2. Định vị kinh tế Việt Nam vào đầu thế kỷ XXI
So với các nước xung quanh, trình độ phát triển của kinh tế Việt Nam hiện nay nằm ở đâu? Sau đây ta thử so sánh Việt Nam với Thái Lan, hai nước có số dân xấp xỉ nhau (năm 1990, dân số Việt Nam là 66 triệu người, Thái Lan là 56 triệu; vào cuối năm 2003 dân số Việt Nam là 81 triệu và Thái Lan là 63 triệu), có cấu tạo tài nguyên gần giống nhau, và nhất là vào thập niên 1950, hai nước hầu như có cùng trình độ phát triển. Theo tư liệu của ECAFE, tiền thân của ESCAP (Uỷ ban của Liên hợp quốc về kinh tế và xã hội châu Á - Thái Bình Dương), vào năm 1954 thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 117 USD trong khi của Thái Lan vào năm 1952 là 108 USD (Inđônêxia là 88 USD). Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ là đối tượng so sánh với Việt Nam mặc dù không khảo sát chi tiết như trường hợp Thái Lan. Trung Quốc là nước lớn nhưng có thể chế chính trị, kinh tế giống Việt Nam và cũng đi lên từ một nước nông nghiệp lạc hậu nên sự so sánh cũng hữu ích. Cũng từ ý nghĩ này, tôi đã có dịp so sánh trình độ phát triển của Việt Nam với Trung Quốc trong một bài viết ngắn.
Việc so sánh trình độ phát triển của nước này với nước khác không phải dễ vì khó có một chỉ tiêu tổng hợp nào có thể biểu diễn tổng quát trình độ phát triển của một nước. Tuy nhiên, khảo sát một nhóm các chỉ tiêu cơ bản ta cũng có thể có một hình dung tương đối đầy đủ.
Một chỉ tiêu thường được đem so sánh là tổng sản phẩm quốc gia (GNP) hoặc tổng sản phẩm trong nước (GDP) tính trên đầu người. Theo tư liệu của Ngân hàng thế giới, vào năm 2003, GNP đầu người ở Việt Nam là 480 USD, ở Thái Lan là 2.190 USD và Trung Quốc là 1.100 USD. Tuy nhiên, những con số này không phản ảnh mức sống của dân chúng vì sức mua của đồng USD khác nhau giữa nước này với nước khác. Để so sánh chính xác hơn phải dựa trên GNP hoặc GDP tính theo tỷ giá so sánh ngang sức mua (PPP). Kết quả so sánh cho thấy vào năm 2003, GNP trên đầu người theo PPP của Việt Nam gần 2.500 USD, xấp xỉ 1/2 của Trung Quốc và Philíppin, và người Thái Lan có mức sống cao hơn người Việt Nam khoảng ba lần.
Tuy nhiên, ở đây còn hai vấn đề nữa. Thứ nhất là vấn đề phân phối. Nếu việc phân phối lợi tức quá bất bình đẳng thì ý nghĩa của việc tăng tổng sản phẩm trên đầu người bị giảm đi. Vấn đề thứ hai liên quan đến môi sinh, môi trường, điều kiện làm việc. Hai nước dù có cùng thu nhập trên đầu người (trên cơ sở PPP) nhưng khác nhau ở mặt này thì rõ ràng là chất lượng cuộc sống của dân chúng không giống nhau. Tóm lại, nếu ta phát triển công bằng hơn và trong điều kiện môi trường, môi sinh tốt hơn thì không cần phải đạt gần 7.500 USD mới bằng mức sống của Thái Lan hiện nay.
Một cụm các chỉ tiêu khác chỉ trình độ phát triển của một nước liên quan đến trình độ chuyển dịch cơ cấu của một nền kinh tế. Những nước có mật độ dân số đông và xuất phát từ nền nông nghiệp lạc hậu phải qua con đường công nghiệp hoá mới phát triển được và mới hiện đại hoá được bản thân nền nông nghiệp. Thống kê của Ngân hàng thế giới cho thấy vào năm 1994, tỷ trọng của công nghiệp trong GDP của Việt Nam là khoảng 22%, xấp xỉ tỷ trọng của Thái Lan vào khoảng năm 1980. Theo tính toán của Vũ Quang Việt (1994), chuyên viên cao cấp về thống kê của Liên hợp quốc thì vào năm 1993, tỷ lệ này của Việt Nam chỉ có 15%. Trong cuốn sách xuất bản tám năm trước, chúng tôi căn cứ trên con số này và đánh giá tỷ trọng công nghiệp trong GDP của Việt Nam tương đương với Thái Lan vào năm 1970 (Trần Văn Thọ 1997, Chương 15). Dĩ nhiên sau năm 1993, công nghiệp của Việt Nam phát triển nhanh và vào thời điểm gần đây, theo World Development Indicators của Ngân hàng thế giới, tỷ lệ đó của Việt Nam đã vượt quá 20%, tương đương với Thái Lan vào đầu thập niên 1980 (Thái Lan vào năm 2001 là 32%).
Về tỷ lệ của hàng công nghiệp trong tổng xuất khẩu, vào năm 2002 Việt Nam đã vượt mức 50%, tương đương với Thái Lan vào đầu thập niên 1980. Tổng hợp hai chỉ tiêu công nghiệp hoá và với vài phân tích bổ sung, ta có thể kết luận là vào đầu thế kỷ XXI, Việt Nam đi chậm hơn Thái Lan độ 20 năm. Tám năm trước, căn cứ theo dữ liệu thống kê năm 1993 hoặc 1994, tôi đã cho rằng Việt Nam đi chậm hơn Thái Lan độ 25 năm (Trần Văn Thọ 1997, Chương 15). Hai con số 25 năm và 20 năm vào hai thời điểm 1997 và 2003 nên được đánh giá như thế nào? Việt Nam đã phát triển nhanh hơn Thái Lan trong giai đoạn sau năm 1993 nên vào thời điểm gần đây, khoảng cách giữa Việt Nam và Thái Lan phải ngắn hơn khoảng cách 25 năm. Đây là lĩnh vực khó có sự chính xác về con số cụ thể nhưng ta có thể hình dung khoảng cách hiện nay giữa hai nước là khoảng 20 năm.
(Theo tuổi trẻ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com