Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế Việt Nam trong tầm nhìn đối chiếu với các nước Đông Á: (1). Kinh tế Việt Nam và Đông Á từ giữa thế kỷ XX

Kinh tế Việt Nam trong tầm nhìn đối chiếu với các nước Đông Á

Nhìn lại nửa sau thế kỷ XX và so sánh Việt Nam với các nước khác trong khu vực Đông Á, cho đến đầu thập niên 1990, điểm nổi bật là khoảng cách kinh tế ngày càng mở rộng giữa ta với các nước lân cận. Từ cuối thập niên 1950, các nước Đông Á nối tiếp nhau phát triển mạnh với đặc trưng là công nghiệp hoá tiến hành sâu rộng khắp khu vực.

Vì điều kiện lịch sử, Việt Nam đã mất đi mấy mươi năm phát triển và bị tụt hậu so với các nước xung quanh. Sau một số năm kể từ khi đổi mới, kinh tế Việt Nam lại bắt đầu nhập cuộc vào dòng thác công nghiệp tại châu Á. Hiện nay, vị trí của Việt Nam ở đâu và đâu là điều kiện để rút ngắn khoảng cách với các nước xung quanh?

Trước năm 1993, các chỉ tiêu kinh tế của Việt Nam được tính theo hệ thống sản xuất vật chất (material product system - MPS) do đó phải tính toán lại và quy đổi các chỉ tiêu ấy sang các chỉ tiêu theo hệ thống tài khoản quốc gia (system of national account - SNA) của Liên hợp quốc mới so sánh được nhịp độ phát triển và cơ cấu kinh kế Việt Nam với kinh tế các nước trong khu vực. Dựa trên kết quả nghiên cứu và tính toán của chúng tôi 6 năm trước11. Tất cả các chú thích trong ruột và cuối trang đều được viện dẫn đầy đủ trong phần Danh mục tư liệu tham khảo. Chẳng hạn kết quả nghiên cứu, tính toán các chỉ tiêu kinh tế của Việt Nam được in trong Trần Văn Thọ chủ biên (2000a). , chương này sẽ đánh giá tình hình phát triển của kinh tế Việt Nam trong nửa sau thế kỷ XX và thử đánh giá khoảng cách phát triển giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Á vào cuối thế kỷ này; nêu một số suy nghĩ về khả năng và điều kiện để Việt Nam rút ngắn được khoảng cách với các nước xung quanh trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI. Phần cuối của chương này sẽ cho thấy con đường rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước xung quanh là phải tiến hành công nghiệp hoá, một chủ đề xuyên suốt cuốn sách này.

1. Kinh tế Việt Nam và Đông Á từ giữa thế kỷ XX 

Trong thời kỳ 1950 - 1973 (riêng Việt Nam là 1955 - 1975), Nhật Bản là nước có tốc độ phát triển vượt bậc, với GDP bình quân đầu người tăng mỗi năm 8%, như vậy mức sống thực tế của người Nhật Bản cứ 8 - 9 năm lại tăng gấp đôi. Việt Nam cùng với Trung Quốc và Philíppin thuộc vào nhóm phát triển thấp nhất, với mức tăng GDP bình quân đầu người chỉ trên dưới 2%, như vậy các nước này cần tới 35 năm để tăng gấp đôi mức sống của dân chúng. Ba nước có ba bối cảnh chính trị khác nhau nhưng có chung đặc điểm là bối cảnh chính trị đã kìm hãm mạnh sự phát triển của lực lượng sản xuất.  

Tại Việt Nam, hầu hết thời kỳ này có đặc điểm là kinh tế thời chiến và chia làm hai miền có thể chế kinh tế, chính trị khác nhau. Kinh tế miền Bắc tăng trưởng bình quân 6% (GDP/đầu người/năm tăng khoảng 3%), miền Nam 3,9% (GDP đầu người tăng 0,8%). Đặc biệt, miền Nam phát triển ở số âm trong giai đoạn 1965 - 75 có lẽ phần lớn do chiến tranh đã lan rộng khắp miền và ở mức độ quyết liệt. Trong thời gian đó, như đã thấy ở Bảng 1.1, trừ Trung Quốc và Philíppin, các nền kinh tế còn lại đạt một thành quả đáng kể, đặc biệt là các nước và lãnh thổ mà vào năm 1979 OECD gọi là các nước công nghiệp hóa mới (NICs) và sau này gọi là các nền kinh tế công nghiệp hoá mới (NIEs) như Hàn Quốc và Đài Loan, v.v.. Từ khoảng đầu thập niên 1960, nhiều nước Đông Á đã tiến hành chiến lược công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu và sang thập niên 1970, các NIEs chuyển sang chiến lược hướng về xuất khẩu và bắt đầu cạnh tranh với Nhật Bản trong những ngành công nghiệp có hàm lượng lao động cao.

Từ giữa thập niên 1960, tỷ trọng công nghiệp trong GDP của Nhật Bản đã đạt đỉnh cao 35% và dừng lại ở đó trong một thời gian khá dài, trong lúc đó Hàn Quốc đuổi theo Nhật Bản với tốc độ rất nhanh. Các nước ASEAN, đặc biệt là Thái Lan và Malaixia, với một tốc độ chậm hơn, cũng tích cực tham gia vào quá trình công nghiệp hoá tại khu vực này. Từ cuối thập niên 1970, làn sóng công nghiệp châu Á bắt đầu lan sang Trung Quốc.

Trong giai đoạn hai (1973 - 1996), sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và chuyển dịch trong nội bộ bộ môn công nghiệp từ những ngành có hàm lượng lao động cao sang các ngành sử dụng nhiều tư bản và công nghệ đã đưa nền kinh tế các nước châu Á phát triển với tốc độ cao hơn giai đoạn trước. Trong giai đoạn này, trừ Nhật Bản, Philíppin và Việt Nam, GDP bình quân đầu người tại các nước Đông Á đã tăng vọt so với giai đoạn trước (Đài Loan giữ mức rất cao của giai đoạn trước). Đặc biệt từ giữa thập niên 1980, làn sóng công nghiệp châu Á bước sang giai đoạn mới có sự thay đổi lớn về chất, với tốc độ cao của công nghiệp hoá tại Trung Quốc và ASEAN và sự chuyển dịch cơ cấu công nghiệp ở các nước diễn ra nhanh chóng. Nhật Bản dần dần chuyển sang thời đại sau công nghiệp nhưng vẫn duy trì sức cạnh tranh trong lĩnh vực này nhờ chủ động chuyển dịch cơ cấu công nghiệp sang các ngành có hàm lượng công nghệ, tri thức cao như xe hơi và các sản phẩm điện tử cao cấp, các loại máy móc kết hợp nhiều ngành công nghệ khác nhau. Nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm đồ điện gia dụng như TV, tủ lạnh, máy giặt, và các bộ phận, linh kiện xe hơi, điện tử chuyển nhanh từ Nhật Bản sang các nước châu Á khác. Các NIEs như Hàn Quốc, Đài Loan, Xingapo cũng chuyển dịch cơ cấu công nghiệp từ các ngành sử dụng nhiều lao động sang các ngành có hàm lượng cao về tư bản và công nghệ.

Bối cảnh của sự biến đổi về chất trong làn sóng công nghiệp Đông Á từ giữa thập niên 1980 là gì? Có thể nêu ra ba điểm: thứ nhất, có sự thay đổi trong thái độ của các nước ASEAN và Trung Quốc về hoạt động của các công ty đa quốc gia. Trước đây, đặc biệt là trong giai đoạn trước 1975, các nước này lo ngại các công ty đa quốc gia chi phối kinh tế nên họ đã ngăn cản hoặc hạn chế hoạt động của các công ty đó. Quan điểm này đã thay đổi từ thập niên 1980, tạo điều kiện cho tư bản, công nghệ và tri thức quản lý kinh doanh di chuyển nhanh tại các nước tiên tiến mà chủ yếu là Nhật Bản. Thứ hai, đồng tiền yên của Nhật Bản tăng giá nhanh trong thời gian rất ngắn (chỉ 3 năm từ 1985 đến 1988, giá trị của đồng USD giảm một nửa, từ 254 yên còn 127 yên) làm cho phí tổn sản xuất tại Nhật Bản tăng vọt, các công ty Nhật phải đối phó bằng việc đẩy mạnh đầu tư nước ngoài. Thứ ba, các NIEs bắt đầu chuyển từ nhập khẩu tư bản và công nghệ sang xuất khẩu các nguồn lực sản xuất này. Ba yếu tố đó đã làm cho tư bản, công nghệ và tri thức quản lý kinh doanh di chuyển nhộn nhịp trong vùng Đông Á và do đó đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá tại vùng này. Chương 2 sẽ bàn sâu hơn về hiện tượng lan rộng công nghiệp hoá tại Đông Á.

Trong thời kỳ này, Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước phát triển thấp nhất tại khu vực với GDP bình quân đầu người chỉ tăng 2,8%. Con số này cao hơn giai đoạn trước là nhờ thành quả của đổi mới. Đổi mới bắt đầu phát huy tác dụng từ năm 1992, nếu lấy năm 1991 làm mốc chia giai đoạn 1975 - 95 thành hai thời kỳ thì sẽ thấy như sau: trong thời kỳ 1976-91, GDP bình quân đầu người chỉ tăng 1,9% (GDP tăng 4,1% nhưng số dân tăng 2,2%), bằng mức phát triển của giai đoạn 1955 - 75, nhưng qua thời kỳ 1991 - 95, GDP bình quân đầu người đã tăng vọt lên 6,6% (GDP tăng 8,8% và số dân tăng 2,2%), tương đương với thành quả của Đài Loan và Hàn Quốc trong giai đoạn 1973 - 96.

Như vậy, suốt từ năm 1955 đến đầu thập niên 1990, GDP/đầu người của Việt Nam chỉ tăng dưới 2%. Điều này có nghĩa là một người Việt Nam phải cần 35 năm mới tăng gấp đôi thu nhập và mức sống của mình, trong khi đó Đài Loan chỉ cần 11 năm và Thái Lan chỉ cần 15 năm.

Vào giai đoạn ba, giai đoạn gần đây nhất (1995 - 2003). Giai đoạn thứ ba lẽ ra bắt đầu từ năm 1997, năm xảy ra khủng hoảng tiền tệ châu Á và cũng là năm tiếp theo ngay giai đoạn trước, nhưng do có sẵn thống kê từ năm 1995 nên giai đoạn này được phân. Với mục đích phân tích ở đây, giai đoạn ba bắt đầu năm 1995 hay năm 1997, kết quả cũng không thay đổi nhiều, nhóm nước có thành quả nổi bật là Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc đã đạt được thành quả tương đương với giai đoạn phát triển thần kỳ của Nhật Bản trong giai đoạn 1950 - 73 và Việt Nam tương đang với Hàn Quốc, Đài Loan trong các giai đoạn trước. Nhật Bản tiếp tục giai đoạn suy thoái kéo dài từ năm 1992. Các nước khác bị suy thoái nặng trong năm 1998 vì cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 nhưng hồi phục dần từ năm 1999. Kết quả phân tích chỉ cho thống kê đến năm 2003 nhưng nếu khảo sát thêm những năm sau đó sẽ thấy Thái Lan hồi phục nhanh hơn sau năm 2003. Nhìn chung, ngoài Trung Quốc và Việt Nam, các nước Đông Á từ cuối thập niên 1990 có mức tăng GDP đầu người trung bình là 3 - 4%. Ở đây không có điều kiện đi sâu vào vấn đề phát triển kinh tế của các nước Đông Á từ cuối thập niên 1990. Những độc giả quan tâm vấn đề này có thể xem Stiglitz and Yusuf (2001) và các bản báo cáo hằng năm Asian Development Outlook (Asian Development Bank). Nếu thành quả của Việt Nam ở giai đoạn gần đây tiếp tục được duy trì thì tương lai, Việt Nam sẽ nhanh chóng đuổi kịp các nước này.

Có thể nêu ra hai nhóm yếu tố giải thích thành quả phát triển đáng ghi nhận trong giai đoạn 1995 - 2003. Nhóm thứ nhất liên quan đến những nỗ lực, những chính sách đổi mới mạnh dạn từ năm 1989 tạo điều kiện để cơ chế thị trường hoạt động, dần dần khơi dậy được nguồn lực phát triển trước hết trong lĩnh vực nông nghiệp, sau đó là các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, song song với việc khắc phục nguy cơ lạm phát phi mã. Nhờ đó, từ năm 1993, kinh tế Việt Nam vừa phát triển vừa khắc phục lạm phát và thành quả đó tiếp tục được duy trì trong giai đoạn từ năm 1995. Nhóm yếu tố thứ hai liên quan đến tình hình quốc tế ngày càng thuận lợi cho Việt Nam. Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam từ cuối năm 1992, cộng đồng các nhà tài trợ gồm các nước phát triển và các cơ quan quốc tế bắt đầu cung cấp ODA cho ta từ năm 1993, do đó việc xây dựng cơ sở hạ tầng tiến triển nhanh và đi vào kế hoạch.

Hai nhóm yếu tố này đã tạo cơ sở để Việt Nam tham gia vào sự phân công quốc tế tại khu vực Đông Á. Cho đến năm 1994, hơn 70% ngoại thương của Việt Nam đã tập trung tại vùng này (trước năm 1990, hơn 70% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là với Liên Xô cũ và các nước Đông Âu). Đặc biệt, đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) tăng nhanh trong giai đoạn này, chủ yếu là do các công ty đa quốc gia từ Nhật Bản và các NIEs triển khai chiến lược cơ cấu lại mạng lưới sản xuất công nghiệp toàn vùng Đông Á.

(Theo Tuổi trẻ)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Kinh tế Việt Nam trong tầm nhìn đối chiếu với các nước Đông Á: (2). Định vị kinh tế Việt Nam vào đầu thế kỷ XXI
  • Triển vọng về cộng đồng kinh tế Đông Á:(1). Tiến triển của các FTA song phương và đa phương tại Đông Á
  • Triển vọng về cộng đồng kinh tế Đông Á:(2). Bàn về khả năng thiết lập cộng đồng Đông Á trong tương lai
  • Phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam
  • Phương hướng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển
  • Giao thông vùng ĐBSCL: Diện mạo mới sau năm 2015
  • Mười vấn đề kinh tế vĩ mô năm 2008
  • Kinh nghiệm phát triển cơ sở hạ tầng đô thị du lịch của một số quốc gia
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi