Kết quả kiểm toán năm 2008 tại 224 doanh nghiệp (DN) thành viên thuộc 16 tập đoàn, tổng công ty nhà nước vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố, lại một lần nữa khiến dư luận không khỏi băn khoăn về thực trạng quản lý, giám sát đối với hoạt động của các DN này.
Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của các DN nhà nước đối với sự phát triển kinh tế đất nước, cũng như những nỗ lực của bản thân các DN này trong sản xuất - kinh doanh, bởi trong số hơn 224 DN được kiểm toán, có tới 208 DN làm ăn có lãi, với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 11.975 tỷ đồng. Tuy nhiên, cùng với đó là không ít vấn đề nổi cộm.
Đó là tổng số nợ của các DN quá lớn, lên đến 181.005 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân lên tới 1,62 lần. Trong số này, có những đơn vị có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu quá lớn, như Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (88,75 lần), Tổng công ty Công trình giao thông 8 (29,87 lần), Tổng công ty Lắp máy (17,27 lần)…
Đáng nói là, ở nhiều DN, do vốn chủ sở hữu quá thấp, hoạt động sản xuất - kinh doanh chủ yếu bằng vốn vay, việc cân đối tài chính trở nên bấp bênh, chi phí lãi vay cao, kinh doanh thua lỗ… Trong "trạng thái" như vậy, nhưng phần lớn DN vẫn đầu tư lớn ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính. Chẳng hạn, Tổng công ty Lắp máy đầu tư ra ngoài tới 775,39 tỷ đồng, bằng 128,21% vốn chủ sở hữu. Hiệu quả đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính chưa cao. Ngay cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị được đánh giá là có hoạt động sản xuất - kinh doanh khá hiệu quả, cũng phải chịu áp lực khá lớn khi vẫn còn tới 1.767 tỷ đồng chi phí khuyến mại dịch vụ viễn thông bằng thiết bị đầu cuối chưa phân bổ được, tạo gánh nặng tài chính cho các năm sau.
Một khía cạnh khác cũng rất đáng chú ý, đó là báo cáo tài chính của hầu hết DN phản ánh chưa đúng tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh của DN. Đây là chuyện thường thấy sau mỗi kỳ kiểm toán.
Thực ra, tất cả những vấn đề này đã được dư luận nhắc tới rất nhiều trong năm vừa qua. Kết quả kiểm toán vừa được công bố chỉ như thêm một lần nữa xác nhận lại và chứng minh rằng, những băn khoăn, lo ngại về sự buông lỏng quản lý đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh tại nhiều DN nhà nước là có thật.
Và rằng, nắm trong tay một lượng vốn và tín dụng lớn của Nhà nước, lại được hưởng không ít ưu đãi, nhưng hiệu quả hoạt động kinh doanh của nhiều DN nhà nước chưa được như mong đợi. Điều đó càng đòi hỏi các cơ quan chức năng phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của các DN trên.
Liên quan tới vấn đề này, dư luận trông chờ nhiều vào hiệu lực của Nghị định 09/2009/NĐ-CP về Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác (được ban hành hồi đầu năm). Tới nay, cho dù vẫn còn những bàn cãi xung quanh vấn đề thời hiệu của Nghị định, song những quy định về tỷ lệ nợ trên vốn điều lệ, cũng như tỷ lệ đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng, chứng khoán… của nghị định này cần sớm được triển khai trong thực tế, để có thể giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả hơn vốn của Nhà nước trong các DN nhà nước.
(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com