Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Triển vọng về cộng đồng kinh tế Đông Á:(2). Bàn về khả năng thiết lập cộng đồng Đông Á trong tương lai

2. Bàn về khả năng thiết lập cộng đồng Đông Á trong tương lai

Kinh tế các nước khu vực Đông Á ngày càng phụ thuộc lẫn nhau qua đầu tư và thương mại. Độ phụ thuộc vào thương mại trong nội bộ của khu vực Đông Á (tỷ lệ kim ngạch thương mại nội bộ trong tổng thương mại của khu vực này đối với thế giới) tăng từ 33,6% năm 1980 lên 51,2% năm 2002. Xét tình hình xuất khẩu của từng nước, ma trận mậu dịch (Bảng 4.2) đã đề cập trong phần trước cũng cho thấy khuynh hướng đó. Như vậy, cho đến nay, dù không có một cơ chế hợp tác chặt chẽ, song kinh tế các nước ở vùng này cũng đã gắn bó mật thiết với nhau qua cơ chế thị trường.


Đồng thời với khuynh hướng đó, như đã phân tích ở các phần trước, trào lưu gần đây cho thấy nhiều nỗ lực nhắm tới việc hình thành các cơ chế hợp tác khu vực mà FTA là trọng tâm. Xoay quanh những nỗ lực này trong liên quan đến khả năng hình thành một cộng đồng Đông Á, ta thấy có hai vấn đề cần được chú ý:

Thứ nhất, trong dài hạn, để thực hiện cộng đồng Đông Á, những bước phát triển (process) sắp tới nên được triển khai như thế nào? Theo ý kiến của tác giả, phương án khả thi phải là từng bước một bắt đầu từ hai mũi: mũi xuất phát từ ASEAN và mũi xuất phát từ một trong ba nước lớn ở Đông Bắc Á (Nhật Bản - Hàn Quốc, Trung Quốc - Hàn Quốc, Nhật Bản - Trung Quốc rồi đến Nhật Bản - Trung Quốc - Hàn Quốc). Hai mũi này sẽ gặp nhau, kết hợp lại để tạo ra một cộng đồng kinh tế chung ở khu vực này. Mũi ASEAN tiến hành với từng nước ở Đông Bắc Á (tức ASEAN+1). Hiện nay FTA giữa ASEAN và Trung Quốc đã được ký kết. Trong tương lai gần, ASEAN với Nhật Bản, sau đó là ASEAN với Hàn Quốc cũng sẽ có những hợp tác tương tự. Mũi ASEAN xem như không có vấn đề gì lớn. Nhưng mũi thứ hai có lẽ không đơn giản vì như đã nói, bối cảnh lịch sử, chính trị đang làm trở ngại, chí ít là làm chậm trễ, quá trình thiết lập những cơ chế hợp tác kinh tế. Có lẽ ít nhất là trong trung hạn (5 - 6 năm tới) sẽ không thấy được những tiến triển cụ thể về
mũi xuất phát từ Đông Bắc Á.

Thứ hai, trong quá trình hướng tới cộng đồng Đông Á, một vấn đề nữa là làm sao để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các nước và giảm những tác động quá mạnh do sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc. Tuy mục tiêu của việc hình thành một cộng đồng là tạo điều kiện hợp tác để cùng phát triển song các nước còn ở trình độ phát triển thấp phải nhanh chóng hội đủ các tiền đề mới tham gia có hiệu quả vào khuôn khổ hợp tác đó. Như sẽ phân tích ở Chương 6, chương trình tự do hoá thương mại trong khuôn khổ FTA giữa ASEAN và Trung Quốc đặc biệt gây tác động đối với các thành viên mới của ASEAN. Sự trỗi dậy quá nhanh của kinh tế Trung Quốc cũng gây một số khó khăn nhất định cho quá trình tái cơ cấu công nghiệp của cả các thành viên ASEAN cũ như Thái Lan, Philíppin. Do đó, vai trò của Nhật Bản, một nước công nghiệp tiên tiến có nền kinh tế lớn nhất khu vực, được xem là rất quan trọng. Việc chuyển giao công nghệ, bí quyết quản lý, kinh doanh và hợp tác tri thức từ Nhật Bản sẽ giúp các nước ASEAN tăng khả năng cnh tranh, đối phó có hiệu quả đối với các thách thức do FTA mang lại và do sự trỗi dậy quá nhanh của kinh tế Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, chính sách tích cực của Nhật Bản gần đây đối với ASEAN là rất đáng chú ý. Đỉnh cao của chính sách này là Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Nhật Bản - ASEAN vào hai ngày 11 và 12-12-2003 tại Tôkyô. Gọi là “đặc biệt” vì đây là lần đầu tiên một hội nghị như vậy được tổ chức tại một nước không phải là thành viên ASEAN. Bối cảnh mới của kinh tế - chính trị châu Á mà nổi bật là sự lớn mạnh của Trung Quốc đã thúc đẩy quan hệ đặc biệt giữa Nhật Bản với ASEAN.

