Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ninh Bình: Tiềm năng và cơ hội đầu tư

Với vị trí thuận lợi, là cửa ngõ phía Nam, cách thủ đô Hà Nội hơn 90km, Ninh Bình có vị trí chiến lược quan trọng, là nơi giao lưu kinh tế, văn hóa giữa 2 lưu vực sông Hồng và sông Mã. Đây cũng là địa danh ngàn năm văn hiến, nổi tiếng với những thắng cảnh mang tầm cỡ quốc tế: Rừng quốc gia Cúc Phương, khu du lịch Tam Cốc, Bích Động, Kênh Gà - Vân Trình, khu du lịch sinh thái hang động Tràng An, Nhà thờ đá Phát Diệm... Trong công cuộc đổi mới và hội nhập, Ninh Bình đang từng bước vươn lên phấn đấu tạo nên nhiều chuyển biến tích cực, làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội.
   

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Lế khởi công xây dựng nhà máy Đạm Ninh Bình


TIỀM NĂNG LỚN

Nằm cách thủ đô Hà Nội hơn 90 km trên tuyến đường giao thông Bắc - Nam, quan trọng vào bậc nhất của nước ta, Ninh Bình là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế và văn hoá giữa lưu vực sông Hồng với lưu vực sông Mã, giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng núi rừng Tây Bắc của Tổ quốc. Trên địa bàn Tỉnh có Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10; 12A; 12B và đường sắt Bắc Nam chạy qua cùng hệ thống sông ngòi dày đặc như: sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Càn, sông Vạc, Sông Vân... tạo thành mạng lưới giao thông thuỷ, bộ rất thuận tiện cho giao lưu phát triển kinh tế trong và ngoài Tỉnh.

Địa hình Ninh Bình phân chia thành ba vùng tương đối rõ nét, vùng đồi núi ở phía Tây và Tây Bắc; vùng đồng bằng trũng trung tâm và vùng đồng bằng ven biển phía Đông và phía Nam. Do phù sa bồi đắp hàng năm, đồng bằng tiến ra biển từ 80- 100m, tạo  nên vùng đất mới phì nhiêu, màu mỡ. Mỗi vùng có tiềm năng và thế mạnh riêng, song ba vùng có thể bổ sung hỗ trợ nhau để phát triển nền kinh tế hàng hoá toàn diện cả cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, nuôi trồng thuỷ, hải sản, công nghiệp vật liệu xây dựng và công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm.

Tiềm năng về nông, lâm nghiệp

Ninh Bình có nền khí hậu nhiệt đới, gió mùa tương đối thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23oC, lượng mưa trung bình năm trên 1800mm, tập trung chủ yếu vào mùa hạ (từ tháng 5 đến tháng 9).

Toàn Tỉnh có trên 1.400 km2 đất tự nhiên với thành phần khá đa dạng: Phù sa ở vùng đồng bằng ven biển, thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản và trồng cây cói; phù sa cũ tập trung ở vùng đồng bằng trũng thích ứng cho thâm canh hoa màu, cây lương thực có chất lượng cao; đất Feralitic ở vùng nửa đồi núi thích hợp cho việc phát triển nhiều loại cây trồng như cây ăn quả, cây công nghiệp và cây dược liệu. Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng có nguồn than bùn trữ lượng khoảng 2 triệu tấn phân bố ở Gia Sơn, Sơn Hà (Nho Quan), dùng để sản xuất phân vi sinh phục vụ phát triển nền nông nghiệp sinh thái.

Với diện tích đất nông nghiệp 96.797,19 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 63.214 ha, đất lâm nghiệp 27.537 ha, dân số gần 1 triệu người, trong đó hơn 80% là dân số nông thôn, có thể nói, mảnh đất Ninh Bình được hội tụ đầy đủ các yếu tố: tự nhiên, địa lý và khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện, sinh thái đa dạng hóa theo hướng sản xuất hàng hóa.

Toàn Tỉnh được chia thành 3 vùng sinh thái: Vùng biển có đất phù sa và đất bãi bồi ven biển thuận lợi cho việc trồng lúa, cói, nuôi trồng thủy sản; vùng đồng bằng đất phù sa thuận lợi cho việc gieo trồng lúa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm; vùng đồi núi bán sơn địa đất Feralitic thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, trồng rừng và chăn nuôi đại gia súc.

Nông nghiệp Ninh Bình được đánh giá là ngành kinh tế quan trọng, chiếm 30,65% GDP toàn Tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường.

Tiềm năng về công nghiệp

Nằm gần các địa bàn kinh tế trọng điểm phía Bắc với tuyến hành lang Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Ninh Bình có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy từ cấp địa phương đến quốc gia phong phú nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu và hàng hóa phục vụ sản xuất.

Ninh Bình có trên 20.000 ha diện tích núi đá với trữ lượng hàng chục tỷ m³ đá vôi, hàng chục triệu tấn đôlômít, hàm lượng MgO 17-19% chất lượng tốt làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, trước hết là xi măng và một số hóa chất khác. Tỉnh cũng sở hữu một hàm lượng đất sét lớn phân bổ rải rác ở các vùng đồi núi thấp thuộc thị xã Tam Điệp, các huyện Gia Viễn, Yên Mô dùng để sản xuất gạch ngói và làm nguyên liệu cho sản xuất xi măng.

Tỉnh có nguồn nước khoáng lớn thuộc 2 vùng: Nước suối Kênh Gà (Gia Viễn) có vị mặn, trữ lượng lớn, thường xuyên có nhiệt độ tới 53-54oC, có thể khai thác đưa vào tắm ngâm chữa bệnh kết hợp với du lịch; nước khoáng Cúc Phương có thành phần magiêbicarbonat cao dùng để sản xuất giải khát và tắm ngâm chữa bệnh.

Cùng với đó, Ninh Bình còn có hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ ngày càng phát triển. Mạng lưới bưu điện của Tỉnh có 32 bưu cục (1 trung tâm, 7 huyện thị và 24 khu vực). Hiện nay toàn Tỉnh có khoảng 120.000 máy điện thoại, hơn 2.000 thuê bao internet. Các tổng đài kỹ thuật số đã được trang bị ở tất cả các trung tâm huyện, thành phố, thị xã và các tiểu vùng kinh tế; 100% số xã đã có điện thoại.

Tiềm năng về du lịch

Cùng với tiềm năng về công, nông, lâm nghiệp, Ninh Bình còn có thế mạnh phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Ninh Bình có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng như: Cố đô Hoa Lư (tại xã Trường Yên- Hoa Lư)- là kinh đô của Nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, hiện nơi đây có đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành; khu du lịch Tam Cốc- Bích Động (tại xã Ninh Hải- Hoa Lư) đã được tặng chữ: “ am thiên đệ nhị động” hay “Vịnh Hạ Long cạn”; Vườn Quốc gia Cúc Phương (thuộc huyện Nho Quan) với diện tích rừng nguyên sinh khoảng 22.000 ha, có nhiều động thực vật quý hiếm, có cây Chò ngàn năm tuổi, có động Người xưa; khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, động Vân Trình, nước nóng Kênh Gà, khu hang động Tràng An, Nhà thờ đá Phát Diệm, khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương, khu phòng tuyến Biện Sơn- Tam Điệp... rất hấp dẫn khách du lịch.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình, địa bàn Tỉnh được quy hoạch làm 07 khu du lịch chính: Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động - Tràng An - cố đô Hoa Lư; khu du lịch Trung tâm thành phố Ninh Bình; khu du lịch Cúc Phương - Kỳ Phú - hồ Đồng Chương; khu du lịch suối nước nóng Kênh Gà - động Vân Trình - khu Bảo tồn tự nhiên đất ngập nước Vân Long - chùa Địch Lộng; khu du lịch phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn; khu du lịch hồ Yên Thắng - hồ Đồng Thái - động Mã Tiên - cửa Thần Phù; khu du lịch nhà thờ đá Phát Diệm và khu dự trữ sinh quyển ngập mặn Kim Sơn.

Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch của Tỉnh được đánh giá cao với khoảng 3.000 khách sạn, nhà hàng đạt tiêu chuẩn.

CƠ HỘI ĐẦU TƯ

Định hướng thu hút đầu tư

Trong thời gian tới, Ninh Bình định hướng thu hút đầu tư trên 3 quan điểm chính: (1) Thu hút đầu tư gắn liền với chiến lược phát triển chung của đất nước, quy hoạch phát triển ngành, đảm bảo đúng hướng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của đất nước; (2) Khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm và các dự án kêu gọi vốn đầu tư mà Tỉnh có thế mạnh nhằm khai thác tiềm năng, sử dụng cơ sở hạ tầng nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp; (3) thu hút đầu tư để phát triển kinh tế phải gắn liền với việc thúc đẩy phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường, do đó việc thu hút vốn và công nghệ từ các nhà đầu tư phải đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.

Cụ thể, Ninh Bình ưu tiên phát triển du lịch và dịch vụ du lịch, trong đó chú trọng phát triển các loại hình du lịch dịch vụ chất lượng cao như Khu nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí, làng du lịch, khách sạn tiêu chuẩn 3-5 sao,… Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng, công nghiệp thực phẩm, khuyến khích đầu tư công nghiệp cơ khí, công nghệ thông tin, công nghiệp điện, điện tử, khai thác và chế biến nông lâm thủy sản; phát triển các loại hình dịch vụ tài chính - ngân hàng, dịch vụ y tế, dịch vụ đào tạo,…

Tỉnh cũng khuyến khích và có chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với các dự án kêu gọi vốn đầu tư, những ngành nghề và địa bàn trọng điểm thu hút đầu tư. Căn cứ các quy định hiện hành của Nhà nước về đầu tư, Ninh Bình ban hành chính sách về ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, khu du lịch trên địa bàn Tỉnh, trong đó quy định rõ ưu đãi về đơn giá thuê đất, thuê mặt nước, vốn đầu tư, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đào tạo lao động,…

Một hướng quan trọng nữa là đẩy mạnh cải cách hành chính, xử lý các vướng mắc về thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư và đăng ký kinh doanh là nhiệm vụ cấp bách, là giải pháp cơ bản về lâu dài để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chính sách ưu đãi đầu tư

Nhằm phát huy mọi nguồn lực, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh, Tỉnh ủy, UBND Tỉnh đã ban hành các chính sách nhằm khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư vào Ninh Bình như: Quyết định 226/2003/QĐ-UB; Quyết định 198/2003/QĐ-UB; Quyết định 532/2004/QĐ-UB; Quyết định 357/2006/QĐ-UBND; Quyết định 1556/2006/QĐ-UBND. Các quyết định này của Tỉnh mở ra nhiều cơ hội lớn cho các nhà đầu tư khi đến với Ninh Bình.

Về giá thuê đất và miễn, giảm tiền thuê đất: Ngoài các quy định của Nhà nước, các Nhà đầu tư có vốn đầu tư vào các khu công nghiệp, khu du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được thuê đất với mức giá thấp nhất trong khung giá các loại đất ban hành kèm theo Nghị định số 87/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ, tại địa bàn có dự án đầu tư; được miễn tiền thuê đất trong 10 năm và giảm 50% số tiền thuê đất cho 10 năm tiếp theo. Không thu tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở cho công nhân, đất trồng cây xanh, phục vụ phúc lợi công cộng...

Về thuế thu nhập doanh nghiệp: Ngoài các quy định của Nhà nước, các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, khu du lịch được cấp lại 100% số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp 02 năm và 50% số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm thứ ba kể từ khi nhà đầu tư phải nộp thuế theo luật định.

Về vốn đầu tư: Ninh Bình thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư của Tỉnh để thực hiện các ưu đãi khuyến khích đầu tư theo quy định của UBND Tỉnh. Các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, khu du lịch được ưu tiên bố trí vốn tín dụng ưu đãi theo kế hoạch Nhà nước hàng năm (nếu có nhu cầu vốn đầu tư), hoặc cấp Giấy phép ưu đãi đầu tư để hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo kế hoạch đầu tư hàng năm của địa phương.

Về lãi suất vốn vay, lãi suất cho thuê tài chính và phí cung cấp các dịch vụ của Ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, khu du lịch được các ngân hàng thương mại quốc doanh trên địa bàn tỉnh cho vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và cho thuê tài chính với lãi suất giảm từ 5% đến 10% so với lãi suất cho vay vốn và lãi suất cho thuê tài chính đối với khách hàng bình thường.

Các ngân hàng thương mại quốc doanh trên địa bàn Tỉnh thu phí thanh toán qua ngân hàng và các dịch vụ khác do ngân hàng cung cấp với mức thấp nhất trong khung phí hiện hành do ngân hàng cấp trên quy định; miễn thu phí dịch vụ tư vấn vay vốn và tư vấn xây dựng dự án kinh tế khi ngân hàng tư vấn cho doanh nghiệp; giảm từ 10% đến 15% mức phí cung cấp thông tin phòng ngừa rủi ro.

Về đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng các khu công nghiệp và khu du lịch.


Các khu công nghiệp và khu du lịch được ngân sách Nhà nước cấp vốn đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào, như: Giải phóng mặt bằng, đường giao thông, hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc, hệ thống cấp, thoát nước và hỗ trợ tối đa 30% kinh phí giải phóng mặt bằng trong hàng rào. Ngân sách Nhà nước cấp 100% kinh phí giải phóng mặt bằng trong các khu công nghiệp.

Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động địa phương

Trên cơ sở nhu cầu sử dụng lao động, các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, khu du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được cung cấp lực lượng lao động đã qua đào tạo. Trường hợp các doanh nghiệp có yêu cầu đào tạo nghề cho người lao động của địa phương, được Ngân sách Tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí, nhưng mức tối đa không quá 02 triệu đồng cho một lao động trong cả khoá đào tạo.

Về thông tin quảng cáo

Các Nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, khu du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được giảm 50% phí thông tin, quảng cáo trên đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình và Báo Ninh Bình, thời gian 3 năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động. Nhà đầu tư cũng được giảm 50% chi phí thuê diện tích tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm tổ chức trên địa bàn Tỉnh.

Về thủ tục hành chính

Việc tiếp nhận thủ tục và giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế một cửa. Đối với các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp do Ban Quản lý Các khu công nghiệp Tỉnh giải quyết, còn đối với các dự án đầu tư vào các khu du lịch do Sở Kế hoạch và Đầu tư giải quyết.

Thời gian thực hiện thẩm tra dự án tại Ninh Bình được quy định không quá 20 ngày. Trong khi đó, thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với khu công nghiệp chỉ là không quá 3 ngày; còn đối với khu du lịch là không quá 5 ngày.

Thủ tục thuê đất, giao nhận đất tại thực địa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được thực hiện trong thời gian ngắn. Đối với khu công nghiệp là không quá 5 ngày còn đối với khu du lịch là không quá 20 ngày.

Với nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, kết hợp với các chính sách khuyến khích hấp dẫn, truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo của nhân dân Ninh Bình, khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 14,5%/năm cho cả giai đoạn 2006-2010, đưa Ninh Bình trở thành một trong những điểm mạnh về kinh tế và du lịch của khu vực của Tỉnh là trong tầm tay./.
    

(Hoàng Văn Vịnh - Tạp chí kinh tế và dự báo)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Thành phố Ninh Bình phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển
  • Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050
  • Lạm bàn về bất động sản
  • Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ
  • Đầu tư vốn tín dụng Ngân hàng với phát triển du lịch Quảng Ninh
  • Phát huy lợi thế so sánh tạo đột phá phát triển kinh tế xã hội tỉnh Vĩnh Phúc
  • Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp Quảng Trị
  • Kinh nghiệm phát triển công nghiệp xe máy ở một số nước và bài học với Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi