Sự suy giảm về giá trị sản xuất công nghiệp từ đầu năm đến nay là dấu hiệu rất đáng lo ngại vì công nghiệp luôn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là giá trị gia tăng (VA) trong công nghiệp đang có xu hướng ngày càng suy giảm so với giá trị sản xuất công nghiệp (GO).
Theo viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, bộ Công thương, trong các năm 2006 – 2007, VA công nghiệp tăng trung bình 10,27%/năm. Nhưng đến năm 2008, VA công nghiệp đã giảm nhanh hơn GO khá nhiều, chỉ còn 8,14% do chi phí đầu vào tăng nhanh, làm giảm hiệu quả sản xuất các ngành công nghiệp. Tệ hơn, sáu tháng đầu năm nay, tốc độ tăng VA công nghiệp chỉ còn tăng 3,48%.
Nhiều năm qua, ngành công nghiệp phát triển theo hướng gia công, lắp ráp là chủ yếu. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp luôn cao hơn tốc độ tăng giá trị tăng thêm (GO>VA). Tỷ trọng các ngành công nghiệp có tỷ lệ VA/GO cao cũng ngày càng giảm sút. Theo thống kê, ngành công nghiệp khai thác sau 12 năm phát triển, đến nay, tỷ lệ VA/GO giảm 6,93%; công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản giảm 6,29%, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có tỷ lệ VA/GO giảm 2,75%... Trong khi đó, các ngành công nghiệp có tỷ lệ VA/GO thấp lại phát triển nhanh, và chiếm tỷ trọng ngày càng cao như công nghiệp cơ khí tăng 9,9 điểm %; công nghiệp điện tử tăng 1,57 điểm %, công nghiệp hoá chất tăng 3,44 điểm %... Tuy nhiên, sức tăng chậm VA của các ngành này vẫn không bù được tốc độ giảm, làm tỷ trọng VA/GO và tốc độ tăng VA chung của ngành công nghiệp giảm sút liên tục.
Trên thực tế, cơ cấu các thành phần kinh tế trong ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực: công nghiệp quốc doanh giảm dần (từ 34,16% năm 2000 còn 16,5% năm 2008) và công nghiệp ngoài quốc doanh tăng lên (từ 24,55% năm 2000 lên 33,15 năm 2008). Khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh: năm 2000, chiếm tỷ trọng 41,3%, nhưng năm 2008 đã chiếm 45,6%. Nhưng sự dịch chuyển này cũng không cải thiện được tỷ trọng VA/GO do khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, dù đạt hiệu quả cao hơn, nhưng thiếu sự quan tâm, gặp nhiều khó khăn về vốn, đất đai, chính sách hỗ trợ hơn nhiều so với khu vực doanh nghiệp nhà nước. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, lại chủ yếu thu hút các dự án đầu tư vào các ngành có VA thấp, tiêu hao nhiều năng lượng, tài nguyên, nên tỷ trọng VA/GO càng thấp.
Theo ông Phan Đăng Tuất, viện trưởng viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp, hiện tượng GO tăng nhanh mà không làm tăng VA như ở Việt Nam, được các nhà nghiên cứu kinh tế gọi là hiện tượng “tăng trưởng bần cùng hoá” (càng tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng càng giảm). “Giống như ngành công nghiệp ôtô, ở nước ta, hầu hết các ngành công nghiệp đều trong tình trạng thiếu “cốt chủ lực”, cái gì cũng muốn có, nên sản phẩm phong phú về chủng loại, nhưng chưa có loại nào đáng kể trên thương trường quốc tế. Người ta ví mô hình phát triển như thế này là cơ cấu quả mít, hay cơ cấu hàng xén. Nói cách khác là, chúng ta chưa định dạng được một cơ cấu công nghiệp hợp lý, hay rộng ra nữa, là chưa có một cơ cấu kinh tế phù hợp để phát triển bền vững”, ông Tuất nói.
Ông viện trưởng viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp cho rằng, để sửa chữa cho những sai lầm ấy, cần sớm phải thực hiện đồng bộ các chính sách về thu hút đầu tư, tài chính, lao động tiền lương… tập trung phát triển các ngành công nghiệp có VA cao, tiết kiệm năng lượng; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ và đầu tư, nhất là cần phải tập trung phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp mới, then chốt.
Một số ý kiến khác cho rằng cũng cần phải cổ phần hoá mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp nhà nước, lựa chọn cẩn thận các đối tác chiến lược cho các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp để tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia… Tình trạng giậm chân tại chỗ của các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp của Việt Nam ở khâu gia công, lắp ráp, ở tình trạng sản xuất khép kín hiện nay, không thể nào làm tăng tỷ trọng VA/GO – như một chỉ số quan trọng nhất, đánh giá sự phát triển công nghiệp của một quốc gia.
( Theo Mạnh Quân // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com