Hai ngày của hội nghị thượng đỉnh được kết thúc bằng Tuyên ngôn Tôkyô và Kế hoạch hành động cho giai đoạn trung và dài hạn sắp tới. Theo Tuyên ngôn Tôkyô, Nhật Bản và các nước ASEAN quyết tâm tiếp tục mở rộng, đẩy mạnh hợp tác trên tinh thần đối tác chiến lược (strategic partnership). Nhật Bản sẽ đặt ưu tiên cao cho nỗ lực giúp các nước ASEAN phát triển và hội nhập (integration) với nhau hơn nữa. Với phương châm đó, Nhật sẽ ưu tiên cấp tiền viện trợ và vốn vay ưu đãi (ODA) cho ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nhân tài, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, và giúp phát triển các nước thuộc lưu vực sông Mêkông để rút ngắn khoảng cách giữa hai nhóm nước (sáu nước thành viên cũ và bốn nước thành viên mới) trong khối này. Mặt khác, Nhật Bản - ASEAN sẽ tăng cường sự liên kết kinh tế về mọi mặt. Cho đến năm 2012, hai bên sẽ cụ thể hoá ý  tưởng này bằng việc ký Hiệp định liên kết kinh tế toàn diện Nhật Bản ASEAN (JACEP) mà Thủ tướng Koizumi Junichiro đề xướng tại Xingapo tháng 1-2002. Sự liên kết này có phạm vi
rộng, từ trao đổi hàng hoá, dịch vụ, đến hợp tác đầu tư, tài chính, tiền tệ, công nghệ thông tin, năng lượng, v.v.. Trên quan hệ đặc biệt này, Nhật Bản và ASEAN sẽ hợp tác trong các vấn đề của khu vực và thế giới.

Một số nội dung cụ thể trong Kế hoạch hành động là quyết định lấy năm 2005 làm thời điểm bắt đầu thương lượng để tiến tới việc ký kết Hiệp định JACEP. Nhật Bản cũng đã cam kết trong năm năm tới sẽ đưa một vạn sinh viên và thực tập sinh ASEAN sang Nhật Bản học hoặc tu nghiệp, trong ba năm tới sẽ chi ra 1,5 tỷ USD để giúp ASEAN đào tạo nhân tài và 1,5 tỷ USD để giúp phát triển khu vực sông Mêkông. Nhật cũng sẽ giúp tăng cường cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân tài để phát triển công nghệ thông tin, xe hơi điện tử… tại ASEAN và xúc tiến FDI từ Nhật Bản sang các nước này.

Đặc điểm của Tuyên ngôn Tôkyô và Kế hoạch hành động là sự cam kết cao độ của Nhật Bản trong việc giúp các nước ASEAN hơn nữa. Đây là chiến lược của Nhật Bản nhằm tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc tại vùng Đông Nam Á. Mặt khác, Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt này cũng cho thấy ASEAN muốn tận dụng khả năng của Nhật để tăng cường năng lực cạnh tranh trước sức mạnh áp đảo của  kinh tế Trung Quốc.
 


Quan hệ Nhật Bản - ASEAN được đẩy mạnh lên một bước từ năm 1977 khi Thủ tướng Nhật Bản đương thời Fukuda công du năm nước thành viên ban đầu và phát biểu chính sách đặc biệt dùng ODA để vừa giúp từng nước thành viên vừa xây những ngành công nghiệp chung cho toàn khối. Quan hệ này lại phát triển một bước lớn khi các công ty Nhật Bản ào ạt sang đầu tư trực tiếp (FDI) tại Thái Lan, Malaixia, Xingapo và Inđônêxia sau khi đồng yên tăng giá đột ngột vào cuối năm 1985. ODA và FDI của Nhật Bản đã tạo ra một sự gắn bó mật thiết giữa Nhật Bản với ASEAN trong mấy thập kỷ qua, một quan hệ mà Tuyên ngôn Tôkyô ghi nhận là một đối tác đồng hành đồng tiến.

Tuy nhiên, từ giữa thập niên 1990, quan hệ Nhật Bản - ASEAN đối mặt với một tình huống mới: kinh tế Nhật Bản suy thoái triền miên, ngân sách dành cho ODA phải bị cắt giảm, chính phủ thay đổi luôn nên lãnh đạo có khuynh hướng hướng nội, ít ai quan tâm tăng cường quan hệ với những vùng không có vấn đề gì nổi cộm. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Nhật tích cực hành động qua sáng kiến Miyazawa (30 tỷ USD) và cung cấp vốn vay đặc biệt (650 tỷ yên) cho các nước ASEAN (và Hàn Quốc) nhưng những cố gắng có tính chất tình thế này chỉ giúp các nước châu Á hồi phục sau khủng hoảng chứ không giúp ASEAN đối kháng lại với một trào lưu mới, đó là sự xuất hiện của Trung Quốc với một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ đã thu hút FDI nước ngoài, nhất là của Nhật Bản, và làm giảm bớt thị phần của ASEAN trên thị trường thế giới (Xem lại Chương 3).

Trong lúc ASEAN lo ngại trước áp lực này thì Trung Quốc triển khai chiến lược mới: đưa đề án ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN vào cuối năm 2001. Nội dung của đề án khá cụ thể và rất hấp dẫn đối với ASEAN nên đã được dư luận thế giới chú ý và nhất là ASEAN đã tích cực hưởng ứng. Chính sự kiện này đã làm cho Nhật thấy cần phải quay lại chiến lược ASEAN để vừa duy trì ảnh hưởng tại vùng này, vừa giữ thế chủ động trong quá trình hình thành cộng đồng kinh tế Đông Á (thể chế ASEAN+3) trong tương lai. Đây là bối cảnh ra đời của Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Nhật Bản - ASEAN.

Vùng Đông Á hiện nay đang từng bước hình thành thế ba chân vạc: Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN, trong đó hiện nay ASEAN là yếu nhất nhưng trước mắt đang có lợi điểm là cả Trung Quốc và Nhật đều muốn tranh thủ. ASEAN có thể tận dụng thời cơ này để phát triển nhanh. Đặc biệt trước khi thực hiện FTA với Trung Quốc (năm 2010 đối với 6 nước thành viên cũ và 2015 đối với các nước thành viên mới), ASEAN cần tận dụng kết quả Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vừa qua để nhanh chóng tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế các nước thành viên.   

Khi bàn về cộng đồng Đông Á, nhiều người có khuynh hướng kỳ vọng quá mức vào khả năng hình thành tổ chức đó. Nhưng từ mấy điểm nêu trên, ta thấy rằng, ngay ở vấn đề tự do hoá thương mại không thôi, con đường đi lên cũng chưa suôn sẻ, nên khả năng hình thành một đồng tiền chung, một chính sách tài chính, tiền tệ chung hay chính sách ngoại thương chung đối với các khu vực khác càng trở nên khó khăn. Cũng phải mất ít nhất vài chục năm nữa mới có thể có những tiến triển cụ thể về những vấn đề này. Có thể nói những vấn đề đó là giấc mơ chung của người Đông Á và có thể mong muốn giấc mơ đó sẽ trở thành hiện thực vào một thời điểm khá xa trong tương lai.


Trong vòng 10 năm tới, tự do hoá thương mại trong khuôn khổ FTA và các nỗ lực hợp tác để các nước còn ở trong giai đoạn phát triển thấp có thể rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước là những lĩnh vực có tính khả thi cao. Nội dung của quá trình thực hiện cộng đồng Đông Á trước mắt có lẽ sẽ dựa trên ba lĩnh vực mà Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) nhằm tới, đó là tự do hoá thương mại (trade liberalization), thuận lợi hoá hoạt động thương mại (facilitation), và hợp tác kinh tế kỹ thuật (eco-tech) đối với những nước còn ở trình độ phát triển thấp.      

