Một trong các yếu tố chính để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng đổi mới công nghệ, đón đầu xu hướng tiêu dùng. Trên thực tế, một số doanh nghiệp trong nước cũng chứng tỏ được khả năng này, sau thời gian thâm nhập, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng trong nước
Nếu như mấy năm trước, chỉ có các công ty nước ngoài có sản phẩm ứng dụng công nghệ nano, thì nay công ty trong nước bắt đầu tung ra thị trường sản phẩm ứng dụng công nghệ được ví như chủ đạo của thế kỷ 21 này.
Tiên phong công nghệ mới
Năm 2008, Đại Đồng Tiến công bố ứng dụng thành công công nghệ nano – silver trên sản phẩm nhựa ở dòng sản phẩm Sina (viết tắt của Nano – Silver). Nhờ có công nghệ này, sản phẩm nhựa sẽ bảo quản thực phẩm tươi lâu hơn, không bị thay đổi chất và đặc biệt là diệt khuẩn, khử mùi.
Không riêng gì Đại Đồng Tiến đầu tư áp dụng công nghệ trên, sứ Minh Long cũng ứng dụng công nghệ nano vào sản phẩm sứ. Theo ông Lý Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty gốm sứ Minh Long 1, lợi ích của công nghệ nano là mặt men bóng sáng, bền chắc, không bị trầy xước khi cọ rửa, không bám lại bất cứ chất bẩn nào trên bề mặt…
Cả hai doanh nghiệp trên đều sử dụng công nghệ để tạo sự khác biệt cho sản phẩm. Ông Trịnh Cường, tổng giám đốc công ty Đại Đồng Tiến cho biết: “Điểm mạnh trong công nghệ hiện đại của Đại Đồng Tiến là sản xuất pallet ép một lần (trong khi các nơi khác phải ép 3 – 4 lần) còn gọi là pallet liền khối, giúp sản phẩm có tải trọng vượt trội so với pallet nối ghép. Chất liệu được làm bằng HDPE chuyên dụng nên chịu lực tốt, tăng độ bền, bảo vệ sản phẩm trước tác động của tia tử ngoại và ngăn chặn quá trình lão hoá...”
Ngoài ứng dụng nano, sứ Minh Long hiện áp dụng công nghệ vẽ màu ở nhiệt độ cao – lên đến 1.350 độ C, mà nhiều công ty nổi tiếng trên thế giới vẫn chưa làm được. Kỹ thuật này tạo hoa văn chìm vào trong men, tăng hiệu ứng ba chiều cho hình ảnh lung linh huyền ảo hơn. Hành trình xây dựng công nghệ vẽ màu ở nhiệt độ cao, theo ông Lý Ngọc Minh, mất hơn ba năm. Đền bù lại, ông Minh có các sản phẩm có màu đỏ cung đình thuộc vào hàng hiếm trong gốm sứ.
Xem khách là chủ
Để có sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp, bắt kịp nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng, ông Minh quan niệm rằng: Muốn bán được hàng, giá hợp lý thì phải làm hàng tốt, đẹp. Đặt mình vào vị thế người làm công, còn khách hàng là chủ, ông Minh ví von: “Có làm tốt, chủ hài lòng, mới mong nhận được công cao”.
Nói vậy mà Minh Long mất hơn hai năm để chuẩn bị cho thâm nhập thị trường nội địa. Năm 1996, khi trở lại thị trường trong nước, cơ cấu xuất khẩu chiếm tới 98%. Nay, cơ cấu tiêu thụ trong nước chiếm 60% sản lượng của Minh Long.
Xác định lợi thế cạnh tranh dựa vào công nghệ tốt, quản lý giỏi, bổ sung cho giá nhân công và chi phí sản xuất ở Việt Nam rẻ, từ năm 2007, Đại Đồng Tiến chọn sử dụng các thiết bị từ những nước có công nghệ nguồn như Đức, Nhật, Mỹ… để có được ưu thế công nghệ. Công ty cũng mở các cửa hàng trưng bày, mang đến cho khách hàng hình ảnh toàn diện về tổng thể sản phẩm, về những tiện nghi mới trong cuộc sống. Hiện nay, Đại Đồng Tiến đã có hệ thống phân phối bao phủ từ Bắc vào Nam gồm ba chi nhánh ở Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Nội, hơn 800 cửa hàng, đại lý chính thức. Trên 90% sản phẩm công ty làm ra chủ yếu phục vụ cho thị trường trong nước và 10% phục vụ cho thị trường xuất khẩu.
Cái khó của người quản lý, theo ông Lý Ngọc Minh, là làm sao cho “ông chủ” luôn vui vẻ kể cả khi tăng giá. “Kinh doanh mà giá lên, rồi mình lên giá theo, thì dễ quá”, ông Minh nói. Trong đợt thị trường sốt giá, có lúc giá nguyên liệu tăng gần gấp đôi, nhưng ông Minh vẫn không tăng giá. Thay vào đó, họ rà soát lại các công đoạn sản xuất để tiết kiệm chi phí. Kinh nghiệm của những người kinh doanh như sứ Minh Long hay Đại Đồng Tiến, là phải “tự mình lót đường cho mình mà đi” như chia sẻ của ông Lý Ngọc Minh.
( Theo Bích Thảo – Quang Tâm // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com