống của ta hiện nay còn ngổn ngang trăm thứ tệ nạn. Nhưng bức tranh chung của toàn xã hội là rất tươi sáng.Trước đây có nằm mơ, ta cũng không dám hình dung lại có được cuộc sống như bây giờ.
Muốn biết công cuộc đổi mới ra sao, phải nhìn vào đời sống của những người nghèo nhất xã hội, đó là nông dân. Đời sống nông dân quả thật cũng đã được cải thiện một bước. Nhưng làm thế nào đánh thức được tiềm năng dân tộc như Cụ Hồ đã làm trong những năm kháng chiến. Vấn đề là ở đó, chứ tiềm lực đã có sẵn trong nhân dân rồi.
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Tôi cảm thấy chúng ta quan tâm tới sự bền vững của những ngôi nhà chọc trời, mà chưa quan tâm tới sự bền vững của giá trị khác, văn hóa và đức hạnh của con người.
Chúng ta phải thừa nhận rằng kinh tế phát triển, đời sống cải thiện, nhưng sự suy đồi đang tăng lên, trong mỗi gia đình, trong chính họ hàng, trong công sở, đường phố của chúng ta. Đó là điều đáng báo động. Không phải những tội ác dễ nhìn thấy như giết người, cướp của, mà trong cách đối xử của người với người đã khác đi, giá lạnh hơn, cô độc hơn.
Trong một đất nước có văn hóa, trí tuệ và có khát vọng về đời sống hòa bình, hạnh phúc, trong nền tảng văn hóa ấy, khát vọng con người đến lúc nào đó sẽ đứng dậy, sẽ phục hồi?
Thời điểm này, vấn đề đặt ra là trong sự bền vững của những tòa nhà bê tông sắt thép kia, và sự rạn nứt của các nền tảng văn hóa, thì chúng ta lựa chọn và cân bằng thế nào? Đây là một thách thức không nhỏ, và hình như chúng ta lại đang ít quan tâm. Trong báo chí, trong lương tâm chúng ta, trong những câu chuyện trong quán trà, quán cà phê.. dường như rất ít.
Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa: Tôi cũng đồng ý với anh như vậy. Đó là điều cần phải được lưu tâm
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Đó không chỉ là điều cần lưu tâm mà là điều báo động, báo động ở cấp cao nhất. Tôi có nhiều dịp sang các nước khác, sang Mỹ, Úc không phải để chiêm ngưỡng những toà nhà cao tầng - điều đó Việt Nam sẽ làm được trong tương lai, không phải 100 năm nữa mà chỉ 5, 10 năm nữa.
Tôi nhìn sâu hơn vào đời sống của họ, những người mà ta nghĩ ở đó sinh ra chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa vật chất. Nhưng thực ra, ở đó lại là nơi sinh ra sự gắn kết, sự tinh tế, sự nhìn nhận một đám mây, bông hoa, ngọn cỏ, hay một gương mặt người. Điều đó rất quan trọng.
Vừa rồi tôi cũng có cuộc nói chuyện về vấn đề cái gì đã tạo ra sức mạnh Mỹ, trong đó có những nhà độc tài, những nhà tư bản, nhưng quan trọng hơn, là nước Mỹ đã trọng thị mỗi con người, bảo vệ mỗi con người đó, để khái thác tối đa năng lực, trí tuệ và sự dâng hiến của mỗi người. Điều đó làm nước Mỹ trở nên mạnh.
(Theo báo VietNamNet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com