Kết luận

Vùng Đông Á đang chuyển động về cả hai mặt: một là hoạt động giao thương, đầu tư nhộn nhịp làm cho các nước ngày càng tuỳ thuộc lẫn nhau; hai là các cơ chế hợp tác mà trọng tâm là FTA cũng đang hình thành. Trong tình hình đó, nhiều người kỳ vọng một cộng đồng kinh tế sẽ ra đời tại Đông Á trong tương lai. Tuy nhiên, trong 10 năm trước mắt, tự do thương mại và các kênh hợp tác kinh tế như chuyển giao công nghệ, thuận lợi hoá thương mại vẫn sẽ là những nội dung chủ đạo của quá trình hợp tác Đông Á. Những nội dung khác như thiết lập đồng tiền chung châu Á, xây dựng chính sách tiền tệ - tài chính chung, v.v.. là những vấn đề của một tương lai xa hơn. 

Chủ nghĩa khu vực triển khai theo chiều hướng nói trên sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào? Có thể nói đây là cơ hội giao thương lớn nhất đối với Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới. Nhìn từng quốc gia riêng biệt thì Mỹ là thị trường lớn nhất với số dân 285 triệu người và GDP gần 9.500 tỷ USD. Mỹ cũng đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam từ năm 2003. Tuy nhiên, Đông Á là thị trường đáng kể và nhất là phát triển nhanh hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới. Trước hết, Nhật Bản là thị trường lớn thứ hai trên thế giới với số dân 126 triệu người và GDP gần 5.000 tỷ USD. Thị trường Trung Quốc (số dân: 1,3 tỷ, GDP: 1.080 tỷ USD) và ASEAN (dân số 548 triệu, GDP 650 tỷ USD) còn tương đối nhỏ nhưng phát triển với tốc độ cao sẽ trở thành thị trường đáng kể trong tương lai. Đặc biệt, sự gần gũi về địa lý và văn hoá cùng các cơ chế hợp tác được thúc đẩy trong khuôn khổ FTA sẽ đẩy mạnh phân công quốc tế giữa các nước. Nhiều nghiên cứu cho thấy FTA tại Đông Á có khuynh hướng làm tăng tốc độ phát triển kinh tế của các nước trong khu vực, và những nước hiện có nền kinh tế càng nhỏ thì càng có lợi hơn trong thể chế hợp tác FTA.

Cơ hội mà FTA mang lại cho Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội đó, Việt Nam phải nhanh chóng tăng năng lực cạnh tranh. Hiện nay, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc hoặc giữa Việt Nam với các thành viên cũ của ASEAN là quan hệ Bắc - Nam trong đó Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu và các sản phẩm sơ chế, trong khi nhập khẩu chủ yếu là hàng công nghiệp. Việt Nam phải nhanh chóng tăng sức cạnh tranh để đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp sang Trung Quốc và ASEAN, tạo nên một cơ cấu thương mại hàng ngang với các nước láng giềng, mới tận dụng được hiệu quả mà FTA mang lại (xem thêm các Chương 3, 5 và 6).

---------------------

(Nguồn: Chương 4 trong cuốn sách Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hoá của Giáo sư Kinh tế học Waseda – Tokyo TRẦN VĂN THỌ, Nhà xuất bản Trẻ)


 

(Nguồn: Sưu tầm từ Internet)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Triển vọng về cộng đồng kinh tế Đông Á:(1). Tiến triển của các FTA song phương và đa phương tại Đông Á
  • Phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam
  • Phương hướng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển
  • Giao thông vùng ĐBSCL: Diện mạo mới sau năm 2015
  • Mười vấn đề kinh tế vĩ mô năm 2008
  • Kinh nghiệm phát triển cơ sở hạ tầng đô thị du lịch của một số quốc gia
  • Quy hoạch phát triển Công nghiệp Việt Nam: Xét từ góc độ phát triển bền vững
  • Kinh tế Vùng Kansai và triển vọng hợp tác với Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi